Tỷ phú cá sạch đất Ngọc Kỳ

10/06/2018 10:21

Mỗi năm thu lãi tiền tỷ từ nuôi cá thịt và ương cá giống nhưng anh Nguyễn Văn Khôi (48 tuổi) ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) vẫn chưa bằng lòng với chính mình...


Mỗi năm, anh Nguyễn Văn Khôi (trong ảnh) ở xã Ngọc Kỳ thu lãi tiền tỷ từ trang trại nuôi cá

Bắt đất hoang nhả vàng

8 năm trước, triều Ỷ ở thôn Kim Đôi còn là một khu đồng trũng, cấy lúa bấp bênh, nông dân bỏ ruộng để cỏ dại, bèo tây mọc um tùm. Nhưng nay khu triều này đã được cải tạo, đầu tư quy hoạch thành trang trại quy mô lớn với hàng chục ao nổi nuôi cá thịt, cá giống, đường sá thuận tiện. Dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi cá thịt của gia đình, anh Nguyễn Văn Khôi khoe trang trại rộng 25 mẫu, được đấu thầu từ diện tích ruộng trũng bỏ cấy của 124 hộ dân. Mỗi năm trang trại cho lãi trên 1 tỷ đồng. “Suốt hàng chục năm qua, vợ chồng tôi đã phải lao động rất cực nhọc, vất vả để có được thành quả như hôm nay”, anh Khôi nói.

Học hết lớp 9, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên anh nghỉ để đi buôn rau, củ, quả. Năm 1990, sau khi lấy vợ, anh Khôi ngừng đi buôn để chuyển về làm nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Vợ chồng anh đấu thầu, cải tạo 3 mẫu vừa ruộng, vừa ao ở khu triều Ỷ nuôi cá truyền thống, trên bờ trồng dưa hấu, su hào, cải bắp. Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên thu nhập của vợ chồng anh cứ tăng dần theo từng năm. Năm 2010, những ruộng trũng xung quanh khu nuôi cá, trồng rau của gia đình anh bắt đầu bị nông dân địa phương bỏ không cấy lúa. Ban đầu chỉ một vài hộ nhưng một thời gian sau thì gần như không còn ai canh tác ở khu triều này. Thấy ruộng hoang hóa lãng phí, năm 2014, vợ chồng anh mượn của bà con vài mẫu cấy lúa nhưng không có hiệu quả vì chuột, sâu bệnh, đường sá đi lại khó khăn.

Với suy nghĩ “thua keo này ta bày keo khác”, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và bà con, vợ chồng anh Khôi quay sang đấu thầu luôn 18 mẫu (định mức 25 kg thóc/sào/vụ), đầu tư cải tạo thành các ao nổi nuôi cá truyền thống và cá rô phi Đường Nghiệp. Ban đầu do ít vốn, đồng thời để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, vợ chồng anh chỉ nuôi cá trên diện tích 5 mẫu ao. Thời tiết thuận lợi, cá trong ao lớn nhanh, ít bị bệnh. Ngay năm đầu tiên nuôi đã cho sản lượng gần 70 tấn, doanh thu 2,4 tỷ đồng, anh lãi ròng 400 triệu đồng. Nhận thấy việc nuôi cá ở khu vực đồng này có hiệu quả, năm 2015, anh Khôi bàn với vợ tiếp tục mở rộng nuôi cá thương phẩm hết diện tích 18 mẫu ruộng đã đấu thầu, đồng thời liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam ương nuôi cá chép, rô phi giống cung cấp cho nông dân từ các tỉnh Nghệ An trở ra.

Năm thứ hai mạnh dạn đầu tư làm ăn, gia đình anh tiếp tục được đền đáp xứng đáng với sản lượng cá thịt đạt hơn 200 tấn, cho doanh thu 8 tỷ đồng, lãi 1,2 tỷ đồng. Riêng cá giống anh bán được 2 triệu con, lãi hàng trăm triệu đồng. Sau đó, anh Khôi tiếp tục đấu thầu nốt 4 mẫu ruộng hoang của người dân để nuôi cá, hình thành nên cơ ngơi như hôm nay.

Trang trại của anh Khôi hiện có 10 ao nổi nuôi cá thịt và ương cá giống. Từ năm 2015, ngoài các loại cá truyền thống như trắm, chép, trôi, mè và rô phi, anh còn nuôi thử nghiệm giống cá chép lai Thái Lan. Đầu năm nay, anh tiếp tục nuôi thử nghiệm cá chuối trên diện tích 4 sào ao. Vừa qua, ao nuôi cá chuối cũng cho thu hoạch 8 tấn, với giá bán 50.000 đồng/kg, gia đình anh Khôi lãi 200 triệu đồng.

Để có được thành quả như hôm nay, ít ai biết anh Khôi đã phải dày công đi nhiều tỉnh trong nước để học làm trang trại nuôi thủy sản và sang Malaysia, Singapore, Thái Lan để học công nghệ nuôi cá tiên tiến. Sau mỗi chuyến đi, anh Khôi lại có thêm nhiều kinh nghiệm quý để áp dụng vào sản xuất.

Vì người tiêu dùng


Hệ thống bể ương cá giống nổi của anh Khôi được lắp đặt bằng nhựa tổng hợp theo công nghệ cao, có mái che

Hôm chúng tôi về thăm trang trại thủy sản của anh Khôi cũng là lúc các công nhân đang lắp đặt hệ thống 5 bể ương cá giống nổi bằng nhựa tổng hợp, có mái che. Các bể đều được làm theo dạng hình tròn. Anh Khôi cho biết mỗi bể chứa 36 m3 nước, có thể ương nuôi 5 vạn con cá giống.

- Có ao nổi rồi sao anh còn đầu tư hệ thống bể ương nổi này làm gì?- tôi hỏi.

- Tôi đang chuẩn bị thành lập Trung tâm Ương cá giống công nghệ cao Việt-Thái. Trang trại này cũng sẽ tiến tới nuôi cá sạch theo công nghệ tiên tiến. Việc đầu tư các bể ương cá là bước đi đầu tiên trong thực hiện mục tiêu này.

- Tôi chưa hiểu hết lý do vì sao anh lại chuyển hướng đầu tư như vậy trong khi trang trại này vẫn đang hoạt động hiệu quả?

- Môi trường, nhất là nguồn nước ngày càng ô nhiễm, đòi hỏi phải có biện pháp sản xuất phù hợp để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Phương châm của anh Khôi là sẽ tạo ra một chuỗi sản xuất khép kín, từ ương con giống đến nuôi cá thương phẩm sạch và chuyển tới tay người tiêu dùng. Đồng thời cung cấp con giống chất lượng, an toàn cho người chăn nuôi. Anh nhận thức được rõ những khó khăn, thách thức khi thực hiện mục tiêu này nhưng vẫn quyết tâm thực hiện. “Để làm ăn bền vững lâu dài thì mình phải tạo dựng uy tín. Khi đã có điều này thì chẳng lo việc sản xuất, kinh doanh của mình gặp khó. Hơn nữa, tôi đang có được sự hậu thuẫn tích cực từ phía Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam nên mới mạnh dạn làm”, anh Khôi bộc bạch.

Anh Khôi cho biết trong năm nay sẽ thử nghiệm ương nuôi cá chép lai Thái Lan trên 5 bể, nếu thành công sẽ nhân lên 30 bể nữa trong năm 2019. Sở dĩ anh Khôi tập trung ương nuôi giống cá này vì chúng có những ưu điểm nổi trội so với nhiều giống cá chép hiện đang nuôi tại nước ta. Giống cá này được lai bởi 3 loại cá chép: chép sông Mê Kông (kích cỡ lớn), chép Hunggari (màu sắc đẹp) và chép Thái Lan (khỏe, thích nghi được nhiều môi trường khác nhau). 

Cách đây 2 năm, anh Khôi đã nuôi thử nghiệm giống cá chép lai Thái Lan trên diện tích 5 mẫu, đồng thời hướng dẫn nhiều hộ tại địa phương nuôi thử nghiệm. Sau 6 tháng nuôi, anh thu được 35 tấn cá, doanh thu trên 1,6 tỷ đồng, cho lãi 600 triệu đồng. “Tốc độ lớn của chép lai Thái Lan nhanh gần như gấp đôi so với con chép V1 hiện tôi đang nuôi ở trang trại. Cá chép lai Thái Lan trưởng thành nặng bình quân 2 kg/con,  gấp đôi chép V1 nên lợi nhuận cũng cao hơn nhiều. Chép lai Thái Lan được nuôi theo công nghệ tiên tiến nên thịt dai, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích. Điều này giải thích vì sao tôi sẽ ưu tiên đầu tư cho con chép này trong giai đoạn tới”.

Để hiện thực hóa mục tiêu nuôi cá sạch, anh Khôi không sử dụng các loại hóa chất tăng trưởng hay thức ăn chăn nuôi kém chất lượng. Từ đầu năm đến nay, anh bắt đầu tìm hiểu, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước trên diện tích 5 mẫu ao nổi. Anh dành riêng một ao rộng khoảng 1,5 sào chuyên tích nước đã qua xử lý bằng vi sinh. Mỗi lần xử lý anh dùng 20 kg thuốc vi sinh dạng lỏng pha đều với nước rồi trải khắp mặt ao. Nước đã được xử lý vi sinh sẽ phục vụ việc ương cá giống và nuôi cá thịt. Việc làm này tạo ra những con vi khuẩn có lợi để triệt hạ những vi khuẩn có hại. Nước trong ao sạch hơn, cá ăn khỏe hơn nên có thể nuôi với mật độ dày hơn. Anh cũng đầu tư mua sắm các loại máy đo độ pH, NH3, O2… trong nước để chủ động xử lý khi cần, không để bị động dẫn tới thiệt hại trong sản xuất. “Trong ngành thủy sản chỉ được 20% thắng lớn, 20% khá, 20% trung bình, còn lại 40% lỗ. Vì thế không thể lơ là trong lúc sản xuất. Thành công mà tôi có được như hôm nay cũng là nhờ chịu khó áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật”, anh Khôi nói.

Sự quyết tâm, mạnh dạn trong làm ăn của anh Khôi được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đánh giá cao. “Mô hình kinh tế trang trại của anh Khôi rất đáng nhân rộng. Việc anh ấy chuyển hướng sang đầu tư nuôi cá công nghệ cao sẽ mở ra hướng sản xuất mới cho ngành chăn nuôi thủy sản của địa phương”, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ Nguyễn Đình Tính nói.

BÌNH MINH - NGUYỄN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỷ phú cá sạch đất Ngọc Kỳ