Tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ: Nguy hại khôn lường

26/05/2017 07:01

Việc dùng thuốc kháng sinh giống như "con dao hai lưỡi". Nếu sử dụng kháng sinh không theo liều lượng, chỉ dẫn của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm cho trẻ.



Hầu hết trẻ vào Bệnh viện nhi Hải Dương điều trị viêm đường hô hấp đều được gia đình
 tự chữa từ trước nhưng không hiệu quả


Nhưng trên thực tế, không ít bà mẹ lại chưa nhận thức được điều này.

Động ho là dùng... kháng sinh 

Thấy con trai mới 5 tháng tuổi ho hắng suốt 4 ngày nay chưa khỏi, chị Nguyễn Thị Ngân ở thôn Bịch Đông, xã Nam Chính (Nam Sách) rất lo lắng. Chị lấy một số loại cây cỏ dân gian như hẹ, húng chanh, húng quế cùng với đường phèn để trị ho cho con. Nhưng trái lại, mẹ chồng chị Ngân luôn cho rằng các loại cây thuốc này không thể giúp cháu khỏi bệnh nên giục chị đi mua thuốc kháng sinh để trị ho.

Nhiều người khác cũng như mẹ chồng chị Ngân nghĩ rằng mọi thứ viêm nhiễm đều phải dùng thuốc kháng sinh. Không chỉ tự ý mua kháng sinh về cho trẻ uống, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc của trẻ khác cho con nhà mình. Chị Hoàng Thị Trinh ở khu Vô Hối (thị trấn Thanh Miện) cho biết, tháng trước con chị bị ho lâu ngày, hắt hơi sổ mũi. Sau khi cho cháu đi khám ở bệnh viện, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phế quản và kê thuốc cho cháu uống đã khỏi. Thấy con chị Trinh nhanh khỏi, chị hàng xóm đã xin đơn thuốc này về mua cho con uống vì con chị này cũng bị hiện tượng tương tự.

Trong vai một phụ huynh có con 3 tuổi, nặng 14 kg đang bị ho kéo dài, tôi ra cửa hàng thuốc tây trên đường Nguyễn Hữu Cầu (TP Hải Dương) để mua thuốc. Cô bán thuốc ngoài việc hỏi tuổi, cân nặng của con tôi thì hỏi thêm về triệu chứng của trẻ như ho có đờm hay ho khan, có bị sổ mũi không... Sau đó người này kê cho tôi liều thuốc trong 5 ngày, mỗi ngày dùng 2 gói nhỏ với nhiều loại thuốc được chia sẵn để dễ sử dụng. Tôi chưa yên tâm nên hỏi: "Cô kê thuốc kháng sinh cho cháu không ạ?" thì nhận được câu trả lời: "Có chị ạ. Con chị đang có dấu hiệu bị viêm đường hô hấp, không uống kháng sinh sẽ không đỡ được đâu. Em kê thuốc này về chị cho cháu uống 5 ngày, hết thuốc lại ra đây em kê tiếp chị nhé".

Cầm gói thuốc trên tay, tôi cảm thấy rất lo lắng. Tôi không nhận được bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới việc cháu bé có bị dị ứng với chất nào hoặc có tiền sử bị bệnh nào khác không? Nhiều bà mẹ hoàn toàn tin tưởng vào những liều thuốc như vậy, mang về cho con dùng. Nếu con khỏi thì họ cho rằng do dược sĩ kê đơn thuốc tốt, nếu con chưa khỏi thì lại ra cửa hàng yêu cầu kê kháng sinh liều cao để trẻ nhanh khỏi. Bất kỳ loại thuốc nào, song song với tác dụng nhanh chóng thì đều có các tác dụng phụ. Những thói quen kể trên thường dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh, gây hại đến sức khỏe của trẻ.

Gây nhờn thuốc    

Theo bác sĩ Ngô Thị Minh, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Hải Dương, hầu hết trẻ đang điều trị tại khoa đều đã mắc bệnh một thời gian và được gia đình tự ý chữa bằng các loại thuốc nhưng không thuyên giảm. Điều này gây khó khăn cho các bác sĩ khi thăm khám, điều trị cho trẻ. Đối với những trẻ mới bị nhiễm khuẩn đường hô hấp được đưa vào viện sớm sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, có thể không cần phải dùng tới thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít. Vì vậy, bệnh viện thường yêu cầu người nhà bệnh nhân phải mang theo đơn thuốc để có hướng điều trị, hoặc đổi sang nhóm thuốc khác hay sử dụng dạng thuốc tiêm cho trẻ.

Dùng ít hơn hoặc nhiều hơn liều lượng kháng sinh bác sĩ chỉ định hoặc dùng khi không cần thiết, không đúng phổ kháng khuẩn cũng sẽ dẫn tới tình trạng bị nhờn thuốc, kháng thuốc, gây hậu quả nghiêm trọng. Một trong những hậu quả đó là khó kiểm soát các vi khuẩn kháng thuốc phát triển thành các chủng vi khuẩn mới mạnh hơn, độc tính cao hơn và chưa có thuốc điều trị. Ngoài ra, kháng sinh dùng dài ngày có thể gây loạn khuẩn ruột do diệt các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Thuốc kháng sinh có thể đưa vào cơ thể bất cứ đường nào như uống, tiêm, bôi ngoài da... đều được hấp thụ, chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận trong khi chức năng của gan và thận ở trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ còn rất yếu, khả năng thải trừ thuốc chậm hơn nhiều so với người lớn và trẻ lớn. Vì vậy thuốc dễ bị tích tụ trong cơ thể gây ra ngộ độc, nhất là khi trẻ dùng thuốc kéo dài...

Theo bác sĩ Ngô Thị Minh, để trẻ không phải sử dụng kháng sinh, các bà mẹ cần giúp bé hạn chế nhiễm khuẩn, dự phòng các nhiễm khuẩn cho bé bằng cách điều chỉnh chế độ chăm sóc, dinh dưỡng và sử dụng một số thảo dược có thành phần kháng khuẩn, điều hòa miễn dịch. Nếu phải sử dụng kháng sinh thì cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

THANH HOA

Do thay đổi thời tiết thường xuyên, trẻ thường mắc các bệnh về đường hô hấp. Có khoảng 60% số trẻ viêm đường hô hấp là do vi khuẩn. Nếu mắc bệnh ở dạng này thì không cần sử dụng thuốc kháng sinh mà chỉ cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, để xác định chính xác tình trạng bệnh, trẻ phải được đưa tới cơ sở y tế khám, chứ không thể thông qua các biểu hiện bệnh thông thường để chẩn đoán bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ: Nguy hại khôn lường