Trong số 251 người tham gia dự thi, có tới 49 người trường nghề trúng tuyển. Lý do bởi các tập đoàn này đòi hỏi rất cao về kỹ năng tay nghề chứ không yêu cầu cao về lý thuyết.
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp với các doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng 21.500 nhân lực tay nghề cao giai đoạn năm 2020 - 2025 diễn ra chiều 29.10.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ
“Doanh nghiệp đừng nghĩ Việt Nam còn dồi dào lao động”
Sự thiếu hụt lao động kỹ năng đang là một thách thức lớn đặt ra trên quy mô toàn cầu. Quan ngại về tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề cao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảnh báo nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn tưởng Việt Nam đang dư thừa lao động. Nhưng thực tế, lao động Việt Nam đang bắt đầu thiếu và gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tuyển dụng.
“Cách đây 7 năm, đầu vào của thanh niên lao động Việt Nam là 1,2 triệu, nhưng đến năm 2018, con số ấy chỉ còn 400.000. Với tốc độ già hóa của dân số Việt Nam, lực lượng lao động bắt đầu thiếu chứ không phải dồi dào nữa.
Ở nông thôn hiện nay có hai hiện tượng dễ nhận thấy là già hoá và phụ nữ hoá. Cũng may trong thời gian qua, các địa phương đã chủ động đào tạo nhiều ngành nghề, thu hút và “giữ chân” người lao động; nếu không xu hướng chuyển dịch lao động từ nông thôn vào thành thị hoặc đi xuất khẩu lao động nước ngoài sẽ còn nhiều hơn nữa”.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết bộ cũng đã nhận được rất nhiều đề xuất của doanh nghiệp khi làm Bộ luật Lao động trước tình trạng “kêu than” thiếu lao động kỹ năng.
“Do đó, doanh nghiệp phải nhận thấy rằng, việc hợp tác với nhà trường là một cơ hội. Lâu dài, người thụ hưởng thành quả cũng chính là doanh nghiệp”.
Về phía nhà trường, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc ký kết với doanh nghiệp đáp ứng đào tạo 21.500 người lao động trong 5 năm là một đơn hàng lớn. Tới đây, nhà trường cần đặc biệt chú trọng tuyên truyền, xây dựng phương án tuyển sinh theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.
Nhà trường cũng cần phối hợp ngay với từng doanh nghiệp để rà soát, chỉnh sửa lại các chương trình đào tạo phù hợp với loại hình doanh nghiệp, vừa đáp ứng chuẩn đầu ra, vừa cập nhật, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là những yêu cầu mới.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, quá trình đào tạo phải có sự tham gia giảng dạy của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp phải tham gia vào giảng dạy, tham gia vào việc xây dựng giáo trình và phải để sinh viên được đi thực tập trong doanh nghiệp chứ không phải chỉ thực tập trong nhà trường.
Đã đến lúc phải thực hiện song song 2 “nhà trường”
Bộ trường Đào Ngọc Dung cho rằng đây chính là kinh nghiệm trong đào tạo nghề tại Đức. “Học nghề khác với học hàn lâm. Học hàn lâm chủ yếu tiếp cận kiến thức trong nhà trường, trong khi học nghề phải tiếp cận kiến thức ở doanh nghiệp.
Tại Đức, trong 3 năm, việc học lý thuyết chỉ chiểm 30%, còn 70 % là đào tạo trong doanh nghiệp. Người học được thực hành, thực tập nhiều hơn ở doanh nghiệp để đến khi ra trường không còn bỡ ngỡ”.
Lấy dẫn chứng cụ thể về điều này, Bộ trưởng cho biết mới đây, Tập đoàn Toshiba đã đưa ra số lượng tuyển dụng là 50 sinh viên chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu ngành nghề tại Nhật Bản. Trong số 251 người tham gia dự thi, có tới 49 người trường nghề trúng tuyển. Lý do là bởi các tập đoàn này đòi hỏi rất cao về kỹ năng tay nghề chứ không yêu cầu quá cao về lý thuyết.
“Đây là vấn đề chúng ta phải thực sự chú trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tham quan Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp
Chia sẻ với các doanh nghiệp về kinh nghiệm giáo dục nghề nghiệp ở các quốc gia như Đức, Pháp, Australia, New Zealand hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin: “Tại đó, doanh nghiệp phải tự đứng ra đào tạo. Nhưng ở Việt Nam, Nhà nước lại đang đào tạo cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận một cách đầy đủ đây chính là cơ hội đối với mình và việc bỏ vốn ban đầu là để đầu tư cho lâu dài”.
Do vậy, các doanh nghiệp cần phải bắt tay phối hợp trực tiếp cùng nhà trường từ khâu thiết kế giáo trình, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đi thực tập và trả lương, đặt hàng đầu ra.
Nêu ra những kinh nghiệm của Đức trong việc giáo dục nghề nghiệp, theo đó, khi sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, năm thứ nhất sẽ được trả 840 euro, sang năm thứ hai tăng dần lên và đến năm thứ 3 sẽ trở thành công nhân chính thức của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng: “Đến lúc nào đó, Việt Nam cũng sẽ như thế”.
“Hiện nay, chủ trương của chúng ta cũng đang đi theo hướng đó. Đào tạo nghề sẽ chuyển hướng đào tạo 70 % là thực hành. Chúng ta lúc nào cũng phải tồn tại hai “nhà trường”. Một nhà trường gắn với giảng đường, nhưng một nhà trường thứ hai cũng quan trọng không kém, đó chính là doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải là một trường nghề.
Chỉ có khi đó, giáo dục nghề của Việt Nam mới trở thành đào tạo kép; kỹ năng của lao động Việt Nam sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực tốt”.
Theo Vietnamnet