Tuổi trẻ và tình yêu qua một áng thơ học trò

29/05/2022 14:04

Có một người lặng lẽ theo sau của Nguyễn Thái Dương là nỗi niềm của cậu học trò lẽo đẽo theo sau người con gái mỗi buổi tan trường.


Có một người lặng lẽ theo sau

Có một người lặng lẽ theo sau
Đếm từng bước một người đi trước
Con đường chảy những dòng người xuôi ngược
Vô tư nhìn hai người chẳng sóng đôi

Không còn ai khác được ngoài tôi
Kẻ từng bước theo sau giờ tan học
Thời khắc ấy bỗng dưng đường hóa cụt
Bước ai về tôi thầm đếm trong tim

Không còn ai khác nữa - ngoài em
Người đi trước, cái người đi trước ấy
Những buổi đầu tiên em hồn nhiên đến vậy
Vô tư đi đâu hề biết sau mình

Rồi một tuần, rồi một tháng trôi nhanh
Ai cũng tưởng - trừ tôi 
Rằng em vẫn hồn nhiên với những bước chân thầm lặng
Có ngờ đâu em cố ý làm ngơ

Tôi thật thà tôi chỉ biết làm thơ
Và cũng chỉ để tặng người đi trước
Hàng trăm buổi tan trường chân ai tôi đếm bước
Mà bài thơ viết mãi vẫn chưa xong.

NGUYỄN THÁI DƯƠNG

Có một người lặng lẽ theo sau của Nguyễn Thái Dương là nỗi niềm của cậu học trò lẽo đẽo theo sau người con gái mỗi buổi tan trường. Hàng trăm lần “chẳng sóng đôi” đến tội nghiệp ấy đã bật thành thi tứ, thành điệu hồn chung chiêng, thành thiết tha kỷ niệm. Nhờ đó, khi soi hồn mình vào thi phẩm, ai cũng đều nhận ra một thời tuổi trẻ lãng mạn say mê, cứ dào lên như từng đợt sóng nhớ nhung, luyến tiếc vỗ bờ.

Sau những giờ tan học, áo trắng học trò như muôn ngàn cánh bướm tung bay, trắng cả sân trường và những con đường hoa mộng. Nguyễn Thái Dương đã rất khéo léo khi chọn không gian nghệ thuật ấy và đan cài vào đó mối tình đầu vụng dại tuổi thần tiên. Câu chuyện tình của “người lặng lẽ theo sau” và “người đi trước” ấy đã trở thành hình tượng phổ quát nên dễ hớp hồn mỗi chúng ta khi bồi hồi nhớ lại. Hãy nghe nhà thơ phân thân để nhìn ngắm,  cảm nhận vẻ đẹp diệu kỳ ấy mà “ghi hình” bằng một ngôn ngữ chân thành và giàu cảm xúc:

Có một người lặng lẽ theo sau
Đếm từng bước một người đi trước
Con đường chảy những dòng người xuôi ngược
Vô tư nhìn hai người chẳng sóng đôi

Người đi sau lặng lẽ, âm thầm đếm từng bước của “người đi trước”. Thoạt đọc, có chút gì ngồ ngộ, kỳ khôi, thậm chí vô duyên vô cớ cho ai đó có hành động thật buồn cười. Đếm gì thì đã đành, ai lại đi đếm bước chân của người khác, rõ là vớ vẩn. Nhưng chính cái sự vớ vẩn ấy lại là thi tứ độc đáo, thể hiện sâu sắc tình cảm của người đi sau dành cho “người đi trước” vậy. Đọc đến đây, ai mà chẳng giật mình hoài thương, vì đó có thể là bạn, là tôi, là bất kỳ ai đã đi qua một thời tuổi trẻ xuyến xao trong “cái phút ban đầu lưu luyến ấy”.

Đến khổ thơ thứ hai, người đi sau mới được nhà thơ xác thực hóa, cụ thể hóa bằng chính điểm nhìn của cái tôi trữ tình tác giả. Người đi sau ngớ ngẩn, vẩn vơ đếm từng bước của “người đi trước” ấy là tôi đây, là “kẻ từng bước theo sau giờ tan học” chứ phải nào ai khác. Không những thế, với tôi, những thời khắc được lặng lẽ theo sau, được đếm từng bước chân em mới thật hạnh phúc và ngọt ngào làm sao, cứ ước mơ con đường từ trường về nhà dài thêm mãi, đừng vội “hóa… cụt” để rồi ngẩn ngơ, tiếc nuối đến nao lòng. Mỗi nhịp tim tôi hồi hộp, bâng khuâng qua từng bước chân em về vẫn cứ bồi hồi, ngân vang không dứt:

Không còn ai khác được ngoài tôi
Kẻ từng bước theo sau giờ tan học
Thời khắc ấy bỗng dưng đường hóa… cụt
Bước ai về tôi thầm đếm trong tim

Nếu khổ thơ thứ hai là hình ảnh và tâm trạng của người đi sau thì đến khổ ba, Nguyễn Thái Dương tập trung khắc họa hình ảnh và thái độ của “người đi trước”. Đố ai hình dung được nét mặt, nụ cười, ánh mắt hay cái bĩu môi của người đi trước thế nào? Nhân vật trữ tình “em” - “không còn ai khác nữa” - một sự khẳng định đến xót lòng làm cho ý thơ thật giàu sức biểu cảm. Lời thơ chân thành, bộc trực, cảm xúc thơ dồn nén, bung vỡ để rồi gói gút bằng một lời thầm trách nhẹ nhàng pha chút hờn giận, xót xa: “Những buổi tan trường em hồn nhiên đến vậy/ Vô tư đi đâu hề biết sau mình”.
Nhưng nếu chút rung động đầu đời ấy của tôi được em xem bình thường và hồn nhiên như bao người con trai thầm lặng khác theo sau thì đâu đến nỗi buồn thương, day dứt. Không, rõ là em cố tình, cố ý, biết tôi lặng lẽ theo sau mà vẫn cứ dửng dưng, vẫn cứ vô tâm chẳng chút đoái hoài. Một nỗi nghẹn ngào tê buốt tâm can. Vậy nên đến khổ thơ này, các dòng thơ cứ so le nhau, ngắn dài thổn thức như thể cảm xúc của nhà thơ đang nấc lên thành tiếng, điếng lòng nhận ra một sự thật phũ phàng, thậm tệ khi “em cố ý làm ngơ”:

Rồi một tuần, rồi một tháng trôi nhanh
Ai cũng tưởng - trừ tôi 
Rằng em vẫn hồn nhiên với những bước chân thầm lặng
Có ngờ đâu em cố ý làm ngơ

Bài thơ khép lại bằng một lời thú nhận rằng tôi là thằng con trai thật thà, khờ khạo, chỉ biết làm thơ để tặng em mỗi buổi tan trường. Thế nhưng bài thơ đến giờ tôi viết mãi vẫn chưa xong, vì em gần đó nhưng cũng cách xa vời vợi. Cái khoảng cách so le tưởng chừng đơn giản ấy, nhưng tôi không thể nào vượt lên để xóa dấu không gian ngăn cách mỗi lần đếm bước em về. Cảm xúc của nhân vật trữ tình xưng tôi ở đây có chút gì hao hao như tâm tình của nhà thơ Xuân Diệu trong thi phẩm "Vì sao": “Rồi một ngày kia tôi sẽ đi/ Vì sao ai nỡ hỏi làm chi/ Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá/ Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì”. Vậy là bài thơ tình đầu đời của tuổi học trò cứ mãi dở dang trong niềm thương tưởng “đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” (Hồ DZếnh):

Tôi thật thà tôi chỉ biết làm thơ
Và cũng chỉ để tặng người đi trước
Hàng trăm buổi tan trường chân ai tôi đếm bước
Mà bài thơ viết mãi vẫn chưa xong.

Có một người lặng lẽ theo sau của Nguyễn Thái Dương nhẹ nhàng như làn sương mỏng, dịu dàng như màu áo trắng thơ ngây, hơn ba mươi năm rồi đọc lại, thi phẩm vẫn khiến lòng tôi bồi hồi xúc động, ngỡ thuở nào theo bước chân ai trên con đường hoa mộng.

LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuổi trẻ và tình yêu qua một áng thơ học trò