Năm 2022, Hải Dương có nhu cầu tuyển dụng trên 1.700 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương có số thí sinh đăng ký tuyển dụng đều thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao. Bài viết lý giải nguyên nhân.
Ngoài đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên địa bàn, huyện Ninh Giang còn tăng cường tuyên truyền tới một số huyện lân cận để tuyển dụng giáo viên. Trong ảnh: Thầy Vũ Văn Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Thắng (Ninh Giang) thường xuyên phải dạy vượt giờ do thiếu giáo viên
Gần đây, năm nào Hải Dương cũng tổ chức tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương số thí sinh đăng ký tuyển dụng đều thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao.
Số đăng ký dự tuyển ít
Năm 2022, huyện Kim Thành thiếu 224 biên chế ngành giáo dục theo chỉ tiêu được giao. Để bảo đảm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, huyện đã đề nghị tuyển dụng 224 giáo viên, nhân viên. Đến ngày 12.9, công tác tuyển dụng giáo viên đã được địa phương triển khai theo đúng kế hoạch, ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương, nhà trường cũng đẩy mạnh thông tin trên website của đơn vị, mạng xã hội... Tuy nhiên, toàn huyện chỉ tiếp nhận được 94 phiếu đăng ký, chiếm khoảng 42% số chỉ tiêu cần tuyển dụng. Nhiều trường không nhận được phiếu đăng ký nào. Nguyên nhân chủ yếu do địa phương không có nguồn, một số sinh viên tốt nghiệp nhưng không về huyện công tác, một số người đủ điều kiện nhưng không đăng ký.
Là địa phương thiếu nhiều giáo viên, nhân viên ngành giáo dục nhất tỉnh, thị xã Kinh Môn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng. Ông Hà Đình Chiến, Trưởng Phòng Nội vụ thị xã Kinh Môn cho biết qua rà soát, năm 2022, thị xã còn thiếu 244 giáo viên, nhân viên. Biên chế đề nghị tuyển dụng là 243 người nhưng chỉ có 124 phiếu đăng ký tuyển dụng, chiếm 51% số chỉ tiêu cần tuyển. Theo ông Chiến, từ năm 2019 đến nay, Kinh Môn đã tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, song hiện vẫn rất thiếu. Nguyên nhân chính do không có nguồn để tuyển dụng, nhiều vị trí không có người dự tuyển. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên đang dạy hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện dự tuyển như bằng cấp, chứng chỉ chưa bảo đảm theo quy định... khiến cho công tác tuyển dụng của địa phương gặp nhiều khó khăn.
Qua tổng hợp tại các địa phương cho thấy, số thí sinh đăng ký tuyển dụng giáo viên, nhân viên tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng. Một số trường học có vị trí tuyển dụng nhưng không có người đăng ký dự tuyển.
Hầu hết giáo viên tại các trường của huyện Kim Thành đều phải dạy vượt tiết do thiếu giáo viên. Trong ảnh: Tiết tin học của cô và trò Trường THCS Tuấn Việt
Thu nhập thấp
Thực tế, thời gian qua không ít giáo viên bỏ nghề, chuyển sang làm các công việc khác bởi họ cho rằng mức thu nhập của giáo viên mới vào nghề còn rất thấp, không bảo đảm cuộc sống. Chị N.T.T.T. từng làm giáo viên hợp đồng tại một trường mầm non ở huyện Kim Thành cho biết sau 3 năm dạy hợp đồng chị đành phải bỏ nghề để đi làm công nhân với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/tháng mới có thể cùng chồng lo cho hai con ăn học. Theo chị T., những giáo viên mới vào nghề hưởng mức lương khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với đi làm công nhân mà nhất là giáo viên mầm non áp lực công việc rất lớn...
Theo một số cán bộ làm công tác tuyển dụng giáo viên cho biết hiện thu nhập của nghề giáo và nhân viên trường học vẫn chưa theo kịp nhiều ngành nghề khác, khiến ngày càng nhiều học sinh có học lực khá, giỏi nhưng không muốn thi vào trường sư phạm. Nguồn thiếu nhưng khi có nguồn, thậm chí tuyển dụng được nhưng bởi chế độ, chính sách còn bất cập nên có người trúng tuyển vẫn bỏ.
Để gỡ khó trong công tác tuyển dụng giáo viên, Trưởng Phòng Nội vụ thị xã Kinh Môn Hà Đình Chiến cho biết ngoài phối hợp với các địa phương thống kê rà soát số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển, thi tuyển vào ngành sư phạm hằng năm để nắm nguồn, Phòng Nội vụ thị xã cũng đang xem xét đề xuất UBND thị xã ký hợp đồng đào tạo giáo viên với một số trường sư phạm để tạo nguồn. Ông Chiến kiến nghị UBND tỉnh cần giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc tại các bậc học bảo đảm phù hợp với quy mô học sinh của từng địa phương. Việc giao biên chế ngành giáo dục không nên giao theo năm tài chính như hiện nay mà nên giao theo năm học, bởi nếu giao theo năm tài chính sẽ rất khó tính toán việc tăng học sinh, trường lớp, dẫn tới nhiều khó khăn về việc bố trí giáo viên. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế cần xem xét để phù hợp với đặc thù của ngành.
Năm nay, ngoài đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên địa bàn, huyện Ninh Giang cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới một số huyện lân cận, nhất là một số huyện của tỉnh Thái Bình giáp ranh. Kết quả, chỉ tiêu tuyển của huyện là 78 người, đã có 81 phiếu đăng ký. Ông Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Ninh Giang kiến nghị tỉnh cần có chính sách khuyến khích học sinh thi tuyển vào các trường sư phạm, có cơ chế đặc thù tuyển dụng những giáo viên có năng lực thực sự, yêu nghề...
Năm 2022, Hải Dương có nhu cầu tuyển dụng trên 1.700 giáo viên, nhân viên. Các thí sinh tham gia tuyển dụng sẽ trải qua 2 vòng thi. Vòng 1, kiểm tra phiếu đăng ký dự tuyển, thời gian xong trước ngày 15.9; vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, toàn tỉnh thống nhất khai mạc vào ngày 8.10. Thống kê sơ bộ ở các địa phương cho thấy số lượng phiếu đăng ký dự tuyển đều thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng.
Ngày 12.9, fanpage Báo Hải Dương (https://www.facebook.com/BaoHaiDuongFB) đăng dòng trạng thái "Số thí sinh đăng ký tuyển dụng giáo viên ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã của Hải Dương đều thấp hơn so với chỉ tiêu" kèm theo thông tin về công tác tuyển dụng thu hút nhiều bình luận của bạn đọc. Phần lớn bình luận phản ánh về thực trạng khó tuyển dụng giáo viên tại các địa phương, nêu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có nhiều người tốt nghiệp sư phạm nhưng chọn đi làm công nhân, không thi tuyển vào ngành giáo dục. Nhiều bạn đọc cho rằng việc tuyển dụng giáo viên hiện nay khó là bởi thu nhập không bảo đảm cuộc sống, trong khi áp lực nghề nghiệp lại rất lớn, nhất là đối với bậc học mầm non. Do khó khăn nhiều người làm nghề giáo đành phải chuyển sang nghề khác. Đặc biệt không ít bạn đọc cho rằng việc tuyển dụng giáo viên hiện nay còn tình trạng tiêu cực, tốn kém... |
HÀ VY