Tổng vốn đầu tư công giải ngân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến ngày 5.12.2022 là hơn 4.226 tỷ đồng, đạt 64,7% so với kế hoạch vốn thanh toán.
>>> [Tường thuật trực tuyến] Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII
>>> Dự báo chính xác tình hình, quyết định đúng đắn các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023
>>>Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh
>>>Thảo luận, quyết định các mục tiêu, giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Đồng chí Lê Hồng Diên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đọc báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 và dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2023. Ảnh: Thành Chung
Thông tin nêu trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 và dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2023 của UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 7-8.12.
Theo báo cáo, tổng vốn giải ngân năm 2022 ước đạt hơn 6.036 tỷ đồng, đạt 92,4% kế hoạch vốn thanh toán. Trong đó, vốn ngân sách địa phương đạt 91%, vốn ngân sách Trung ương nguồn trong nước đạt 98,7%, vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương đạt 72,1%.
Đến hết năm 2022, vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh và vốn ngân sách Trung ương đã bố trí đủ vốn thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án và không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo UBND tỉnh, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vướng mắc kéo dài là nguyên nhân khiến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, tác động của dịch Covid-19 khiến tiến độ đầu tư của phần lớn các dự án rất chậm và trực tiếp ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư. Một số chủ đầu tư trì trệ, chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công...
Về kế hoạch, định hướng đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh cho biết sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để phát huy hiệu quả đầu tư. Trong đó, việc xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm năm 2023 theo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn theo quy định, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, nhỏ lẻ. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, dự án thuộc các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án theo nhóm dự án (A, B, C) so với thời gian tối đa được phép, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư...
PV