Suốt chặng đường hơn 70 năm hoạt động cách mạng cũng như khi trở về đời thường, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn nặng lòng với quê hương, nguồn cội.
Thẳm sâu trong tâm khảm của một người con xa quê, ông luôn đau đáu, dành trọn tình yêu, niềm thương nỗi nhớ về quê mẹ thiêng liêng, tuy nghèo khó nhưng đầy ắp nghĩa tình.
“Tuổi thơ tôi lớn cùng sông Gianh”
Trong Hồi ký “Với cả cuộc đời” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2007), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tâm sự: “Quê hương và tuổi thơ tôi có nhiều điều gợi thương, gợi nhớ, nhưng sâu đậm nhất vẫn là sông Gianh. Tuổi thơ tôi lớn cùng sông Gianh - dòng sông đã đi vào lịch sử dân tộc bao đời và chứa đựng trong mình biết bao sự tích, huyền thoại”.
Quê hương xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) bên dòng sông Gianh hiền hòa và kiêu hãnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có bao kỷ niệm khó phai mờ của tuổi ấu thơ. Một phần ký ức đẹp với con sông tuổi thơ trong ông là những ngày hè oi ả, nắng rát bỏng da, được mẹ cho ra sông tắm mát, cùng chúng bạn đùa nghịch trên bãi sông, mải chơi quên giờ về nhà. Với ông, sông rất đỗi hiền hòa, trong mát và thơ mộng; sông như một phần của quê hương, một phần máu thịt gắn bó trung trinh.
Tuổi thơ trong ông còn là ký ức về cảnh huyên náo, nhộn nhịp của ngày phiên chợ Sải. Chợ Sải cứ mười ngày họp hai phiên, là nơi giao thương, buôn bán vật phẩm của cả vùng quê ông. Có những phiên chợ đang diễn ra bình thường, bất ngờ bị lũ tay sai bán nước, bọn thực dân, phong kiến lao vào bắt bớ, đánh đập, đàn áp người dân vô tội. Chứng kiến cảnh người dân bị kẻ thù áp bức, giày xéo, Đồng Sỹ Nguyên không khỏi thương xót những phận người thấp bé. Căm phẫn tội ác của quân thù, ông hăng hái tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn nhỏ và gắn trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Những thứ thân thương nơi quê nhà từng gắn với tuổi thơ, chắc hẳn khiến ai đi xa cũng thấy nhớ và khi gặp lại càng bịn rịn khôn nguôi. Với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng vậy. Suốt hơn 70 năm hoạt động cách mạng và khi nghỉ hưu, ông vẫn dành những “khoảng lặng” riêng để ấp ôm, nhắc nhớ về con sông quê hương và những phận người lam lũ, mộc mạc nơi quê nhà.
Ông Võ Xuân Khước (75 tuổi), thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) - cháu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho hay: “Mỗi lần về thăm quê hương, cậu tôi lại ra đứng bên bờ sông Gianh, đưa mắt ngắm nhìn cảnh vật, sông nước rồi hít hà gió mát sông quê. Ông cũng dành thời gian để thăm hỏi sức khỏe và đời sống của bà con chòm xóm, thăm hỏi chợ Sải. Ông quan tâm hỏi han tình hình lao động sản xuất, phát triển kinh tế của bà con nhân dân, việc học hành của con em địa phương. Mỗi lần nghe tin vui từ quê nhà báo ra hay chứng kiến quê hương ngày một khởi sắc, phát triển, cậu Nguyên vui và phấn chấn lắm!”.
"Tình cảm máu mủ thật đỗi thiêng liêng”
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh trưởng trong một gia đình nông dân bậc trung ở xã. Thân phụ ông mất sớm khi ông mới lên 10 tuổi, gánh nặng cuộc đời từ đó đè nặng đôi vai gầy của người mẹ. Thương con, bà sớm hôm tần tảo, chịu thương chịu khó nuôi dạy 7 anh em ông khôn lớn, trưởng thành.
Thương mẹ sớm hôm vất vả, hằng ngày, Đồng Sỹ Nguyên một buổi đến lớp, một buổi cùng anh, chị lo việc đồng áng, hái dâu, chăn tằm, đặng mong đỡ một phần gánh nặng cơm áo đang oằn vai của mẹ. Vì nhà nghèo, các anh chị em của ông đành bỏ dở việc học, riêng ông học sáng dạ lại chăm chỉ đèn sách, tính tình hòa nhã, kính trên nhường dưới, lễ phép mọi người nên được thầy yêu, bạn bè và dân làng quý mến. Cả nhà quyết tâm dồn sức cho cậu bé Vũ (Đồng Sỹ Nguyên) theo học để bằng vai bằng lứa cùng người.
Hồi ức về người mẹ đáng kính, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có những dòng tầm tư đầy xúc cảm: “Trong suy nghĩ, tâm tưởng, tình cảm máu mủ thật đỗi thiêng liêng, tôi luôn thấy ở người mẹ kính yêu của mình kết tinh gần như hết thảy những đức tính, phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam: Đoan trang, hồn hậu, tinh tế, thánh thiện... Mẹ luôn là niềm tin, là điểm tựa như bàn thạch của mỗi chúng tôi..., là nguồn sức mạnh lớn lao giúp tôi vượt qua bao khó khăn thử thách, cam go suốt cuộc đời hoạt động cách mạng” (Trích Hồi ký “Với cả cuộc đời”).
Ông không quên tình thương yêu, chăm sóc và những thiệt thòi, hy sinh của hai người chị gái là Nguyễn Thị Hoằng, Nguyễn Thị Huyền sớm hôm cùng phụ mẹ nuôi nấng các em trưởng thành. Nhắc nhớ hai người chị của mình, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dành những tình cảm trân trọng, đầy yêu thương: “Suốt cuộc đời mình, tôi không bao giờ quên tình thương yêu và sự hy sinh hết thảy của hai chị gái - tất cả vì các em. Những lời dặn dò, dạy dỗ, bảo ban của cha mẹ, anh chị, người thân luôn văng vẳng bên tai” (Trích Hồi ký “Với cả cuộc đời”).
Người cháu Võ Xuân Khước là con trai bà Nguyễn Thị Hoằng - chị gái của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Trò chuyện với chúng tôi, ông Khước kể lại: Khi còn sống, mẹ tôi thỉnh thoảng kể về những ngày khốn khó, lam lũ cùng bà ngoại nuôi các cậu ăn học và hoạt động cách mạng. Dù nhà nghèo nhưng bà ngoại vẫn cố gắng cho cậu Nguyên học lên trung học ở trên tỉnh. Mỗi lần biết tin cậu về thăm nhà, dù có thiếu ăn, mẹ tôi vẫn nhường hết phần khoai, củ sắn của mình cho em. Cảnh nhà túng quẫn, sợ cậu Nguyên bỏ học, mẹ tôi và dì Huyền thường khuyên nhủ, động viên cậu cố gắng học hành cho nên người, việc nhà, việc đồng áng đã có mẹ tôi và các cậu, dì lo...
Ông Khước kể: “Cậu Nguyên là người coi trọng sự học nên cậu thường căn dặn con cháu không ai được bỏ học, cố gắng trau dồi kiến thức để không bị tụt hậu. Phải chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng cách làm, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả; phải đoàn kết và yêu thương, giúp đỡ nhau, cùng góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Noi gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, các con cháu trong gia đình đều học hành thành đạt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và quê hương; quan tâm nuôi dạy con cháu; sống trọn nghĩa vẹn tình với quê hương, xóm làng.
Hướng về quê hương với cả tấm lòng
Dù bộn bề với bao công việc của Đảng, Nhà nước, song Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn nặng lòng với quê hương xã Quảng Trung (Quảng Bình). Nhớ lại những năm tháng sống dưới ách áp bức bộc lột, đàn áp của bọn thực dân, phong kiến, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sớm có chí căm thù giặc sâu sắc. Ông đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, đi đầu trong các hoạt động như: vận động bầu dân biểu, quyên góp ủng hộ Trung Hoa kháng Nhật, hô hào học sinh ủng hộ đám tang nhà yêu nước; tích cực tham gia phong trào đòi dân sinh, dân chủ, xóa bỏ sưu cao thuế nặng...
Năm 1945, từ Thái Lan, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng các đồng chí của mình trở về nước sau thời gian xa xứ. Khi vừa đặt chân lên đất mẹ Quảng Bình thân yêu, thấy đồng bào đang quằn quại trong đói rét lầm than bởi sự giày xéo của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, ông liên lạc ngay với các đồng chí, đồng đội của mình mở rộng cơ sở cách mạng, đợi thời cơ phát động nhân dân vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Với tâm nguyện sớm đưa người dân thoát khỏi cảnh đô hộ, áp bức, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nguyện gắn bó đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Cho đến hôm nay, người ta không thể quên những làng kháng chiến Cảnh Dương, Cự Nẫm thuộc tỉnh Quảng Bình do ông sáng lập từng làm cho bọn xâm lược Pháp xiêu hồn bạt vía; những “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” với những chiến dịch vận tải tổng hợp các binh chủng hiệp đồng tác chiến quy mô từng đánh bại đế quốc Mỹ trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn huyền thoại...
Theo lời kể của người dân xã Quảng Trung, khi còn khỏe, năm nào, tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng về thăm quê. Nghe tin ông về, bà con nhân dân ai cũng hồ hởi mong gặp ông để được nhìn ông gần hơn, được nghe ông hỏi han, chuyện trò, chia sẻ; được ông chỉ bảo và để “khoe” với Trung tướng những bước tiến và đổi thay của làng quê thân yêu. Lần nào về, ông cũng ân cần thăm hỏi, nhắc nhở con cháu, bà con nhân dân ở làng phải luôn chấp hành tốt các chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Cố gắng lao động sản xuất, học tập để xứng đáng với truyền thống yêu nước của dòng họ, quê hương.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình Phạm Văn Tố cho biết: Dù bận rộn việc nước nhưng lần nào về quê, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng dành thời gian lên trụ sở xã, nói chuyện, tâm tình với cán bộ, chính quyền địa phương. Ông dặn dò Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Trung phải đoàn kết, hợp sức vượt qua mọi khó khăn thách thức.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động để nhân dân tin tưởng và noi theo. Trong từng giai đoạn, thời kỳ phát triển của đất nước, người con đất Quảng đưa ra những góp ý rất sáng suốt, chân tình và phù hợp với thực tiễn địa phương. Từ những lời chỉ bảo ấy, chính quyền địa phương coi đó là kim chỉ nam để đề ra kế hoạch, chương trình hành động nhằm xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
Không những dặn dò, chỉ bảo cặn kẽ, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn cụ thể hóa lời nói của mình bằng những hành động hết sức ý nghĩa, thiết thực. Theo lời kể của Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trung, năm 2012, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng trích một phần lương của mình để giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình chính sách, người già, neo đơn của xã. Không ít lần, ông đã kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của con cháu, người thân xa xứ cùng hướng về nguồn cội, xây dựng quê hương Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình đàng hoàng, to đẹp hơn.
“Trong giai đoạn quê hương còn nhiều khó khăn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gần gũi, chân tình, động viên anh em cán bộ địa phương cố gắng kiến tạo quê hương; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, điện - đường - trường - trạm - cầu phà...; không được xem nhẹ công tác khuyến học, khuyến tài, y tế, văn hóa. Nghiên cứu, tìm tòi cây, con giống có chất lượng, năng suất cao rồi hướng dẫn bà con phương thức canh tác, sản xuất hiệu quả nhằm đẩy lùi nghèo đói. Khi cả nước đẩy mạnh phong trào xây dựng Nông thôn mới, ông tâm tư và kỳ vọng Quảng Trung sẽ sớm là xã Nông thôn mới của thị xã Ba Đồn”, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Tố nhớ lại.
Khắc sâu lời dạy và tâm nguyện của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, những năm qua, xã Quảng Trung (thị xã Ba Đồn) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, xã đã hoàn thành về đích Nông thôn mới chỉ sau một năm đăng ký thực hiện. Toàn xã hiện có trên 1.600 hộ với trên 6.600 nhân khẩu, trong đó người dân theo đạo là hơn 26%. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm bình quân 3,37%; hộ khá, giàu chiếm gần 60%; năng suất lúa bình quân đạt gần 60 tạ/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, quy mô giáo dục của địa phương có bước phát triển mới, chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao; có trên 80% gia đình đạt danh hiêu gia đình văn hóa. Công tác phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân thường xuyên được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững... Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm và triển khai thực hiện tốt. Hiện Đảng ủy xã Quảng Trung có 330 đảng viên, 15 chi bộ và Đảng bộ bộ phận; nhận thức của từng cán bộ đảng viên có những bước chuyển biến tích cực...
Với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, gia đình và quê hương nguồn cội là niềm tự hào và những gì yêu thương da diết nhất đã tiếp sức mạnh giúp ông vượt qua bao khó khăn thử thách trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Quê hương xã Quảng Trung nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung ngày càng thay da đổi thịt với những gam màu tươi sáng, giàu đẹp hơn, đúng như tâm nguyện của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Trong tâm khảm của mình, người dân quê nơi đây luôn tự hào và khắc ghi công lao to lớn, những cống hiến xuất sắc của vị tướng tài Đồng Sỹ Nguyên cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Tấm gương sáng về nhân cách và tài năng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng những tình cảm thiêng liêng mà Trung tướng dành cho quê hương mãi hiện hữu trong mỗi người con đất Việt và trường tồn với thời gian.
Theo TTXVN