Tỷ phú hoa lan ở Bình Dương

27/05/2018 12:16

Vào miền Nam lập nghiệp chỉ với đôi bàn tay trắng, nhưng nhờ cần cù lao động nên chàng thanh niên tuổi Thân quê Hải Dương Lương Mạnh Đẩy đã được đền đáp xứng đáng.


Anh Lương Mạnh Đẩy (trong ảnh) sở hữu một trong những trang trại trồng hoa lan “khủng” nhất miền Nam hiện nay

“Ông trùm” lan công nghiệp

Ở tỉnh Bình Dương, anh Lương Mạnh Đẩy (sinh năm 1980, quê ở xã Phúc Thành, Kinh Môn) được nhiều người đặt cho biệt danh “ông trùm" lan công nghiệp vì sở hữu một trong những trang trại sản xuất, kinh doanh hoa lan công nghiệp lớn nhất miền Nam hiện nay. Cơ sở này có trụ sở tại xã Phú An, huyện Bến Cát.

Nói chuyện với anh, tôi cảm nhận anh Đẩy là người giản dị, chân tình, mộc mạc. “Nghe nói trong miền Nam giờ anh là tỷ phú hoa lan nổi tiếng?”, tôi hỏi. Anh Đẩy cười tươi rồi khiêm tốn đáp: “Mình không dám nhận là tỷ phú đâu. Mình chỉ là một nông dân có 1 khu đất nhỏ trồng mấy luống lan kiếm lời thôi”.

Khu đất nhỏ mà rộng tới hơn 8.000 m2, còn làm nhà lưới trồng đủ loại hoa lan. Nghe anh Đẩy thống kê số lượng các loại hoa lan hiện có mà tôi không khỏi choáng ngợp. Nào là 60 luống trồng 80.000 giò lan Dendrobium treo giàn, 67 luống trồng 25.000 cây lan Mokara cắt bông, 20.000 chậu lan Ngọc điểm, hàng chục nghìn chậu lan Cattleya, Hoàng hậu, Vanda… 

Trang trại của anh Đẩy xuất bán cho thương lái từ 100 - 150 chậu lan Dendrobium/ngày với giá 35.000 đồng/chậu; từ 1.500 - 2.000 bông lan Mokara/tuần, giá 6.000 đồng/bông; khoảng 10.000 giò lan Ngọc điểm/năm, 80.000 đồng/giò; 2.000 chậu lan Cattleya/năm, 180.000 đồng/chậu. 

Trang trại trồng hoa lan công nghiệp của anh Đẩy hiện đang cung cấp hoa cho 23 khách buôn, 8 đại lý cấp 1 ở nhiều tỉnh, thành phố từ miền Nam ra miền Bắc và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Rất nhiều Hội Nông dân, Hội Hoa lan các tỉnh ở miền Nam, miền Trung đã tổ chức đoàn đến thăm và học tập kinh nghiệm tại trang trại trồng hoa lan của anh. 

Trang trại trồng lan công nghiệp của anh Đẩy tại Bình Dương thành lập từ năm 2010. Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết số tiền lãi mỗi năm anh Đẩy thu được từ việc trồng và kinh doanh hoa lan chắc chắn phải tiền tỷ. Giờ đây khi đã là một ông chủ thành đạt nhưng anh Đẩy vẫn giữ được sự mộc mạc, giản dị vốn có. Hằng ngày, anh trực tiếp cùng công nhân theo dõi, chăm sóc tỉ mỉ cho những giò lan, coi chúng như những đứa con tinh thần.

Mê trồng trọt từ nhỏ


Trang trại trồng hoa lan của anh Đẩy tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Trả lời câu hỏi của tôi về việc cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề trồng lan, anh Đẩy chia sẻ: “Bạn sẽ không thể hiểu hết niềm đam mê nông nghiệp mãnh liệt trong mình như thế nào đâu. Nhưng có thể chia sẻ với bạn một điều rằng, nếu có chuyện gì buồn bực trong người thì mình chỉ nhìn thấy hoa lan là hết luôn”.

Anh Đẩy sinh ra trong một gia đình thuần nông. Ngay từ khi còn học cấp 2, anh đã thường xuyên ra đồng phụ giúp bố mẹ cấy lúa, trồng lạc, đỗ tương, khoai lang, hành, tỏi… Công việc vất vả nhưng ít khi anh cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Ngược lại, anh rất mê công việc đồng áng và thích ngắm nhìn cây lúa, cây rau lớn lên từng ngày. Anh Đẩy mơ ước sau này lớn lên sẽ là một nhà vườn chuyên trồng cây cảnh. 

Để hiện thực hóa ước mơ, học hết cấp 3, anh Đẩy đăng ký và thi đỗ vào Khoa Cây trồng của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Năm 2002, anh tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc nên quyết định vào miền Nam tìm kiếm cơ hội. Một năm sau, anh được nhận vào làm tại bộ phận quản lý Công ty Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh (nay là Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh). Trong khoảng thời gian từ 2003 - 2010, anh được công ty giao chuyên tổ chức Hội thi hoa lan cho các nhà vườn, nghệ nhân ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhờ vậy, anh thường xuyên có cơ hội được tiếp cận, nghiên cứu kỹ hơn về các loại hoa lan.

Sau 8 năm gắn bó với Công ty Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh, năm 2010, anh Đẩy xin nghỉ để ra ngoài thành lập vườn trồng hoa lan. Anh sử dụng số tiền lương tích cóp được mua 200 m2 đất vườn ở huyện Củ Chi. Trên diện tích này, anh chỉ sử dụng 20 m2 để xây 1 căn nhà nhỏ, 180 m2 còn lại làm nơi trồng lan. Thời điểm đó, anh Đẩy chủ yếu đến các nhà vườn mua nhánh hoa lan Dendrobium về ươm nuôi thành chậu hoặc giò, sau đó bán lại cho các lái buôn với giá 180.000 đồng/giò trở lên. Bình quân mỗi giò lan này anh thu lãi 120.000 - 150.000 đồng. 

Năm 2012, anh Đẩy tình cờ gặp lại một người bạn cùng quê Hải Dương đang làm ở Viện Nghiên cứu mía đường tại tỉnh Bình Dương. Lúc này, Viện Nghiên cứu mía đường đang triển khai chương trình “Nông nghiệp đô thị” cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện thuê lại đất để sản xuất với giá rẻ. Thấy đây là cơ hội tốt để mở rộng sản xuất, kinh doanh nên anh Đẩy nhanh chóng thuê hơn 8.000 m2 đất với giá 25 triệu đồng/năm để mở trang trại. Năm đầu anh chỉ làm trên diện tích 2.000 m2, sau thấy có hiệu quả nên tiếp tục mở ra hết diện tích. Các giống hoa lan trồng hiện nay được anh nhập từ Thái Lan về.

Đưa hoa lan về quê


Mỗi ngày trang trại của anh xuất bán ra thị trường hàng trăm giò lan các loại

Anh Đẩy cho biết sản xuất, kinh doanh lan công nghiệp không cần vốn quá lớn. Trang trại của anh đầu tư hệ thống nhà lưới và các loại máy tưới phun tự động, máy phun thuốc sâu cũng chỉ tốn hơn 700 triệu đồng. Tuy nhiên, việc chăm sóc cho loài hoa này rất tốn công. Ví dụ như hoa lan Dendrobium có thân và phiến lá dày, to trong khi chỉ được trồng trong giò loại nhỏ. Do đó khi bón đất, tưới nước, kiểm tra mật độ sâu bệnh rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Thông thường 1 ngày, anh Đẩy và các công nhân phải chăm sóc các loài hoa lan theo 3 công đoạn: tưới bán tự động; nhặt cỏ, bón đất cho từng giò hoa; luân chuyển các cây theo khu vực để tiện theo dõi, chăm sóc. 

Các loại hoa lan công nghiệp thường hay bị bệnh ruồi đục bông, muỗi đục bông. Mặc dù trong quá trình sản xuất, thời tiết, sâu bệnh tác động nhiều đến trồng lan nhưng anh vẫn khắc phục kịp thời, không để thiệt hại xảy ra. “Đó là do mình luôn chủ động ghi chép lại tình hình thời tiết, sâu bệnh theo giai đoạn trong từng năm để rút ra cách quản lý cho tốt, không để bị động. Ví dụ dịp 30.4 năm nay hoa lan bị bệnh ruồi đục bông, mưa nhiều gây táp lá, thối rễ… thì dự kiến cùng kỳ này sang năm cũng sẽ có những trở ngại tương tự. Biết trước ta sẽ có phương án phòng tránh hiệu quả hơn”, anh Đẩy chia sẻ. 

Hiện nay, trang trại sản xuất, kinh doanh hoa lan công nghiệp của anh Đẩy vẫn đang mở rộng thị trường tiêu thụ. Tại khu vực miền Bắc, ngoài Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình… ngay trong năm nay anh sẽ mở thêm thị trường tại Hải Dương. Việc xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa lan tại quê nhà Kinh Môn cũng được anh tính tới. Anh Đẩy tiết lộ: “Giống hoa lan công nghiệp nhập từ Thái Lan có thể trồng ở khắp mọi miền cả nước. Nhà mình ở xã Phúc Thành đất rộng nên những năm tới mà vẫn làm ăn thuận lợi là mình sẽ tính tới việc mở thêm cơ sở trồng hoa lan ở quê nhà để tạo việc làm cho lao động địa phương”.

Trang trại sản xuất, kinh doanh hoa lan hiện nay tại Bình Dương đang hoạt động hiệu quả nhưng anh Đẩy chưa định dừng lại. Anh đang củng cố cơ sở hạ tầng để mở thêm tầng thứ 2 trồng các loài hoa lan trong giò. Bên cạnh đó, anh đang liên kết với Trường Đại học Nông lâm Huế nhận hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng nghề cho các sinh viên năm cuối.

Sau 16 năm xa quê, với niềm đam mê và sự quyết tâm cao, anh Đẩy đã có được những thành quả xứng đáng trên con đường mình đã chọn. Chỉ có điều, người đàn ông năm nay đã 38 tuổi nhưng vẫn chưa đoái hoài gì đến chuyện xây dựng gia đình. Nhắc tới chuyện lấy vợ, anh cười bảo: “Rồi cũng sẽ đến lúc lấy vợ nhưng tạm thời trước mắt mình đã có “em lan” rồi (ý nói trang trại trồng hoa lan)”.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỷ phú hoa lan ở Bình Dương