Tưởng niệm một liệt sĩ

11/09/2010 04:28

Cả bài thơ có 16 câu thì có tới sáu câu nói tới rượu... Tức là nói tới sự sum họp. Ở đây là mấy anh lính, "những người rừng đã về lại thành đô", nay gặp nhau bù khú trong một quán rượu đường Láng. Cứ tưởng như là vui lắm:
Nâng chén cùng nhau, đồng đội

Nhưng ngay sau đó, cả bọn sống trong một tâm trạng khác "Rưng rưng mắt", "run run tay đỡ"... Họ đỡ chén rượu, rồi tự dưng không cầm được nước mắt. Họ thổn thức như trẻ thơ, đến nỗi phải an ủi nhau cố ghìm nén xúc động, "con trai ai lại khóc bao giờ"...

Thì ra, mâm rượu còn thiếu một người. Một đồng đội, một bạn thân từng chung một chiến hào. Họ nghĩ đến "nó". Hai khổ thơ tiếp theo, từ gần đến xa, những người gặp nhau hôm nay khôn nguôi nhớ về "nó", bởi bữa nhậu này là phải có "nó", như lời nó ước hẹn:
Nó vẫn ước bao giờ về Hà Nội
Phải cùng ngồi một bữa tới kỳ say

"Nó" hết sức thân thiết với cả bọn, nên hai lần trong thơ nhắc đến mấy từ "mày" và "tao". "Nó đã hẹn với tao, nó đã hẹn với mày...". Và rõ ràng "Nó trẻ lắm, hơn tao, hơn mày nữa". Bởi vì:
Sống trên rừng, tính nó vẫn
                               học sinh


Cái nút của bài thơ được mở ra, nhẹ tênh, nhưng thật đau xót: "Nó" đã chết! Người chiến sĩ trẻ măng ấy đã hy sinh!
Nó chết đi chưa một mối tình

Những người bạn sống chết có nhau trong những năm đánh Mỹ, luôn luôn nghĩ đến bạn, sẵn sàng chia sẻ cho nhau, nhưng bây giờ thì không còn có thể nữa rồi:
Giá có thể đỡ đạn cho nhau được
Như uống giùm chút rượu
                                  cho nhau


Bữa gặp nhau đêm ấy, rượu với mọi người bỗng nhiên nhạt thếch. Trên trời lấp lánh các vì sao. Có ngôi sao nào là "nó"? Nếu là "nó", xin hãy rơi vào chén rượu này cho nguôi ngoai nỗi đau, "thấm vào lòng chắc đỡ khiến lòng đau".

Viết về sự hy sinh của đồng đội, đã có nhiều người tìm các mô-típ diễn đạt khác nhau. Nhà thơ Lê Văn Ngăn thì dùng cách nói đại ngôn:
Tôi còn một thế giới sáu tỷ người
                             bày ra trước mắt

Nhưng tôi không còn anh!
(Một con người vừa qua đời)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì trách con chim khách đã làm anh mừng hụt tưởng bạn trở về, và trách cả cây cau trong vườn cứ "vô ý" trổ buồng để mà lỡ hẹn với nhà gái:
Chim khách góc vườn
           mười mấy năm nói dối
Cau mười mấy năm trời vô ý
                          trổ buồng đôi.


Nhà thơ Hồng Thanh Quang khắc họa hình ảnh mấy anh lính quây quần bên bàn rượu nhớ bạn hy sinh đến rơi nước mắt. Những suy nghĩ về người vắng mặt là một sự tưởng niệm thật đắng đót, xót xa làm cho bài thơ cứ neo mãi lòng người đọc.

VƯƠNG BẠCH

HỒNG THANH QUANG

Tưởng niệm

Nâng chén cùng nhau, đồng đội

Những người rừng đã về lại

thành đô

Rưng rưng mắt, run run tay đỡ

Con trai ai lại khóc bao giờ

 Nhưng nhớ quá, nhớ quá

thằng bạn ấy

Nó đã hẹn với tao, nó đã hẹn

với mày

Nó vẫn ước bao giờ về Hà Nội

Phải cùng ngồi một bữa tới kỳ say

Mà nó có mấy khi uống rượu

Sống trên rừng, tính nó vẫn

học sinh

Nó trẻ lắm, hơn tao, hơn mày nữa

Chết đi chưa có một mối tình


Giá có thể đỡ đạn cho nhau được

Như uống giùm chút rượu

cho nhau

Những vì sao đường Láng

rơi đầy chén

Thấm vào lòng chắc đỡ khiến

lòng đau...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tưởng niệm một liệt sĩ