Ở tuổi người ta đã về hưu từ lâu, ông mới bắt đầu lập nghiệp. Hơn mười năm sau, ông đã có gia tài tiền tỷ.
Nhìn vào chặng đường gian khó ấy để thấy rằng mọi sự khởi đầu không bao giờ là quá muộn...
Hiện nay, xưởng của gia đình ông Linh là đầu mối cung cấp chai cho các công ty ở 15 tỉnh, thành phố
Quá khứ long đongĐến thăm cơ sở kinh doanh của ông Tô Hoài Linh ở xã Long Xuyên (Bình Giang) vào mùa cấy này, bao giờ cũng thấy vắng vẻ hơn bình thường. Bốn dây chuyền súc, rửa chai thủy tinh chỉ còn hai đang hoạt động. Công nhân hầu hết đều là phụ nữ tuổi ngoài 40 đang tỉ mẩn rửa sạch từng cái chai bằng cả máy và thủ công. Bà Phạm Thị Hoằng, 54 tuổi ở thôn Bằng Giã, xã Tân Việt cười rổn rảng khi kể về quá trình làm công nhân của mình: “48 tuổi tôi mới bắt đầu xin vào đây làm việc đấy. Thế mà ông chủ vẫn nhận. Chỉ có xin việc ở đây mới được thế chứ tuổi ấy công ty nào dám nhận vào làm nữa. Ông chủ có tuổi rồi nên thông cảm với chị em đã cứng tuổi như chúng tôi lắm. Mùa cấy gặt hay nhà có công có việc gì ông đều cho nghỉ, bao giờ xong việc lại tới làm. Làm ở công ty mà như thế thì bị đuổi lâu rồi”.
Nếu tính tuổi thì đội nữ công nhân ở xưởng của ông Linh có độ tuổi trung bình thuộc diện “vô địch” so với các công ty, xưởng sản xuất khác. Đa số nằm trong độ tuổi từ 47 tới 50, chỉ có 2 người ngoài 30 tuổi. Nhiều người nghĩ rằng ông Linh thuê những phụ nữ lớn tuổi vì họ chăm chỉ, cẩn thận, khó kiếm việc ở những nơi khác nên chấp nhận mức tiền công chỉ khoảng 70.000 đồng/ngày. Ít ai biết được một nguyên nhân sâu xa khiến ông thông cảm, muốn tạo điều kiện cho những người đã có tuổi nhưng còn sức lao động có công ăn việc làm. Đó là chính bản thân ông đã trải qua những tháng ngày gian nan dài đằng đẵng, đến tận năm 65 tuổi mới tìm được cơ hội làm giàu…
“Trong những lúc khó khăn, tưởng chừng như rơi xuống đáy vực ấy, trong ông vẫn cháy một ngọn lửa niềm tin, rằng mình sẽ thoát khỏi tình trạng này, mọi việc rồi sẽ tốt lên nếu như mình cố gắng”.
|
55 năm trước, ở tuổi 23, chàng trai trẻ Tô Hoài Linh lên đường nhập ngũ. 12 năm trong quân ngũ, ông đã lái xe ngang dọc tuyến đường Trường Sơn, rồi sau đó được phân công công tác tại nhà máy quốc phòng Q153 (còn có tên khác là Xưởng chiến thắng tại Đông Anh, Hà Nội). Năm 1972, ông lấy vợ, cũng là một công nhân trong nhà máy. Hai vợ chồng cùng giải ngũ về quê ông ở Bình Giang sinh sống. Chuỗi ngày tháng long đong, vất vả của ông và gia đình cũng khởi đầu từ đây. “Khi ấy chúng tôi không một tấc đất cắm dùi, không có ruộng vườn để sản xuất, nên vợ chồng bàn nhau đi khai hoang làm kinh tế mới ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Trong gần 10 năm ở đó, tôi làm đủ các công việc có thể kiếm ra tiền nuôi vợ con, từ kiếm củi trên rừng, đi xe trâu, san đất thuê đến gò, chữa xe đạp. Năm 1981, cả nhà lại chuyển về quê hương. Sau đó lại ra Hải Phòng làm vôi. Bao nhiêu năm cứ đi đi lại lại, chạy ngược chạy xuôi kiếm kế sinh nhai mà cũng chỉ đủ ăn một cách chật vật”, ông Linh không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn dài đằng đẵng ấy.
Bà Ngô Thị Loan, vợ ông cũng nhớ như in những tháng ngày cơ cực khi ông phải ra tận Móng Cái làm nghề chạy xe ôm: “Ông ấy đi 4 năm, từ năm 1993 đến năm 1997, lúc cũng đã tròm trèm 60 tuổi. Nhà khó khăn quá nên tôi đành phải để chồng đi làm xa như thế, chứ tuổi ấy lẽ ra phải được nghỉ ngơi rồi. Nhưng ông ấy lúc nào cũng động viên, bảo còn làm được thì phải làm, ở nhà đừng lo gì hết cả”. Trong những lúc khó khăn, tưởng chừng như rơi xuống đáy vực ấy, trong ông vẫn cháy một ngọn lửa niềm tin, rằng mình sẽ thoát khỏi tình trạng này, mọi việc rồi sẽ tốt lên nếu như mình cố gắng.
Lập nghiệp tuổi 65
Ông Linh luôn kiểm tra kỹ chất lượng chai trước khi xuất xưởng
Năm 2001, khi ông đã về quê được mấy năm, buôn bán nhiều mặt hàng kiếm lãi, bị lừa vô số lần vì tính cả tin, ông mới bắt đầu gây dựng cơ ngơi làm ăn bây giờ. Khi ấy, cạnh nhà ông có nhà máy sản xuất bia quy mô nhỏ cần có nguồn chai dùng để đóng bia. Ông gom góp tất cả vốn liếng trong nhà được 300.000 đồng để đi buôn chai. Hằng ngày, ông đi khắp nơi trong huyện, sang cả những vùng lân cận để thu mua khoảng 200 chai thủy tinh, rửa sạch, bán cho nhà máy bia. Do chịu khó đi các nơi, tạo được nguồn hàng ổn định, lãi thu về từ việc mua chai cũ, làm sạch để tái sử dụng cũng ổn định. Dần dần, ông tìm kiếm được các hợp đồng với các nhà máy ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… rồi Bình Dương, TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, cơ sở của ông được các nhà máy ở 15 tỉnh, thành phố trong cả nước đặt hàng thường xuyên. Mỗi năm, cơ sở của ông xuất đi khoảng 1 tỷ chai, tạo công ăn việc làm cho 40 công nhân với tổng tiền lương khoảng 1 tỷ đồng. Bên cạnh kho, xưởng có diện tích khoảng 1.000m2, ông còn sắm 6 xe ôtô vừa để chở hàng, vừa làm dịch vụ chở khách đi tham quan, du lịch theo yêu cầu. Toàn bộ cơ ngơi ấy, ông đã gây dựng ở độ tuổi “ngoài độ tuổi lao động”.
Công việc biến chai đã qua sử dụng thành chai có thể sử dụng tưởng chừng như đơn giản, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy hết sức khó khăn. Người đàn ông xấp xỉ bát tuần nhưng trông vẫn rắn rỏi, khỏe mạnh và tinh anh không ngại ngần chia sẻ “bí quyết” làm giàu của mình: “Thật ra, làm việc khi đã nhiều tuổi có những bất lợi nhưng cũng có lợi thế riêng, quan trọng là mình phải biết tận dụng nó. Khi bắt đầu đi chào hàng, kiếm những hợp đồng lớn, ổn định, tôi cố gắng gom tiền mua một chiếc xe ô tô con để đi đến các công ty cho đàng hoàng. Gặp mình là người có tuổi, lại đàng hoàng, chắc chắn đại diện các công ty có cảm tình hơn. Nhưng quan trọng nhất là phải tạo được niềm tin, giữ được chữ tín với khách hàng trong quá trình hợp tác”. Ông kiếm và giữ được nhiều hợp đồng hơn các cơ sở khác bởi khả năng cung cấp hàng nhanh, đạt chất lượng đúng như khách yêu cầu. Chỉ cần hôm nay khách gọi, ngày mai ông đã giao hàng, để khách có hàng dùng ngay, không bị nhỡ việc. Để làm được như vậy, ông buộc phải tích trữ sẵn số lượng lớn chai nhiều chủng loại trong kho, chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra khi "ôm" khối lượng hàng lớn.
Quy trình biến chai bẩn thành chai có thể đưa vào sử dụng tại cơ sở của ông Linh không quá phức tạp nhưng khép kín và luôn được ông kiểm tra chất lượng ngặt nghèo. Mấy năm trước đây, ông đã đầu tư mua dây chuyền làm sạch của Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng áp dụng không mấy hiệu quả, nên lại đành quay trở về với dây chuyền bán chuyên nghiệp, nửa máy móc, nửa thủ công như hiện tại. Ông vẫn đau đáu suy nghĩ cách để cải tiến dây chuyền này cho hiện đại hơn, để công nhân bớt được một vài công đoạn mà chất lượng công việc lại cao hơn. Với người đàn ông quen lao động, quen suy nghĩ về công việc này, dường như tuổi tác không phải là rào cản.
Mô hình độc đáo
Không chỉ bắt đầu làm ăn thành công ở tuổi hiếm người còn quyết tâm lập nghiệp, ông Linh còn xây dựng mô hình kinh doanh rất độc đáo kiểu gia đình. Vợ chồng ông có 6 người con, trong đó có 3 người con trai đều chung tay với ông trong công việc làm ăn. Ông không trả lương hằng tháng cho 3 nhân công đặc biệt này nhưng lại trả lương cho các con dâu để nuôi các cháu ăn học. Các con trai ông muốn chi tiêu gì vượt quá 1 triệu đồng đều phải xin ý kiến bố. Nhưng ông tậu đất, xây nhà cho cả 3 gia đình. 3 ngôi nhà 3 tầng khang trang giống nhau y hệt, đồ đạc trong nhà cũng được ông mua sắm giống nhau để không có sự so bì giữa các con. Tuy cách quản lý có vẻ “độc tài” như vậy, song điều lạ là các con ông đều rất vui vẻ, chí thú làm ăn dưới sự quản lý, chỉ đạo của ông. Tất cả là nhờ vào tình thương yêu, cách xử sự thấu tình, đạt lý của người cha “tổng chỉ huy” ấy.
Tất cả những người còn sức lao động, chăm chỉ làm việc, thậm chí là những người khuyết tật đều được ông tạo cơ hội có việc làm. “Ban đầu, tôi định trả lương cho họ (người khuyết tật) cao hơn vì cùng làm một công việc thì họ phải cố gắng hơn những người khác. Nhưng suy nghĩ thấy như thế sẽ khiến các công nhân khác lăn tăn, mà bản thân người được ưu tiên cũng không thoải mái. Nên tôi đành trả lương như nhau”, ông Linh vui vẻ chia sẻ.
Ông Linh muốn đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân để họ được hưởng lương hưu khi về già. Nhưng công nhân của ông đi làm không thường xuyên, liên tục, tuổi lại cao, nếu đóng đến lúc đủ tuổi về hưu cũng không đủ số năm nên không thể tham gia bảo hiểm xã hội. Ông tìm những cách quan tâm, chăm lo khác để người lao động làm việc cảm thấy ấm áp như trong gia đình, giúp họ vừa có thu nhập lại vừa thoải mái, vui vẻ. Các công nhân của ông thường chỉ làm việc lúc nông nhàn, lĩnh lương theo ngày và bất cứ khi nào họ tới làm việc hay xin nghỉ đều được ông chấp nhận.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Xuyên cho biết: “Ông Linh là một tấm gương điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của xã Long Xuyên. Mô hình làm ăn của ông khó nhân rộng nhưng trong xã đã có nhiều gia đình học tập cách phát triển kinh tế theo kiểu bố mẹ đứng ra làm quản lý chính, chi phối công việc chung. Hằng năm, ông Linh đóng góp nhiều công và của cho các hoạt động xã hội trong xã. Gần đây nhất, ông đã hỗ trợ hoàn toàn làm con đường đi ra nghĩa trang của xã”.
VIỆT HÒA