Tỷ phú công nghệ "điên" giàu nhất lịch sử

03/02/2022 07:53

Cùng lúc điều hành ba công ty đình đám Tesla, SpaceX và Solar City nên không ngạc nhiên khi Elon Musk được đánh giá là tỉ phú có ảnh hưởng lớn nhất giới công nghệ

Năm 2021, Elon Muskl được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm vì sức ảnh hưởng toàn cầu. Ông trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng hơn 264 tỉ USD, một phần nhờ giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh. Công ty SpaceX do ông thành lập cũng lần đầu thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa du khách và không có phi hành gia chuyên nghiệp lên quỹ đạo quanh Trái Đất.

Để đạt được thành công như hiện tại, Elon Musk không ít lần đi ngược lại số đông. Thậm chí, ông còn làm những điều bị cho là lập dị cùng những dự án không tưởng để làm nên thương hiệu "Tỷ phú ‘điên’ giàu nhất lịch sử".

Tỉ phú công nghệ điên giàu nhất lịch sử - Ảnh 1.
Năm 2021, Elon Muskl được tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm

Quyết tâm thực hiện "giấc mơ Mỹ"

Elon Reeve Musk sinh ngày 28.6.1971 trong một gia đình khá giả có cha là kỹ sư và mẹ là chuyên gia dinh dưỡng kiêm người mẫu tại Nam Phi.

"Elon Musk luôn khác biệt. Gia đình chúng tôi gọi nó là cậu bé thiên tài từ khi cậu lên 3 tuổi"- bà Maye Musk (mẹ của Elon Musk) nói với Tạp chí Time và cho biết: "Elon Musk đam mê đọc sách từ khi còn nhỏ. Mới học lớp 4 nhưng nó đã đọc toàn bộ cuốn Bách khoa toàn thư".

Đam mê thứ hai của Elon Musk là máy tính, với bộ óc thông minh bẩm sinh khi lên 9 tuổi cậu đã tự học cẩm nang lập trình chỉ trong 3 ngày. Năm 12 tuổi, Elon đã tự viết code thiết kế một trò chơi điện tử có tên Blastar. Sau đó, cậu bán nó cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD, một khoản tiền khá lớn đối với một cậu bé chỉ hơn 10 tuổi.

Tỉ phú công nghệ điên giàu nhất lịch sử - Ảnh 2.
Musk (bên trái, lúc 4 tuổi), cùng mẹ và hai người em

Với Elon Musk, thung lũng Silicon (Mỹ) mới là miền đất hứa và năm 17 tuổi ông quyết định rời đất nước Nam Phi. Do có mẹ người gốc Canada nên Musk dễ dàng nhập cư vào đất nước này và đăng ký học tại Đại học Queen ở Ontario. Vài năm sau thông qua chương trình chuyển tiếp đại học, Musk đã đặt chân đến Mỹ.

Trở thành triệu phú

Musk chuyển đến học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) và sau đó tốt nghiệp với bằng kép chuyên ngành vật lý và kinh tế. Thời gian ở trường đại học, Musk bắt đầu nghĩ về những việc muốn làm bằng cách đặt câu hỏi: Điều gì có tác động lớn nhất đối với tương lai nhân loại?

Sau khi được nhận vào chương trình Tiến sĩ của Đại học Stanford, Elon Musk có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về các tụ điện có mật độ năng lượng cao - một công nghệ hướng đến việc tìm kiếm giải pháp dự trữ năng lượng hiệu quả hơn so với các loại pin truyền thống. Musk cho rằng đây sẽ là yếu tố cốt lõi cho tương lai của năng lượng bền vững và giúp đẩy nhanh sự xuất hiện của ngành công nghiệp sản xuất xe điện.

Tuy nhiên, Musk đã bỏ học chỉ 2 ngày sau khi chương trình học bắt đầu. Thay vào đó, ông và em trai Kimbal quyết định tham gia vào thời kỳ bùng nổ Internet khi nó mới ra đời.

Công ty đầu tiên của họ là Zip2 - hướng tới dịch vụ bản đồ Internet đầu tiên, sử dụng dữ liệu GPS để giúp người tiêu dùng tìm thấy các doanh nghiệp trong khu vực lân cận. Zip2 cũng là tiền thân của MapQuest.

Hãng máy tính Compaq sau đó đã mua lại Zip2 với giá 307 triệu USD vào năm 1999, đưa Musk lên hàng triệu phú với khối tài sản 22 triệu USD cho số cổ phần nắm giữ.

"Mạo hiểm" với các dự án dường như "không tưởng"

Thành công ban đầu càng thôi thúc Elon Musk đến với những dự án mới tưởng chừng như "siêu thực". Ông quyết định dồn 3/4 số tiền có trong tay để thực hiện dự án xây dựng ngân hàng trực tuyến, chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi tiết kiệm và tài khoản của các nhà môi giới có tên X.com.

X.com ra đời trở thành một phần của PayPal, được eBay mua vào tháng 10-2002 và sau đó Elon Musk tiếp tục "sang tên đổi chủ" với giá khoảng 180 triệu USD.

Trước khi thương vụ bán PayPal cho eBay hoàn tất, Elon Musk đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ tên lửa. Sau đó, công ty tên lửa SpaceX đã ra đời vào tháng 6-2002. Năm 2004, khi dự án tên lửa vừa mới đi vào hoạt động, Musk lại tiếp tục tham gia thêm một dự án "không tưởng" khác - sản xuất xe điện Tesla.

Để đạt được những thành công rực rỡ kể trên, tỉ phú Elon Musk đã trải qua không ít khó khăn.

Nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp ôtô cũng đã tỏ ra coi thường Tesla khi hãng này mới xuất hiện. Năm 2008, Tesla đứng trên bờ vực sụp đổ do không đủ tài chính. Vào thời điểm đó, Musk quyết định sử dụng tài sản cá nhân để duy trì hoạt động của công ty. Khối tài sản này bao gồm số tiền ông kiếm được từ việc bán PayPal. May mắn, các khoản vay cá nhân từ bạn bè đã giúp Tesla tiếp tục đứng vững.

Space X cũng từng bị coi là tốn tiền khi ngốn tới hàng trăm triệu USD cho những lần thử nghiệm tên lửa mới. Musk đã đầu tư 100 triệu USD để phát minh 3 tên lửa đầu tiên nhưng cả 3 đều phát nổ trước khi được phóng vào quỹ đạo. Thất vọng, chán chường nhưng ông vẫn luôn tin tưởng vào tương lai của SpaceX. Cuối cùng, tên lửa thứ 4 đã được phóng thành công và SpaceX ký hợp đồng 1,6 tỉ USD với NASA.

Tỷ phú lắm tài nhiều tật

"Elon Musk luôn kỳ quặc. Nếu không kỳ quặc thì chắc đó chẳng còn là Elon Musk" - bà Maye Musk nhận xét về con trai.

Musk thường làm những điều mà các tỉ phú khác chẳng bao giờ làm. Chẳng hạn, ông liên tục trả lời người khác trên Twitter, về mọi lĩnh vực thậm chí cả… phim hoạt hình.

Twitter cũng là một nơi thể hiện rõ sự ngông và liều của Musk. Đã nhiều lần ông dính "vạ miệng", bị nhà đầu tư đâm đơn kiện, bị cơ quan chức năng "sờ gáy" nhưng Musk không vì thế mà giảm tần suất "thả" tweet.

Năm 2018, Musk bị Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) phạt 20 triệu USD và mất ghế Chủ tịch Tesla do một dòng tweet nói có kế hoạch đưa Tesla trở thành một công ty tư nhân. Sau khi Musk đăng dòng tweet này, giá cổ phiếu Tesla tăng vọt 11% nhưng rồi Musk thú nhận thực ra chả có kế hoạch cụ thể nào cả.

Tỉ phú công nghệ điên giàu nhất lịch sử - Ảnh 3.
Musk bên chiếc máy tính vào năm 1995, lúc 24 tuổi

Tưởng án phạt đó sẽ là một bài học nhớ đời cho Musk nhưng những dòng tweet gây sóng gió vẫn tiếp tục xuất hiện trên tài khoản Twitter của ông. Hôm 5.1, chỉ với một dòng nhận xét giá cổ phiếu Tesla đang "quá cao", Musk đã "thổi bay" khoảng 13 tỉ USD giá trị thị trường của hãng sản xuất xe điện.

Giá bitcoin vọt lên đỉnh cao mọi thời đại gần 65.000 USD vào tháng 4 sau khi Musk tuyên bố Tesla sẽ chấp nhận đồng tiền này làm phương tiện thanh toán. Rồi khi Musk nói Tesla không chấp nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán nữa, giá đồng tiền này lao dốc mất hơn một nửa từ đỉnh.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỷ phú công nghệ "điên" giàu nhất lịch sử