Một tuần đàm phán ngoại giao khiến giới chức Mỹ, đồng minh phương Tây và Nga đều thất vọng, khi các bên chưa thể hiểu hết ý định của nhau, nhất là đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (phải) tại cuộc đàm phán an ninh ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 10.1.2022
Tuần trước, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nói rằng các vòng đàm phán từ ngày 10-15.1 sẽ là thời gian quyết định để ông Putin chọn lựa ngoại giao hay các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn, khi Mỹ và phương Tây xem xét sức ép quân sự của Nga trong vấn đề Ukraine.
Tiến trình đàm phán sau đó ở Geneva, Brussels và Vienna đã kết thúc, với sự tham dự của giới chức Nga cùng hàng chục quan chức đến từ Mỹ và nhiều nước châu Âu. Thế nhưng, giới chức Nhà Trắng và quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ vẫn chưa thể biết Moskva lựa chọn con đường nào.
“Chúng tôi chuẩn bị tiếp tục cách thức ngoại giao để thúc đẩy an ninh và ổn định. Nhưng mặt khác chúng tôi cũng sẵn sàng cho kịch bản Nga lựa chọn một con đường khác”, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu ngày 13.1.
Ba vòng đàm phán giữa Nga với Mỹ và đồng minh phương Tây kết thúc với bằng nhiều lời lẽ đe dọa, tuyên bố cứng rắn, mà không có kết quả thực chất hay nhượng bộ lẫn nhau. Hai bên vẫn chưa thể rút ngắn bất đồng vốn có thể đẩy châu Âu vào khủng hoảng an ninh trầm trọng nhất trong nhiều thập kỉ.
Đến ngày 14.1, căng thẳng thậm chí còn leo thang hơn. Chính quyền Kiev cho biết Ukraine vừa bị tấn công mạng quy mô lớn và có ý đổ trách nhiệm cho Nga. Nhà Trắng cũng lập tức tuyên bố Moskva có kế hoạch mở các chiến dịch “tạo cớ” ở miền đông Ukraine, lấy đó làm tiền đề để đưa quân can thiệp quân sự.
Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Pesov cho rằng những báo cáo này dựa trên thông tin "vô căn cứ". Ông phủ nhận thông tin về kế hoạch tấn công nước láng giềng. Ngoại trưởng Nga cùng ngày cảnh báo Moskva đang mất dần sự kiên nhẫn, bởi “Nga sẽ không thể chờ đợi mãi. Ai cũng biết rằng tình hình hiện nay không được cải thiện. Nguy cơ tiềm tàng về đụng độ ngày một gia tăng”.
Hiện chưa có bất kỳ thông tin nào về lịch trình cho các vòng đối thoại kế tiếp. Phía Mỹ bắn tín hiệu “trái bóng hiện nằm trên phần sân của Nga”. Trước khi tới bàn đàm phán trong tuần này, Mỹ từng kỳ vọng việc kết hợp “cà rốt” - tức thiện chí mở đàm phán về triển khai tên lửa và tập trận quân sự của NATO, cùng với “cây gậy” – những đòn trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn, sẽ đẩy Tổng thống Putin đi đến can dự ngoại giao, đối thoại thay vì can thiệp quân sự ở Ukraine.
Xe tăng Nga tham gia cuộc tập trận tại thao trường Molkino thuộc khu vực Krasnodar (Nga) giáp Ukraine
Thế nhưng tại đối thoại an ninh Mỹ-Nga ngày 10.1 ở Geneva, Hội đồng Nga-NATO ngày 12.1 ở Brussels và tham vấn Nga-OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) ở Vienna ngày 13.1, Moskva đều tái khẳng định những yêu sách chủ chốt mà Mỹ và NATO đã bác bỏ.
Nga muốn NATO không mở rộng phạm vi vào Ukraine và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết, kiềm chế quan hệ giữa NATO với các quôc gia này, buộc NATO hạn chế triển khai hiện diện quân sự của khối này tại các quốc gia thành viên Đông Âu. Về phần mình, giới chức Mỹ, phương Tây không chấp nhận yêu sách này. Họ giời bàn đàm phán với sự thất vọng, cho rằng Nga thiếu thiện chí, không linh hoạt.
Nhà Trắng từng mô tả ba cuộc thảo luận liên tiếp với Nga là cách thức giúp giảm khác biệt, mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Nhưng kết thúc đối thoại, giới chức Mỹ ngày một suy giảm lòng tin vào Nga. Việc Moskva triển khai lực lượng quân sự giáp Ukraine khiến Mỹ và đồng minh NATO khó có thể chấp nhận ý tưởng của Moskva về tương lai đối với an ninh châu Âu.
“Leo thang rõ ràng làm gia tăng căng thẳng và không thể tạo ra môi trường tốt nhất cho đàm phán thực chất”, Thứ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán Mỹ, bà Wendy Sherman, phát biểu sau cuộc gặp với đồng cấp người Nga Sergei Ryabkov ngày 10/1 ở Geneva.
Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov đổ lỗi cho Mỹ là tác nhân khiến đàm phán không có tiến triển, cho rằng giới chức Mỹ nhẽ ra cần sẵn sàng thảo luận thực chất đối với các đề xuất chủ chốt của Nga. Ông cũng khẳng định đã qua rồi thời kỳ mà Mỹ chỉ biết là bên tra hỏi và đưa ra những giải thích lớn tiếng.
Bế tắc hiện tập trung vào vấn đề Ukraine. Giới chức Mỹ cho biết nguy cơ Nga đưa quân can thiệp là có thực, khi Moskva đã triển khai hơn 100.000 binh sĩ cùng với hàng loạt phương tiện, khí tài quân sự áp sát biên giới Ukraine. Dẫn lại các biến cố liên quan đến vụ Crimea sáp nhập vào Nga và bất ổn ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng bước điều chỉnh binh lực của Nga cho thấy mọi công tác chuẩn bị đang được Moskva triển khai, với thời điểm can thiệp có thể là giữa tháng 2.
Khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng Điện Kremlin cũng tuyên bố rõ ràng rằng Nga không có ý định rút quân khỏi khu vực giáp biên giới với Ukraine. “Việc NATO muốn hướng lái cách thức và địa điểm di chuyển lực lượng vũ trang của Nga trên lãnh thổ Nga là không thể. Bởi chúng ta đang nói đến lãnh thổ Nga”, ông Peskov phát biểu ngày 14.1.
Theo báo Tin tức