Ước hết tháng 4.2023, nguồn vốn này tại Hải Dương chỉ đạt gần 130 tỷ đồng, tăng hơn 1,7 tỷ đồng so với đầu năm.
Các địa phương cần tăng cường ủy thác nguồn vốn thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (ảnh minh họa)
Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính đến cuối tháng 4.2023, dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh ước hơn 4.121 tỷ đồng, tăng 0,46% so với đầu năm, hơn 81.700 khách hàng còn dư nợ. 99,8% tổng dư nợ được giải ngân thông qua 4 tổ chức chính trị-xã hội.
Trong 12 chương trình đang triển khai, dư nợ chính sách cho hộ mới thoát nghèo vay cao nhất với gần 1.916 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu vay vốn của 37.330 hộ. Xếp thứ hai là chương trình cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn với gần 969 tỷ đồng, đối với 50.674 hộ vay. Riêng 4 chương trình thực hiện Nghị quyết 11, hệ thống Ngân hàng Chính sách toàn tỉnh đã giải ngân hơn 246 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, tổng nguồn vốn chính sách toàn tỉnh ước hơn 4.214 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm 2023. Nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân hơn 712 tỷ đồng, tăng hơn 12 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương 48,7% kế hoạch tăng trưởng cả năm. Riêng nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương tương đối thấp, chỉ gần 130 tỷ đồng, tăng hơn 1,7 tỷ đồng so với đầu năm, bằng 6,7% kế hoạch tăng trưởng cả năm.
HÀ KIÊN