Tương lai nào cho lứa Văn Khang, Quốc Việt?

10/03/2023 15:31

Một số gương mặt như Văn Khang, Quốc Việt, Văn Trường được đánh giá có thể lên đội tuyển Việt Nam. Nhưng lộ trình nào sẽ biến họ từ triển vọng thành quan trọng cho chiến dịch World Cup 2026?


Điều còn thiếu so với lứa Quang Hải, Tiến Linh

Đối chiếu hai lứa cầu thủ 1997 - 1999 của những Quang Hải, Tiến Linh, Văn Hậu và 2003 - 2005 với các gương mặt trẻ như Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt…, xuất phát điểm của hai thế hệ này có những nét tương đồng nhau. Điều đó khiến người hâm mộ khấp khởi về việc một dàn cầu thủ giỏi sẽ giúp bóng đá Việt Nam tiếp tục tạo nên tiếng vang, giống như cách mà Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh… đã chinh phục ngôi vô địch AFF Cup, huy chương vàng SEA Games cho đến những chiến tích mang tầm châu Á, với nổi bật là thành tích lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup lần đầu tiên trong lịch sử. 

Bản thân HLV Philippe Troussier cũng đánh giá cao tiềm năng của nhiều cầu thủ trẻ trong đội hình U20 Việt Nam. Khi còn tại vị tại đội U18 Việt Nam, vị chiến lược gia người Pháp đã trao cơ hội phát triển cho một số cầu thủ lứa 2003 - 2005, trong đó nổi bật có Văn Khang, Văn Trường.

Tuy nhiên, có một điều mà những Văn Khang, Văn Trường hay kể cả Quốc Việt còn thiếu sót khi đối chiếu với lứa đàn anh. Đó là kinh nghiệm chinh chiến tại mặt trận chuyên nghiệp cấp câu lạc bộ. Thống kê chỉ ra rằng, tính từ đầu năm 2022 cho đến nay, tổng số trận đấu của 3 cầu thủ này gộp lại ở V.League cho Hà Nội FC, HAGL và Viettel chỉ là 4. Con số này chưa bằng số dư trận đấu của Quang Hải ở độ tuổi 19, khi anh thi đấu tới 25 trận cho Hà Nội FC tại V.League đầu tiên của sự nghiệp. 

Quốc Việt (trái) ăn mừng bàn thắng cùng Văn Trường -Ảnh: Phan Hồng

Quốc Việt (trái) ăn mừng bàn thắng cùng Văn Trường - Ảnh: Phan Hồng

Tìm kiếm cơ hội ở giải chuyên nghiệp 

Đồng ý rằng Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt vẫn là “kép chính” tại cấp độ U19, U21 tại các giải trẻ quốc gia tương ứng. Ngoài ra, so với lứa Quang Hải, bộ ba cầu thủ chủ lực của U20 Việt Nam này còn sớm được trao cơ hội tại U23 và phần nào đó là đội tuyển Việt Nam. Đơn cử như trong năm 2022,  Văn Khang thi đấu 15 trận tại giải trẻ và 16 trận cho cấp độ đội tuyển quốc gia. Văn Trường có 18 trận ở 2 giải trẻ U19, U21 cùng đội trẻ Hà Nội và 13 trận cho các đội tuyển quốc gia. Quốc Việt cũng có 14 lần được ra sân ở U19/U20 từ giải khu vực đến châu lục. Bên cạnh đó, anh cũng trải qua xấp xỉ 10 trận ở giải trẻ cho Nutifood. 

Xét về mặt số lượng, nhóm cầu thủ này thi đấu từ 22 - 34 trận. Con số này không phải là ít đối với một cầu thủ trẻ tại Việt Nam, dù chưa thể đạt đến mức độ chỉ tiêu lý tưởng là 40 trận/năm mà HLV Philippe Troussier từng đưa ra khi so sánh với cầu thủ trẻ nước ngoài. Tuy nhiên cần phải nói thêm rằng, mật độ thi đấu của các cầu thủ trẻ Việt Nam nói chung và những gương mặt triển vọng đã liệt kê nói riêng chưa được phân bổ đều trong một năm. Đơn cử như U19 Quốc gia tổ chức từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm. U21 Quốc gia bao gồm cả vòng loại lẫn vòng chung kết kéo dài từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12 thường niên. Hạng Nhì quốc gia diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6.2023 hay hạng Ba Quốc gia được tổ chức trong tháng 10. Đồng nghĩa, nếu như không được thi đấu ở giải chuyên nghiệp (hạng Nhất, V.League) trong năm, các cầu thủ trẻ đa phần duy trì thể lực, thi đấu giao hữu một vài trận trong khoảng 4-5 tháng. 

Trong bối cảnh hiện tại, VFF đã nỗ lực tăng số lượng trận đấu ở các giải trẻ quốc gia, nhằm mở thêm sân chơi cho các cầu thủ trẻ. Dẫu vậy, các câu lạc bộ cũng cần tạo thêm điều kiện cho những gương mặt 19, 20 được ra sân thường xuyên hơn tại V.League và hạng Nhất, qua đó rèn giũa thêm kinh nghiệm thực chiến đỉnh cao. 

Theo Bongdaplus

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tương lai nào cho lứa Văn Khang, Quốc Việt?