Từng bước loại trừ “tham nhũng vặt"

01/02/2018 11:16

Để loại bỏ “tham nhũng vặt”, trước hết, cần chỉnh đốn bộ máy và lựa chọn, sàng lọc con người thực thi công vụ. Bộ máy cần tinh gọn, hiệu lực hiệu quả...

Từ lâu “tham nhũng vặt” đã lộ diện. Đó là những cơ quan, đơn vị, cá nhân lợi dụng quyền hạn, chức trách của mình gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khi làm các thủ tục hành chính hoặc sử dụng các dịch vụ công. Những từ “lót tay”, “bôi trơn”… mà phong bì là “sứ giả” trở nên quen thuộc đến nỗi người dân đi đâu, làm gì cũng cứ nghĩ “Trong tay có cái phong bì/Cho dù khó mấy việc gì cũng xong”. Chính vì thế, trong phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng ngày 21.1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chỉ rõ: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc hay còn gọi là “tham nhũng vặt”.

Doanh nghiệp, người dân khi có yêu cầu chính đáng được pháp luật quy định thì lại bị chính những cơ quan, cán bộ, công chức, nhân viên (CBCCNV) ở cấp có thẩm quyền “hành dân”. Không ít người đã tặc lưỡi chấp nhận cho được việc, vô tình tạo cho “tham nhũng vặt” miếng đất sống dai dẳng, không những gây cản trở, thiệt hại về kinh tế - xã hội mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng tới các thế hệ trẻ, coi việc “tham nhũng vặt” là…mặc nhiên, rất nguy hiểm! Từ “tham nhũng vặt” đến tham nhũng lớn là khoảng cách không quá xa. Không ít vụ đại án tham nhũng đã và đang xét xử bắt đầu từ hệ lụy ấy.

Để loại bỏ “tham nhũng vặt”, trước hết, cần chỉnh đốn bộ máy và lựa chọn, sàng lọc con người thực thi công vụ. Bộ máy cần tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, còn con người cần lựa chọn, sàng lọc  từ khi tuyển dụng đến quá trình đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát. Đã có khá nhiều ví dụ khi tuyển chọn, bổ nhiệm thì tỏ ra trung thành với sự nghiệp, nhưng nếu không thường xuyên kiểm tra, giám sát thì chỉ sau một thời gian là có thể phạm sai lầm. Mọi CBCCNV trong cơ quan, đơn vị cần được thường xuyên giáo dục về đạo đức công vụ, luôn luôn đặt trọng trách của mình là phục vụ người dân và doanh nghiệp, không được sách nhiễu.    

Hai là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thể hiện được khả năng đánh giá, lựa chọn, tuyển dụng và sử dụng CBCCNV đúng người, đúng việc; thường xuyên kiểm tra, giám sát đội ngũ này khi thi hành công vụ. Bản thân người đứng đầu phải là tấm gương cho cấp dưới noi theo.

Ba là, cần đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính toàn diện, sâu rộng về cả thời gian, các bước thực hiện thủ tục lẫn thái độ phục vụ của CBCCNV.

 Bốn là, cần làm cho một bộ phận người dân còn thói quen xin xỏ được giác ngộ về quyền dân chủ, hiểu biết pháp luật; yêu cầu các cơ quan chức năng có thái độ phục vụ đúng đắn, kiên quyết không “lót tay”, “bôi trơn” khi bị nhũng nhiễu và sẵn sàng tố giác các hành vi này ra trước công luận.

Thực hiện được các giải pháp trên, nhất định chúng ta sẽ từng bước loại trừ được  nạn “tham nhũng vặt”, ngăn chặn tham nhũng lớn và góp phần xây dựng một bộ máy hành chính cùng đội ngũ CBCCNV trong sạch, vững mạnh.

NGUYỄN THẾ(60 Thiện Khánh, TP Hải Dương)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từng bước loại trừ “tham nhũng vặt"