Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay đổi chính sách cộng điểm ưu tiên; thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh hay theo ngành, thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển.
Tại Hội nghị tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 3-3 ở Hà Nội, Bộ GD-ĐT cho biết trong mùa tuyển sinh năm 2022, không có thí sinh nào nhập học bằng phương thức phỏng vấn.
Thay đổi chính sách ưu tiên
Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh cao đẳng, đại học (ĐH,CĐ) giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng số thí sinh nhập học năm 2022 là 521.263/625.096 chỉ tiêu, đạt 83,39%. Số thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ lệ cao nhất: 245.931 (chiếm 47,98% tổng số thí sinh nhập học).
Số thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng hình thức xét tuyển kết quả học tập THPT (học bạ) cũng đạt con số khá lớn: 193.805 (chiếm 37,18% tổng số thí sinh nhập học).
Trong khi đó, chỉ hơn 10.000 thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (chiếm khoảng 1,96% tổng số thí sinh nhập học).
Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, một số trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển, trong đó một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TẤN THẠNH
Năm qua, không có thí sinh nào nhập học bằng phương thức phỏng vấn, trong khi số thí sinh trúng tuyển và nhập học bằng phương thức xét kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn cũng chỉ chiếm 0,01% tổng số thí sinh nhập học.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho hay công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022, tuy nhiên để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh mà vẫn bảo đảm ưu tiên cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện điều chỉnh chính sách ưu tiên khu vực. Cụ thể, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75; khu vực 2 - nông thôn là 0,5; khu vực 2 là 0,25 điểm. Tuy nhiên, điểm ưu tiên sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm 3 môn ở mức khá giỏi tính từ mốc 22,5 điểm trở lên. Như vậy, với công thức trên, một học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 điểm trở xuống sẽ được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng vẫn thí sinh đó nếu đạt điểm thi 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và nếu điểm thi của thí sinh ở mức 29 điểm thì điểm ưu tiên sẽ chỉ còn 0,1 điểm.
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho hay năm 2023, khâu kỹ thuật trong xét tuyển sẽ được đơn giản hóa để thí sinh tránh tối đa việc nhầm lẫn giữa các phương thức xét tuyển. Các thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh hay theo ngành, thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển.
Không được yêu cầu thí sinh nhập học sớm
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Sơn yêu cầu các trường cần sớm hoàn thiện quy chế tuyển sinh. Với các trường tổ chức kỳ thi độc lập, thứ trưởng lưu ý việc hoàn thiện quy chế thi của mỗi trường. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tuyển sinh năm 2023 có điểm mới về mặt kỹ thuật, Cục Công nghệ Thông tin cần phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH hoàn thiện hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Sơn, tới nay Bộ GD-ĐT đã hoàn thành, nghiệm thu cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH và đã tập huấn cho các trường sử dụng. Ngay trong năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này.
Trong tháng 3 này, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết, thời hạn cụ thể để các cơ sở đào tạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới điều kiện bảo đảm chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình.
Đối với các sở GD-ĐT, thứ trưởng đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12, trong đó có hoàn thiện về mã định danh, căn cước. Các dữ liệu cần bảo đảm nhất quán, không có sai sót, vì cơ sở dữ liệu của ngành sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác như bảo hiểm, y tế... Điểm học bạ cũng cần cập nhật lên sớm và đầy đủ để các cơ sở đào tạo có cơ sở dữ liệu thực hiện xét tuyển.
Cũng theo thứ trưởng, các trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng hay tổ chức thi năng khiếu có thể làm việc với Bộ GD-ĐT để cập nhật dữ liệu này, nhất là với những trường tổ chức kỳ thi riêng được nhiều đơn vị sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi này, cũng như cho thí sinh. Khi đó, không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm, mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi khác; trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, kỳ thi tốt nghiệp THPT... để có thể tổ chức xét tuyển chung.
Riêng về xét tuyển sớm, thứ trưởng nhấn mạnh các trường không được công bố thí sinh hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định.
Xét tuyển sớm
Năm 2023, dự kiến lịch xét tuyển ĐH sớm hơn năm ngoái. Thí sinh nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14-8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17 giờ ngày 30-8. Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là 1 tháng. Lý giải về điều chỉnh thời gian xét tuyển ĐH, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lịch thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 7. Năm nay, khi cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường nên kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn. Theo đó, lịch tuyển sinh của các trường ĐH cũng được đẩy lên sớm hơn để ngay trong đầu tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.
Theo Người lao động