Đã có nhiều ý kiến quan ngại tính “mờ ảo” của Tuyên bố chung Sentosa sau cuộc gặp của hai ông Trump và Kim Jong Un.
Người dân Triều Tiên xem báo chí trong nước đưa tin về thượng đỉnh Mỹ - Triều Ảnh: Reuters
Mọi thứ đều "đơn giản"
Tuyên bố chung Sentosa của hai ông Trump và Kim "đơn giản" nêu rằng "Triều Tiên cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Trong cuộc họp báo sau đó, ông Trump cũng "đơn giản" phát biểu đại ý "tin tưởng ông Kim sẽ làm", vì ông biết ông Kim "rất muốn làm".
Có lẽ, từ hơn 500 ngày nhậm chức qua, chưa bao giờ ông Trump lại được "tự do" như hôm 12.6 để thực thi những lời hứa tranh cử của ông, không rõ với các cử tri của ông và với ai khác.
Trong số các lời hứa đó có việc buộc các đồng minh cố hữu của đất nước ông tại khu vực này là Nhật và Hàn Quốc phải "tự lo thân", còn ông sẽ rút quân đội Mỹ về, do lẽ "diễn tập quân sự cũng rất hao tốn".
Điều này ông đã tỏ rõ trong họp báo chiều 12.6.
Nếu điều ông Trump tin tưởng là thật, tức ông Kim sẽ tự nguyện giải trừ hạt nhân trọn vẹn, đây sẽ là điều tích cực cho, trước hết và trên hết, nhân dân Triều Tiên!
Do lẽ muốn hay không muốn, với GDP/đầu người ở Triều Tiên năm 2016 không đầy 5% so với GDP/đầu người của những người anh em Hàn Quốc.
Sẽ là hạnh phúc cho hơn 25 triệu dân Triều Tiên nếu như tới đây bớt phải cống hiến cho chính sách "Songun"(quân đội trên hết) để, bằng mọi giá, làm chủ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Người Pháp có câu "Đêm sẽ đem lại lời khuyên", hi vọng rằng một thoáng tham quan Singapore tối 11.6 cũng đủ tạo ra một hiệu ứng "eureka" nơi người trẻ tuổi tài cao mà ông Trump ca ngợi là "Bất cứ ai phải gánh một tình hình như ông ấy ở tuổi 26 một cách trôi chảy như vậy... phải nói là ít có. Vạn người cũng chưa có đến một người".
Điều 1 của Tuyên bố chung nêu rõ: "Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập một mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước về một nền hòa bình và thịnh vượng".
Hi vọng rằng các ông ấy sẽ đi vào lịch sử bằng hòa bình và thịnh vượng, đầu tiên cho hơn 25 triệu người dân bắc vĩ tuyến 38!
Những lời "có cánh" của truyền thông Triều Tiên
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 13.6 phát đi những lời "có cánh", ngợi ca hết lời về thành công "vang dội" của hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều. KCNA cũng thông tin tới người dân trong nước về việc ông Trump đã công bố ý định dừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, cung cấp các biện pháp đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi mối quan hệ giữa hai bên cải thiện.
Hãng tin nhà nước Triều Tiên cũng nói hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ tới thăm nhau vào một thời điểm chưa nêu cụ thể, theo đó ông Kim đã mời ông Trump tới thăm Bình Nhưỡng vào "thời điểm thuận tiện" và tổng thống Mỹ cũng đã mời ông Kim Jong Un tới Washington. Hai nhà lãnh đạo đã "vui vẻ chấp nhận lời mời của nhau, cho rằng đó sẽ là một dịp quan trọng nữa để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước".
Kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, chưa có nhà lãnh đạo tại nhiệm nào của Mỹ và Triều Tiên tới thăm nhau. Theo Đài Aljazeera, trên chuyến bay trở về Mỹ, ông Trump đã gửi lời cảm ơn ông Kim vì "đã có bước đầu tiên chắc chắn trong việc hướng tới một tương lai tươi sáng cho người dân của ông", nói rằng cuộc hội đàm thượng đỉnh của họ "đã chứng minh một sự thay đổi thực sự có thể diễn ra".
KIM THOA
Bình luận của chuyên gia
Bà Andrea Berger (nhà nghiên cứu cấp cao kiêm quản lý dự án cấp cao tại Trung tâm James Martin chuyên nghiên cứu về không phổ biến vũ khí hạt nhân):
Tuyên bố chung nhẹ về chi tiết mà nặng về nội dung tái sử dụng. Cuộc hội đàm tại Singapore nhìn chung có thể tạo ra động lực cho những cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương tiếp theo mà cuối cùng sẽ đạt được kết quả.
Ông Anthony Ruggiero (nhà nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức bảo vệ dân chủ, trụ sở ở Washington D.C, Mỹ):
Tuyên bố chung tại hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tương tự như Tuyên bố chung 2005 của hai nước, trong đó Triều Tiên cũng cam kết giải trừ hạt nhân và phía Mỹ cũng khẳng định cung cấp các biện pháp bảo đảm an ninh. Giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán sẽ rất quan trọng vì Triều Tiên cần phải thực hiện bước đi chắc chắn, không thể đảo ngược với quá trình phi hạt nhân hóa.
Bà Hoo Chiew Ping (giảng viên cao cấp về nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia):
Tôi không nghĩ đây là một tuyên bố "toàn diện" hay "đáng kể". Ngoại trừ việc hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau, không có gì mới trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên ở đây... Về tổng thể, đây là một thỏa thuận rất mơ hồ với quá ít những điều cụ thể để đạt được những mục tiêu được nêu ra, không giống như Tuyên bố chung Hàn - Triều đã đề cập tới việc chấm dứt các hoạt động quân sự và thiết lập quan hệ kinh tế mới dọc theo khu phi quân sự.
ĐỖ DƯƠNG (tổng hợp)