Tư vấn tâm lý giúp học sinh giảm áp lực

22/12/2022 11:16

Mô hình tư vấn tâm lý (TVTL) học đường đã được nhiều trường trong tỉnh thực hiện khá hiệu quả, qua đó giúp tháo gỡ áp lực và hạn chế tối đa học sinh “cá biệt”.

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội, đặc biệt là dịch Covid-19 đã tác động nhiều mặt khiến tâm lý trẻ em có nhiều biến động. Việc đẩy mạnh thực hiện mô hình TVTL học đường là giải pháp hiệu quả để tháo gỡ áp lực cho học sinh.


Việc tư vấn tâm lý cho học sinh được thầy Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đoàn Trường THPT Kim Thành chú trọng

Một học sinh đang học lớp 11 Trường THPT Kim Thành có biểu hiện trầm cảm. Em luôn ủ rũ, thậm chí còn hoang tưởng luôn nghĩ có người xúi giục mình nhảy từ tầng 3 xuống. Đánh giá sơ bộ biểu hiện của học sinh, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tổ TVTL của trường đã kịp thời động viên để em đi bệnh viện khám, điều trị. Giáo viên cùng tổ TVTL tích cực trò chuyện với em để nắm bắt tâm lý, đồng thời bố trí những em ngoan thường xuyên bên cạnh tác động tâm lý tích cực. Ngay cả trong học tập cũng có hình thức kiểm tra, đánh giá riêng để giảm áp lực cho em. Hiện bệnh tình của em đã tiến triển tốt và hòa đồng với bạn bè hơn.

Thầy Nguyễn Đức Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành cho biết, năm học 2021-2022, trường cũng có 1 học sinh “cá biệt”. Em này lười học, nhà gần trường nên hay bắt nạt, đánh nhau với các bạn. Thầy Hiếu đã trò chuyện, tâm sự riêng, kết hợp cùng tổ TVTL vừa mềm mỏng khuyên bảo, vừa răn đe. Chỉ sau thời gian ngắn, học sinh này đã thay đổi, hiền lành và chăm ngoan hơn.


Thông qua hòm thư góp ý, tổ tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Ninh Giang đã kịp thời giải quyết những thắc mắc cũng như tư vấn giúp học sinh giải tỏa áp lực

Vừa kết hợp mô hình TVTL học đường, Trường THPT Ninh Giang cũng thực hiện khá hiệu quả hòm thư góp ý. Cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết hằng tuần, tổ TVTL mở hộp thư, đọc thư và giải quyết thỏa đáng ý kiến của các em. Có thư, phiếu được đọc và trả lời công khai. Còn thư, phiếu thầm kín sẽ được chia sẻ, giải quyết riêng giữa Ban Giám hiệu, tổ TVTL và học sinh.

Thông qua nhiều kênh, trong đó có hòm thư góp ý, tổ TVTL đã kịp thời phát hiện 1 em đang học lớp 10 có biểu hiện chán học. Học sinh này chán chường do gia đình khó khăn, mẹ bị bệnh, bố mẹ mâu thuẫn. Dù trúng tuyển vào trường nhưng em luôn muốn bỏ học để đi làm kiếm tiền. Ngay sau đó, tổ TVTL đã tạo điều kiện cho em vào lớp học tốt, đồng thời bố trí giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cùng các bạn trong lớp thường xuyên trò chuyện, động viên. Sau một thời gian tích cực tác động tâm lý, em đã thay đổi suy nghĩ và yêu thích học tập hơn. Nhà trường cũng nắm bắt được học sinh muốn có một buổi chiều để sinh hoạt các câu lạc bộ. Ngay sau đó, trường đã bố trí ngay buổi chiều thứ hai hằng tuần để học sinh toàn trường sinh hoạt các câu lạc bộ và không phải học thêm...

Với những giải pháp trên, các trường đã kịp thời nắm bắt tâm tư, băn khoăn của tuổi mới lớn, những điều các em quan tâm về các kỳ thi, định hướng nghề nghiệp, những mâu thuẫn với bạn bè để kịp thời giải quyết. Đến nay, 2 trường trên hầu như không có học sinh “cá biệt”, khó giáo dục.

Sau khi có Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác TVTL cho học sinh trong trường phổ thông, các trường đều thành lập tổ TVTL học đường. Ngoài cán bộ, lãnh đạo, giáo viên nhà trường, tổ TVTL còn có sự tham gia của đại diện phụ huynh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn của các khối lớp. Thành viên cốt cán được cử đi tập huấn nghiệp vụ TVTL học đường.

Tuy nhiên, ở một số trường, việc thành lập tổ TVTL mang tính hình thức và hiệu quả hoạt động không cao. Để mô hình TVTL mang lại ý nghĩa, theo một số chuyên gia tâm lý giáo dục, cần đưa tổ TVTL học đường đến gần học sinh, chủ động tư vấn tập thể, biến phòng tư vấn thành nơi giao lưu. Thành viên tổ tư vấn cần nắm bắt qua nhiều kênh để cùng sinh hoạt với lớp có những vấn đề như học sinh bắt nạt nhau, mất trật tự,  vi phạm nội quy nhà trường. Từ đó, thành viên của tổ nắm bắt được các vấn đề phát sinh, gần gũi với học sinh. Thành viên tổ tư vấn chủ động hỏi các giáo viên chủ nhiệm lớp những vấn đề mà giáo viên chưa giải quyết được trong lớp; cùng giáo viên chủ nhiệm thống nhất phương án giải quyết, tư vấn cho các em. Đặc biệt, thành viên tổ TVTL cần có mối liên hệ mật thiết với phụ huynh. Có như vậy mới phát hiện học sinh có tâm lý, hành vi “lệch chuẩn” để điều chỉnh, giáo dục kịp thời.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư vấn tâm lý giúp học sinh giảm áp lực