Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Hải Dương còn 1,34%.
Sáng 8/3, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, 2 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chủ trì phiên họp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân chủ trì tại điểm cầu Hải Dương. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Đến hết tháng 2/2024, Hải Dương có 178 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%; 64 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, đạt 36%; 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 5%. Tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Đến cuối năm 2023, tỉnh Hải Dương còn 8.695 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34%, 10.807 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,67%. 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các trường hợp khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn từ các chương trình ưu đãi. Tất cả các hộ nghèo, bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo được hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế…
Hiện nay, nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cần rất lớn trong khi ngân sách địa phương hạn chế, việc cân đối ngân sách, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở Hải Dương gặp khó khăn…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh từ năm 2024, việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đã có hành lang pháp lý đối với những vấn đề đặc thù. Đó là Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, các địa phương chủ động rà soát tất cả các văn bản liên quan, có những vấn đề vướng mắc, khó khăn thì tiếp tục kiến nghị để điều chỉnh cho phù hợp.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, phải triển khai các chương trình trên tinh thần quyết liệt, chủ động; lấy tính hiệu quả của các chương trình làm mục tiêu hàng đầu chứ không chỉ chú trọng vấn đề giải ngân các nguồn vốn…
UBND các tỉnh, thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định mới, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ...
PV