Vì mâu thuẫn với chủ nợ, Nguyễn Nam Trượng (sinh năm 1972, trú tại xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, Hải Dương) đã ra tay sát hại 2 nạn nhân.
Bị cáo Nguyễn Nam Trượng tại phiên tòa xét xử
Nổ súng bắn người
Theo cáo trạng, cuối năm 2019, đầu năm 2020, Trượng vay của chị Lê Thị Ngọc L. (sinh năm 1984, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương) số tiền 1,1 tỷ đồng với lãi suất 2.000 đồng/triệu đồng/ngày. Trượng đã trả hết tiền gốc và một phần tiền lãi. Đến ngày 11.12.2020, Trượng viết giấy còn nợ lại chị L. số tiền 520 triệu đồng (đây là số tiền lãi, số tiền này sẽ không tính lãi).
Khoảng 21 giờ ngày 21.1.2023, anh Lê Ngọc Đức (sinh năm 1990, trú tại phường Quang Trung, TP Hải Dương, là chồng chị L.) và anh Phạm Thanh S. (sinh năm 1984, cùng trú tại phường Quang Trung) đến nhà Trượng ở thôn Cao Dương, xã Gia Khánh để đòi nợ. Anh Đức yêu cầu Trượng phải trả tiền ngay. Do không có tiền trả, Trượng xin được khất nợ nhưng anh Đức không đồng ý. Anh Đức gọi điện thoại, mở loa ngoài để chị L. nói chuyện với Trượng. Sau đó, Trượng dùng điện thoại của mình gọi cho chị L., nhưng chị L. không nghe máy. Lúc này, Trượng nghĩ chị L. sẽ đến cùng một số người khác và có thể mang theo hung khí để đánh mình nên y đi ra khu vực sau nhà thờ của gia đình lấy 1 con dao bầu đút vào trong áo khoác đang mặc, rồi đi lên tầng 2 nhà mình cất giấu dưới đầu giường.
Đến 23 giờ cùng ngày, chị L. cùng 2 người tên Linh và Tùng đến nhà Trượng. Chị L. yêu cầu Trượng phải trả nợ, nhưng Trượng nói không có tiền trả và xin được khất nợ để ra giêng sẽ trả. Chị L. vẫn không đồng ý mà yêu cầu Trượng phải trả tiền trước giao thừa. Trượng bảo chị L. muốn lấy đồ đạc gì trong nhà thì lấy, nhưng chị L. vẫn yêu cầu phải trả tiền.
Trượng đi lên tầng 2 lấy 1 khẩu súng, dao bầu rồi đi xuống cầu thang. Thấy Trượng cầm súng đi xuống thì chị L., anh Đức, anh S. đều đứng dậy. Khi Trượng đi xuống hết bậc cầu thang thì hướng nòng súng về phía chị L., Trượng bóp cò nổ súng, đạn đi trúng làm chị L. bị thương. Thấy chị L. bị bắn thì anh Đức, anh S. lao về phía Trượng nên Trượng vứt súng xuống nền nhà, tay phải cầm dao bầu đâm liên tiếp 2 nhát trúng vùng ngực anh S. Anh S. bỏ chạy ra ngoài sân rồi gục ngã, chết tại chỗ.
Sau đó xảy ra ra xô xát giữa anh Đức và Trượng. Trượng liền nhặt súng và lấy 1 viên đạn còn lại từ trong túi quần lắp vào súng, rồi đi gần đến vị trí đối diện chị L. bóp cò, đạn nổ trúng phần ngực và bụng của chị L. làm chị L. gục xuống. Chị L., anh Đức và Trượng được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu. Đến khoảng 0 giờ ngày 22.1.2023, chị L. bị chết do mất máu cấp. Anh Đức bị vết thương phần mềm tỷ lệ tổn thương cơ thể là 10%. Ngày 22.1.2023, Nguyễn Nam Trượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hải Dương) giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Bài học sâu sắc
Sáng 29.6, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Nam Trượng về tội giết người. Đây là vụ án được dư luận xã hội rất quan tâm.
Thẩm phán Bùi Đăng Huy, chủ tọa phiên tòa nhận định, hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ, hung hãn, xâm phạm đến tính mạng của nhiều người khác, gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho gia đình và người thân của bị hại, làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hội đồng xét xử thấy rằng cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội mới tương xứng với hành vi phạm tội và có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Nam Trượng tử hình về tội giết người theo điểm a, n khoản 1 điều 123 Bộ luật Hình sự, bồi thường cho các bị hại tổng số tiền hơn 239 triệu đồng.
Phiên tòa xét xử được tổ chức lưu động tại tại hội trường UBND xã Gia Khánh, ngay quê của bị cáo. Đã có rất đông người thân của bị hại, bị cáo và người dân đến theo dõi phiên tòa. Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng, tuyên án, Hội đồng xét xử đã tuyên truyền pháp luật đến những người dự tòa.
Vụ án giết người này cho thấy hậu quả phát sinh do mâu thuẫn trong quan hệ dân sự dẫn đến thiếu kiềm chế, hành xử kiểu côn đồ... để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đánh đổi bằng cả tính mạng con người. Kết cục, người chết, kẻ nhận án tử, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột với nhau, mỗi người cần bĩnh tĩnh giải quyết để không ai bị hậu quả nặng nề và trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình.
THÀNH ĐẠT