Không mang hộ đồ giúp người khác
15 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, đặc biệt là bộ phận phục vụ mặt đất, chị Tiên nói "tuyệt đối không nhận cầm giúp đồ khi qua sân bay, dù thân". Theo chị Tiên, đây là chi tiết "không mới", nhưng nhiều người vẫn chủ quan nhận cầm giúp.
"Trên thế giới có nhiều trường hợp rủi ro, món đồ được nhờ xách giúp là chất cấm. Dù cầm hộ, bạn vẫn gặp rắc rối với pháp luật". Hiện có nhiều đơn vị nhận vận chuyển hàng đa quốc gia với giá rẻ và nhanh. Vì vậy, khi được nhờ cầm giúp đồ, hãy hướng dẫn họ gửi qua dịch vụ.
Một kỹ sư hàng không có thâm niên gần 20 năm tại Việt Nam cũng xác nhận điều này. Anh cho biết trong ngành hàng không luôn có một câu hỏi "kinh điển" tại khu vực ký gửi hành lý. "Vali này là của anh chị phải không/ Vali này có phải anh chị tự tay đóng gói?". Nếu bạn trả lời "đúng", bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với chiếc vali đó.
Trong trường hợp xách hộ, nhân viên hàng không sẽ khuyến cáo về những rủi ro có thể xảy ra. Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Không mang đồ nhạy cảm
Nên tra cứu trên các trang web, liên hệ hãng để biết chắc những thứ không thể mang theo. Nếu vẫn chưa có thông tin rõ ràng, không nên mang, đặc biệt là các món ăn. Nhiều quốc gia có hình phạt rất nghiêm khắc trong việc khách nhập cảnh mang theo đồ ăn. Ở Thái Lan, khách nhập cảnh cố tình mang theo trái cây, rau quả tươi mà không có giấy phép nhập khẩu, không khai báo có thể đối mặt án tù một năm. Cần đọc kỹ quy định của hải quan trước khi muốn mang ngoại tệ, đồ giá trị.
"Bạn phải nhớ, vì điều này mang lại an toàn cho bản thân. Tốt nhất đừng nên vi phạm. Lý do không biết không có tội khó được chấp nhận", Tiên nói.
Đọc kỹ các thông tin in trên vé
Ngoài đọc nội quy, hành khách cần biết loại vé mình sẽ bay và điều kiện in trên vé như nếu không bay nữa (do lỗi từ khách) có được hoàn tiền hay không.
Không nên mua vé từ các website, đại lý lạ. Khi có mã vé (nếu mua từ bên thứ ba), nên gọi điện kiểm tra lại với hãng trước khi bay. Nếu gặp lừa đảo, khách vẫn kịp có phương án dự phòng.
Chú ý thời gian để không bị trễ chuyến transit
Hành khách bay đường dài thường transit (nối chuyến). Khi chuyển tiếp đến các trạm lớn trên thế giới, nên tìm đến các cửa khởi hành trước. Xác định cổng lên máy bay ở đâu rồi mới đi tham quan hay mua sắm. Không nên la cà khi chưa biết cửa ra, dẫn đến trễ chuyến. Khi mua vé, cần chú ý thời gian chuyển tiếp tối thiểu 2-3 tiếng để không bị gấp.
Nên bảo quản hành lý trước khi bay
Đi đường dài nên quấn nilon tại sân bay, vừa bảo vệ vali, chống trộm, chống ướt (vali vải). Chụp lại hành lý trước khi cho vào băng chuyền, để miêu tả dễ hơn khi thất lạc. Cân hành lý vì một số sân bay kiểm tra hành lý kỹ, bạn có thể gặp phiền phức nếu quá cân (bỏ đồ lại hoặc đóng thêm tiền với chi phí cao).
Hành lý xách tay đặc biệt nên đúng quy định. Nếu đồ của bạn buộc phải gửi xuống hầm hàng tại cửa khởi hành hay ở máy bay (do có chứa các món không được phép cầm tay), hãng sẽ sử dụng một loại tag đặc biệt là "Tag miễn trừ trách nhiệm". Khi hành lý gặp sự cố, mất mát, đồ giá trị trong hành lý nhận được đền bù thấp.
Nên mua bảo hiểm du lịch
Bảo hiểm du lịch luôn bị bắt buộc mua khi đến châu Âu. Những nơi không bắt buộc vẫn nên mua. Tiên nói mọi người thường chỉ nghĩ bảo hiểm du lịch là đề phòng khi bị ốm đau, gặp tai nạn khi đi du lịch. Trên thực tế, bảo hiểm sẽ bảo vệ du khách trên diện rộng, không chỉ là ốm đau. Tùy từng loại bảo hiểm, khách có thể được chi trả nếu bị mất đồ, cướp giật khi đang đi du lịch.
"Chi phí y tế ở nhiều quốc gia trên thế giới đắt đỏ. Nếu có bảo hiểm, du khách sẽ yên tâm hơn", Tiên nói.
Theo VnExpress