Đang ngồi ăn cơm, nghe chương trình thời sự nhắc tới chuyện pháo Tết, bà Ngọc liền quay qua bảo chồng:
- Lại sắp Tết rồi đấy ông, rồi lại được nghe pháo nổ rung trời, vui tai phải biết.
- Ờ, ngày Tết mà, ra đường phải thấy pháo nổ mới có không khí, chứ cứ im hơi lặng tiếng thì còn gọi gì là Tết nhất nữa.
- Tôi chỉ nói đùa vậy thôi mà ông hưởng ứng nhiệt tình nhỉ. Ông không biết chỉ vì tiếng pháo đêm giao thừa mà bao nhiêu hậu quả xảy ra đấy à?
- Hậu quả gì? Sao tôi không biết?
- Ông không biết hay giả vờ không biết? Nếu như không gây hại thì chẳng hà cớ gì mà Nhà nước lại cấm pháo.
- Bà nói rõ tôi nghe xem nào.
- Thế ông không nhớ Tết năm vừa rồi chỉ vì tiếng pháo nổ mà bao nhiêu con chó của nhà dân thi nhau mất tích, “một đi không trở lại” đấy à? Nhà ông Kiên kia kìa, đêm giao thừa cả nhà rủ nhau đi chùa thắp hương, có con chó đẻ nuôi mấy năm liền để thả ở nhà. Đến lúc về gọi không thấy đâu, chờ tới tận ngày hôm sau cũng chẳng thấy nó về mới vỡ lẽ là mất chó. Mấy ngày Tết, các bà, các cô cứ xôn xao bàn tán về chuyện chó sợ tiếng pháo nên nghe thấy tiếng nổ là chạy ngay tìm chỗ núp.
- Nghe cũng gay đấy bà nhỉ? Tôi bận rộn suốt nên cũng không để ý lắm.
- Mà đâu chỉ có vậy. Đốt pháo còn gây ra cháy nổ đấy chứ. Nhà nông thì rơm rạ nhiều, toàn đồ dễ cháy, không cẩn thận một cái là hỏa hoạn như chơi. Còn chưa kể tới nhiều ông bà già hay bọn trẻ con đau yếu, nghe thấy tiếng nổ to lại giật mình, ảnh hưởng sức khỏe…
- Thế năm nay nhà mình nuôi chó thì phải nhốt vài ngày bà nhỉ? Chứ mấy ngày Tết pháo nổ ghê lắm, Nhà nước cấm, rồi lực lượng chức năng cũng đi kiểm tra đấy nhưng mà không thể kiểm soát hết được. Đám thanh niên đi làm ăn xa cứ Tết nhất là lại mang theo cả đống pháo về đốt. Tôi nghĩ, kể cả Tết, các lực lượng cũng cứ đến nhà nào đốt pháo để lập biên bản mà phạt thì may ra mới dẹp được bà ạ.
THANH GIANG