Đã có sự bất đồng trong quan điểm về tuyên bố chung đạt được tại Singapore là nhận định của giới chuyên gia khi quan sát về mối quan hệ Mỹ-Triều từ sau sự kiện Sentosa.
Thể hiện trước sự nhượng bộ chân thành sẽ nhận được những động thái cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa từ Bình Nhưỡng. Đây là thông điệp mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra và Nhà Trắng không nên bỏ qua điều này.
Đã có sự bất đồng trong quan điểm về tuyên bố chung đạt được tại Singapore là nhận định của giới chuyên gia khi quan sát về mối quan hệ Mỹ-Triều kể từ sau sự kiện Sentosa. Chính quyền Donald Trump yêu cầu Bình Nhưỡng cam kết về một quá trình phi hạt nhân hóa theo đúng CVID (giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược). Trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định rằng trước tiên là Nhà Trắng cần có biện pháp cụ thể nhằm xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Cục diện Mỹ-Triều đầy phức tạp sau sự kiện Sentosa. Ảnh: CNN
Toan tính gây sức ép từ Kim Jong-un
Bối cảnh hiện tại làm dấy lên câu hỏi rằng đâu là điều Triều Tiên đang thực sự nhắm đến. Một số chuyên gia cho rằng điều Bình Nhưỡng đang theo đuổilà hiệp ước hòa bình chấm dứt Chiến tranh bán đảo Triều Tiên, sự bảo đảm cho chính quyền dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Điều này có nghĩa là chính quyền Kim Jong-un mong muốn nhận được sự nhượng bộ trước khi tiến hành phi hạt nhân hóa, thực hiện theo các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế.
Dường như Bình Nhưỡng sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được những mục tiêu này. Thực tế, đến thời điểm hiện tại Triều Tiên vẫn chưa đưa ra bất kỳ lộ trình cụ thể nào về tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Đối với Donald Trump, Triều Tiên đang sử dụng nhiều chiêu bài nhằm tìm cách “tách” Tổng thống Mỹ khỏi phần còn lại của Nhà Trắng. Bằng việc cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton “chống lại” ý định tăng cường mối quan hệ Mỹ-Triều mà Donald Trump đang thực hiện, Bình Nhưỡng dường như muốn tách người đứng đầu Nhà Trắng khỏi những nhân vật có đường lối cứng rắn với Triều Tiên. Thậm chí, hồi tháng 7 vừa qua, Bình Nhưỡng đã chỉ trích hành động của Mike Pompeo khi cho rằng những yêu cầu về CVID mà vị Ngoại trưởng này đưa ra đi ngược lại tinh thần tuyên bố chung Sentosa. Điều Triều Tiên nhận thấy đó là Donald Trump “đầy nhiệt huyết” so với quan chức cấp dưới trong việc đạt được một thỏa thuận toàn diện với Bình Nhưỡng không đi kèm quá nhiều điều kiện bất lợi.
Bình Nhưỡng yêu cầu Washington cần quyết định dứt khoát về vấn đề đưa ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tôn trọng nguyên tắc của Bình Nhưỡng trong việc cùng phối hợp các hành động theo từng bước và tiến hành đồng thời, thay vì các hành động đơn phương. Cho đến nay, chính quyền Kim Jong-un đã phớt lờ lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế về phi hạt nhân hóa, bởi Bình Nhưỡng cho rằng đó là điều không công bằng và đơn phương. Tự coi như một quốc gia hạt nhân, Triều Tiên sẽ chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân khi các cường quốc hạt nhân khác thực hiện điều tương tự.
Trước những động thái “tương đối cứng rắn” từ Bình Nhưỡng, nội bộ giới chức Mỹ dường như có sự thay đổi quan điểm. Nhà Trắng đã từ bỏ mục tiêu về một quá trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng, từ bỏ chiến dịch tối đa hóa sức ép và thậm chí từ bỏ ngay cả khái niệm CVID.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh tại Singapore diễn ra, theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, mục tiêu của chính quyền Mỹ là một quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân nhanh chóng, không trì hoãn. Sau đó, cũng chính Mike Pompeo cho rằng cần một khoảng thời gian để Mỹ-Triều đạt được những gì cả hai bên mong muốn, và đó cũng chính là quan điểm mà người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra. Bình Nhưỡng mới chính là bên kiểm soát tốt “cục diện thế cờ” khi từng bước buộc Washington phải đi theo lộ trình giải trừ hạt nhân.
Donald Trump và chiến lược “bền bỉ”
Câu hỏi đặt ra là liệu Washington có thực sự từ bỏ khái niệm CVID đã đưa ra trước đây hay không. Đây cũng là khái niệm được nhắc đến trong nhiều nghị quyết của LHQ. Theo giới quan sát, đã có sự khác biệt trong việc sử dụng từ ngữ của khái niệm này từ Washington. Nếu trước đây, CVID được hiểu là quá trình giải trừ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, thì nay được đổi thành giải trừ thường xuyên, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Thuật ngữ mới này đã làm dấy lên làn sóng lo ngại trong nội bộ chính giới Mỹ, rằng Washington đang “yếu thế” trước Bình Nhưỡng. Thay đổi từ một yêu cầu cao sang một yêu cầu thấp hơn phản ánh sự suy yếu cũng như lúng túng nhất định trong chính sách Triều Tiên mà Nhà Trắng đang triển khai.
Washington tuy công khai chiến lược tối đa hóa sức ép lên Bình Nhưỡng, song dường như chính Donald Trump lại “chưa làm đến nơi đến chốn” chiến lược này. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, trong cuộc đối thoại với Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời là cố vấn thân cận của lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-chol, Tổng thống Mỹ cho biết hàng trăm lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên đã được hoãn lại. Đó là bởi Mỹ-Triều đang trong giai đoạn đối thoại khả quan.
Ngoài ra, Donald Trump tiết lộ rằng Nhà Trắng sẽ không áp lệnh trừng phạt lên 300 thực thể Triều Tiên. Con số tương đương với tổng lượng thực thể bị xử phạt trong chín năm rưỡi của cả chính quyền Obama và Trump.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã trì hoãn thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm vào khoảng trên 30 thực thể Nga và Trung Quốc khi cố tình hỗ trợ Triều Tiên. Washington cũng không thực hiện bất kỳ động thái nào chống lại hơn 10 ngân hàng Trung Quốc mà Quốc hội Mỹ đề xuất xử phạt do phát sinh các giao dịch với Triều Tiên.
Bằng việc từ bỏ các mốc thời gian, giảm quy mô về các vấn đề vi phạm nhân quyền Triều Tiên, kìm hãm sức ép từ các biện pháp trừng phạt, Donald Trump dường như đang thực hiện chính sách “kiên nhẫn chiến lược” mà người tiền nhiệm Obama từng triển khai. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pomepeo đã mô tả chính sách Nhà Trắng đang áp dụng với Triều Tiên là “chiến lược ngoại giao bền bỉ”.
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ sắp có chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ tư, Đài truyền hình và phát thanh Hàn Quốc (KBS) cho biết một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tới thăm Triều Tiên gần đây đã đề xuất với Bình Nhưỡng phương án chuyển 50% đầu đạn hạt nhân tới Anh. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong đàm phán Mỹ-Triều liên quan đến chuyển đầu đạn hạt nhân tới Anh là liệu Bình Nhưỡng có nộp danh sách vũ khí hạt nhân hay không. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới theo lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, để tham dự các buổi lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên.
Bình Nhưỡng thời điểm hiện tại đã khéo léo vận dụng chiến thuật ngoại giao qua nhiều thập kỷ nhằm kéo dài tình trạng đối thoại Mỹ-Triều, đồng thời tìm cách đạt được nhiều nhất những lợi ích mà quốc gia này cho là cần thiết. Tập trung vào những “đổi chác” với những vấn đề thứ yếu và cố gắng né tránh vấn đề chính: phi hạt nhân hóa. Với việc đóng cửa các bãi thử hạt nhân không quá nhạy cảm, dường như Bình Nhưỡng đang tìm cách đánh lạc hướng Washington.
Về phần mình, Nhà Trắng có thể sẽ phải tìm cách nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng cần đưa ra một lộ trình cụ thể hướng tới việc phi hạt nhân hóa, trước khi có thể nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào. Đồng thời, chính quyền Donald Trump có thể sẽ từ chối yêu cầu từ Bình Nhưỡng về những động thái gây quan ngại đến vấn đề an ninh của Triều Tiên. Và với chiến lược ngoại giao mới từ Nhà Trắng, cục diện phức tạp trong quan hệ Mỹ-Triều cũng như tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ là câu hỏi chưa có lời đáp.
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)