Thông tin về vụ học sinh Trường Tiểu học Bắc An (TP Chí Linh) ăn nhầm bột thông bồn cầu làm tôi giật mình và không thể tin nổi.
Đành rằng cái thứ bột kia được đóng trong bao bì đẹp, màu sắc của bột bắt mắt, bao bì in bằng tiếng nước khác khiến các cháu không đọc được, nhưng xã hội đang bước vào thời kỳ cách mạng 4.0, mà các cháu lại nhầm lẫn như vậy thì thật tiếc, đáng trách. Cũng không thể nói là do đói khát mà các cháu ăn liều. Bởi có đến 46 cháu ăn nhầm chứ có ít đâu. Các cháu lớp 1 có thể vì nhỏ tuổi, không biết nhưng lớp 5 rồi, các cháu phải biết chứ...
Môn học có tên là "Giáo dục kỹ năng sống" được đưa vào nhà trường mấy năm nay rồi. Có năm kỹ năng sống được dạy lồng ghép với môn học khác, có năm dạy riêng thành tiết học độc lập. Ở gia đình, việc dạy kỹ năng sống cho các cháu cũng là chuyện hằng ngày. Trong số các kỹ năng sống, việc ăn hẳn là quan trọng số một. Ăn gì? Ăn như thế nào, ăn lúc nào, ăn mức độ nào, phòng độc hại khi ăn ra sao… chắc chắn ít nhiều các cháu đã được ông bà, cha mẹ hướng dẫn, nhắc nhở. Thế mà 46 cháu vẫn mắc là nghĩa làm sao?
Cắt nghĩa nguyên nhân vụ học sinh tiểu học xã Bắc An ngộ độc do ăn nhầm bột thông bồn cầu, tôi cho rằng: Trước hết là do giáo viên có tính cẩu thả, vội vàng, không lường được hậu quả nên mới để bốn gói bột thông bồn cầu ở gầm cầu thang của trường. Thứ hai là việc nhà trường thiếu quan tâm đến học sinh trong lúc vui chơi, dẫn tới 46 em ăn nhầm chứ không phải chỉ một, hai em. Các em lại ăn nhầm ngay trong nhà trường, đến khi ngộ độc giáo viên mới biết. Học sinh tiểu học rất hồn nhiên và hiếu động nên 46 em không thể im lặng hay vụng trộm để ăn. Vậy mà giáo viên không biết, bảo vệ không hay? Nếu quan tâm đến các em mà ngăn chặn kịp thời thì đâu đến nỗi. Ba là, chất lượng giáo dục kỹ năng sống của Trường Tiểu học Bắc An chưa tốt. Gặp những gói bột lạ, không hiểu là bột gì mà cũng cho vào miệng ăn để đến nỗi ngộ độc, học đến lớp 5 rồi mà không phân biệt được cái gì nên ăn và cái gì không nên ăn... thì quả là kỹ năng sống của các em này quá yếu kém.
Sự việc đã xảy ra rồi. May mắn là các em đều qua khỏi. Song bài học cần rút ra là phía gia đình học sinh cần sát sao với các con hơn nữa. Cần dạy các con thêm về ăn uống, nhất là cảnh giác với các thứ lạ hoặc thức ăn người lạ cho hay thức ăn mình nhặt được. Phải dạy các cháu hết sức cảnh giác trước các loại quả lạ, quả đã hư hỏng, nước uống có màu hay mùi vị khác thường. Các em học sinh cần biết theo dõi, nhắc nhở nhau, thậm chí biết ngăn cản nhau nếu bạn nào đó có tính ăn tạp, uống tạp, cần thiết phải biết mách ngay với thầy cô, người lớn trong trường, trong gia đình.
Nhà trường cần xem lại chương trình và nội dung môn giáo dục kỹ năng sống. Làm sao môn này đừng lẫn với môn giáo dục công dân. Tăng tính thực hành qua việc nêu ra các tình huống trong đời sống hằng ngày về ăn, mặc, nói năng, giao tiếp, trong vui chơi, học tập, lao động… ở các môi trường khác nhau để các em tự tìm ra cách ứng xử tối ưu nhất. Nhà trường cũng cần quan tâm đến học sinh hơn nữa, nhất là giờ ra chơi hoặc những thời điểm cá biệt như học sinh xin nghỉ giữa giờ học, học sinh túm tụm bàn chuyện, học sinh có mối quan hệ khác hoặc những góc khuất trong trường, nhất là nhà vệ sinh (đã có không ít vụ kẻ xấu rình các em ở nhà vệ sinh để sàm sỡ). Luôn quan sát thái độ, gương mặt và sự biểu cảm của các em để phát hiện kịp thời những sự việc bất lợi đến với các em. Giáo viên phải là những người có kỹ năng sống tốt nhất cùng với ý thức trách nhiệm cao đối với học sinh. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ hạn chế được những sự việc đáng tiếc xảy ra.
VĂN DUY (Kinh Môn)