Tuổi trẻ Hải Dương hướng lên vùng cao

14/09/2014 03:22

Những năm gần đây, đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã chọn biên giới, hải đảo để tổ chức các hoạt động tình nguyện, tô thắm thêm truyền thống xung kích của tuổi trẻ...



Đoàn Thanh niên Sở Khoa học và Công nghệ tặng quà tại xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)


Với sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều năm nay đoàn viên, thanh niên tỉnh ta hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện ở các vùng cao. Sau mỗi chuyến đi là những ấn tượng khó phai mờ trong mỗi đoàn viên thanh niên.

Hoạt động nhiều ý nghĩa

Hưởng ứng “Năm thanh niên tình nguyện 2014”, cuối tháng 3, Đoàn Thanh niên Sở Khoa học và Công nghệ (trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh) thực hiện chương trình “Ấm áp Mèo Vạc” tại xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Chi đoàn đã quyên góp được 7,5 triệu đồng tiền mặt từ cán bộ, nhân viên tại các đơn vị trực thuộc, hàng trăm cuốn sách giáo khoa, truyện, quần áo rét, bánh kẹo để mang tặng cho người dân vùng cao. Chi đoàn đã trực tiếp trao tặng 200 kg gạo, quần áo và bánh kẹo cho Trường Mầm non xã Nậm Ban, tặng 500 cuốn vở viết, 400 gói mì tôm và hàng chục bộ sách giáo khoa cũ cho học sinh nội trú Trường Tiểu học Nậm Ban. Các bạn trẻ còn tặng 60 kg gạo, bánh kẹo và hơn 100 bộ quần áo rét đến tận tay các hộ nghèo xã Khâu Vai. Chị Vũ Thị Thu Hiền, Bí thư Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Mèo Vạc là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Hà Giang cần được giúp đỡ, chia sẻ. Đến tận nơi chúng tôi mới thấy cuộc sống của người dân ở đây khó khăn thế nào. Các em học sinh đi học phải mất nửa ngày mới đến được trường, khi về thì trời đã tối sẫm, đường vắng ngắt". Chặng đường tuy xa xôi, hiểm trở, nhưng với tinh thần tuổi trẻ tình nguyện, các đoàn viên, thanh niên không quản ngại đường xa để về với các bản, làng vùng cao.

Kể về chuyến đi tình nguyện vùng cao hồi đầu tháng 7, chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó Bí thư Huyện đoàn Kinh Môn cho biết: “Đó là một chuyến đi không thể quên. Địa hình đồi núi, có những cung đường rất khó đi, hiểm trở". Trong chuyến đi, Huyện đoàn đã tặng 3 lá cờ 54 m2 cho Đồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang), tặng 40 suất quà cho trẻ em các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Cao Bằng, mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng. Ngoài ra, Huyện đoàn còn tặng 2 bình nước nóng cho 2 trường mầm non xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Trước đó, năm 2013, Tỉnh đoàn đã quyên góp nhiều tỷ đồng để thăm, tặng quà học sinh nghèo tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) và một số tỉnh vùng cao như Cao Bằng, Lào Cai...

Những hoạt động đầy ý nghĩa trên góp phần giúp nhân dân vùng cao bớt khó khăn, tô thắm thêm tình đoàn kết dân tộc và khẳng định được vai trò xung kích của tuổi trẻ “Đâu cần thanh niên có - Đâu khó có thanh niên”.

Ấm áp nghĩa tình

Sau chuyến đi thăm, tặng quà tại Điện Biên hồi tháng 5, anh Nguyễn Tác Lũy, Phó Bí thư Thành đoàn Hải Dương kể lại, thành viên trong đoàn không ngại băng rừng, lội suối trong cái nắng gắt của mùa hè để mang đến cho học sinh vùng cao những vở, mũ, bút, mực đã quyên góp được. Đó là những ngày đáng nhớ nhất đối với các thành viên trong đoàn. Tuy không ở lại được lâu nhưng người dân địa phương đón đoàn rất nồng hậu. Đoàn đã tặng 6 “Đàn gà khăn quàng đỏ” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường Tiểu học Mường Mươn, thị xã Mường Lay nhằm khích lệ, động viên các em vượt khó vươn lên học tốt, góp phần cải thiện cuộc sống. Trước đó, hồi tháng 1, Thành đoàn đã thăm, tặng 5 tấn quần, áo, giầy dép, sách vở cho đồng bào, dân tộc ở các xã giáp biên tỉnh Cao Bằng. Anh Lũy chia sẻ thêm, sau mỗi chuyến đi, đoàn viên thanh niên nâng cao trách nhiệm, hướng đến chia sẻ khó khăn, giúp đỡ mọi người. Thời gian tới, Thành đoàn tiếp tục triển khai chương trình “Tình nguyện mùa đông” lên vùng cao.



Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh chuyển quà tặng
các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Khương (Lào Cai)


Điều đáng nhớ nhất đối với chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó Bí thư Huyện đoàn Kinh Môn là những đêm đốt lửa, múa hát, nhảy sạp cùng người dân vùng cao. Qua những buổi tối giao lưu văn nghệ, thanh niên miền xuôi có cơ hội tìm hiểu được phong tục, tập quán, văn hóa của người miền núi. “Chứng kiến cảnh các em nhỏ chân trần đi học, thiếu thốn, những căn nhà vẻn vẹn bốn bức tường xập xệ, mái ngói mục nát mới thấu hiểu cuộc sống nơi đây còn thiếu thốn trăm bề và rất cần nhiều sự giúp đỡ. Mỗi nhà cách nhau chừng 200 m, thậm chí 1 km, nhưng những hôm giao lưu văn nghệ cùng đoàn, mọi người đều đi bộ xuống, cùng hát với cán bộ và các đoàn viên thanh niên. Đó là tình cảm chân thành, ấm áp, trân trọng của người dân vùng cao mà đến khi về xuôi, chúng tôi vẫn còn xúc động”, chị Tuyết chia sẻ.

Đồng chí Nghiêm Xuân Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, thời gian tới, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn, đoàn viên thanh niên trong tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình “Tô thắm màu cờ Tổ quốc” gắn liền với những hoạt động thiết thực, hướng tới vùng cao, biển đảo, đặc biệt là những tỉnh biên giới. Các huyện đoàn, thị đoàn, thành đoàn và các đoàn trực thuộc tích cực phát động các phong trào hướng về biên giới, hải đảo, tô đẹp thêm truyền thống lịch sử, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi đoàn viên thanh niên... 

Để người dân vùng cao, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học tập, vui chơi, phát triển bình đẳng như mọi trẻ em khác, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đoàn tình nguyện, cần có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Mỗi chuyến đi đem lại sự trải nghiệm thực tế và những kinh nghiệm quý đối với đoàn viên, thanh niên. Ở những nơi “Tổ quốc gọi tên mình”, nơi mà trẻ em vẫn còn chân trần lội suối đi học, người dân vẫn còn cực khổ thì rất cần có sự hỗ trợ, chia sẻ của đồng bào cả nước, đặc biệt là tuổi trẻ.

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuổi trẻ Hải Dương hướng lên vùng cao