Tuyên ngôn độc lập năm 1945: Tầm cao tư tưởng và giá trị nhân văn

02/09/2017 07:03

Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại.



Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí  Minh đọc Tuyên ngôn độc lập,
 khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc


Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước đông đảo nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với những giá trị cốt lõi về quyền dân tộc và quyền con người, bản Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh cao cả những giá trị nhân văn của nhân loại. Vượt qua thời gian, văn kiện lịch sử này vẫn có sức sống mạnh mẽ, vẹn nguyên ý nghĩa trong thời đại ngày nay.

Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945, hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân hân hoan chờ đón thời khắc lịch sử của dân tộc.

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Giáo sư Nhật Bản Singo Sibata cho rằng: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền của dân tộc”. Quyền con người và quyền dân tộc không thể tách rời nhau. Quyền con người không phải là một giá trị ở ngoài mỗi đất nước, mỗi dân tộc, mà thực chất có độc lập dân tộc mới có quyền con người.

Nếu như bản tuyên ngôn của nước Pháp và nước Mỹ chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc. Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.

Bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định dân tộc Việt Nam đã trải qua những chặng đường gian lao, đầy máu và nước mắt; nhân dân Việt Nam đã chịu kiếp đọa đầy, áp bức dưới gông xiềng của chủ nghĩa thực dân ngót gần trăm năm; non sông Việt Nam đã bị chia cắt thành 3 kỳ bởi mưu đồ tàn độc triệt tiêu sức mạnh tiềm tàng của lòng yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân… Từ trong đêm dài nô lệ tăm tối, nhân dân Việt Nam đã vùng lên “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập…, đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Những tuyên bố đanh thép trong bản Tuyên ngôn độc lập về quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam đã đập tan những luận điệu xuyên tạc trong âm mưu tái thiết Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam. Mọi hành vi xâm phạm độc lập chủ quyền của Việt Nam đều vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của nhân loại tiến bộ.

Trong bản Tuyên ngôn lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

“Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

30 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam cùng toàn thể nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.

Tổ quốc được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2.9.1945 đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuyên ngôn độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản được đề cập trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (năm 1848). Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại. Bản Tuyên ngôn độc lập thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác- Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản Tuyên ngôn còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới.

Tuyên ngôn độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán, uyển chuyển, thuyết phục.

Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam, thế giới cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Người. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi.

PHƯƠNG THẢO

(0) Bình luận
Tuyên ngôn độc lập năm 1945: Tầm cao tư tưởng và giá trị nhân văn