Thời gian qua, các cấp công đoàn đã mở hướng tư vấn pháp luật cho công nhân, lao động (CNLĐ) qua điện thoại. Cách làm này đã mang đến những hiệu quả thiết thực.
Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh phát tờ rơi kiến thức pháp luật có đăng kèm thông tin số điện thoại tư vấn cho công nhân lao động
Mọi lúc, mọi nơi
Hiện nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và các tổ tư vấn thuộc 20 công đoàn cấp trên cơ sở đều công khai số điện thoại cố định và của cá nhân các thành viên đến đông đảo CNLĐ thông qua các buổi tuyên truyền lưu động, in trên tờ rơi... Ngoài ra, nhiều cán bộ công đoàn khi làm việc tại cơ sở, tiếp xúc với công nhân cũng để lại số điện thoại. Do đó, nhiều CNLĐ khi có khúc mắc đã lựa chọn hình thức nhờ tư vấn qua điện thoại. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của CNLĐ, các cán bộ công đoàn cũng vất vả hơn.
Vào một ngày đầu năm 2019, dù đã hết giờ làm nhưng anh Đỗ Văn Sanh, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh vẫn nán lại cơ quan để tư vấn qua điện thoại cho một nữ công nhân ở huyện Tứ Kỳ về chế độ liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội. Anh Sanh cho biết: "Từ ngày công khai số điện thoại di động cá nhân để tư vấn pháp luật cho CNLĐ có nhu cầu thì tôi bận hơn rất nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3 cuộc gọi đến. Nhiều cuộc gọi vào ngày nghỉ hoặc sau giờ làm việc, vào buổi tối. Vì phải hỏi nhiều thông tin để tư vấn cho chính xác nên có nhiều cuộc gọi diễn ra rất lâu". Hiện anh Sanh còn kiêm chức Phó trưởng Tiểu ban Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức lao động tỉnh nên số điện thoại được công khai, nhiều người biết đến. Mặc dù khá mệt nhưng chưa bao giờ anh Sanh có ý định thay đổi số điện thoại di động đang dùng để tránh nhận cuộc gọi.
Với ưu điểm có thể tư vấn mọi lúc, mọi nơi, CNLĐ không phải mất thời gian trực tiếp đến các điểm tư vấn cố định nên nhiều người đã lựa chọn hình thức này. Năm 2018, Văn phòng của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh đã tư vấn cho gần 150 lượt người. Trong đó có hơn 2/3 số người nhờ tư vấn qua điện thoại. Ngoài ra, chị Tống Thị Thoa, tư vấn viên của trung tâm cho biết ngoài giờ làm việc chị cũng nhận được khá nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn của công nhân. Những lúc như thế, dù bận việc gì chị Thoa cũng cố gác lại để trả lời đầy đủ cho họ.
Trong năm 2018, tổ tư vấn pháp luật của Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đã tư vấn cho 251 lượt CNLĐ qua điện thoại. Đó chỉ là con số ghi lại, còn trên thực tế, theo cán bộ công đoàn khu có rất nhiều trường hợp khác được tư vấn ngoài giờ làm việc. Bởi hiện nay tất cả cán bộ công đoàn khu đều công khai số điện thoại tại các điểm đại diện trong các khu công nghiệp.
Kịp thời gỡ khó
Chị Tống Thị Thoa, tư vấn viên Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên tư vấn qua điện thoại cho công nhân
Cách đây chưa lâu, anh Sanh nhận được điện thoại của một cô giáo ở Trường THCS Yết Kiêu (Gia Lộc). Cô giáo này cho biết mình bị tai nạn giao thông trên đường đi dạy về và hỏi như vậy có được hưởng chế độ tai nạn lao động không. Anh Sanh đã hỏi cặn kẽ vấn đề và tư vấn theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động. Hiện cô giáo này đang hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng mà không mất thời gian đi lại để hỏi các cấp có thẩm quyền.
Trong năm 2018, nhờ tư vấn qua điện thoại, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cũng đã kịp thời bảo vệ quyền lợi cho hơn 1.500 CNLĐ ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng). Khi khu công nghiệp mất điện, một số doanh nghiệp trong khu đã cho công nhân nghỉ làm không chế độ. Sau đó, một số cán bộ công đoàn cơ sở đã gọi điện hỏi cán bộ công đoàn khu. Nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quyền lợi của người lao động, cán bộ công đoàn khu đã viện dẫn các quy định của Bộ luật Lao động và hướng dẫn công đoàn cơ sở đại diện cho CNLĐ làm việc với chủ doanh nghiệp, giúp số công nhân trên hưởng tổng số hơn 250 triệu đồng.
Chị Tống Thị Thoa cho biết bên cạnh những trường hợp có thể can thiệp được ngay, còn có nhiều trường hợp sau cuộc điện thoại mới tìm ra hướng giải quyết cho CNLĐ. Ví dụ khi người lao động bị chủ doanh nghiệp vi phạm quyền lợi chị sẽ tư vấn, tìm cách tháo gỡ. Nếu sự việc không thuộc phạm vi giải quyết của công đoàn, chị hướng dẫn CNLĐ làm đơn gửi cơ quan chức năng.
Một số cán bộ công đoàn cho biết vì sự tiện lợi của việc tư vấn qua điện thoại nên CNLĐ hỏi nhiều nội dung về các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động. Để tư vấn tốt cho CNLĐ, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải thường xuyên tìm tòi, bồi dưỡng các kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ.
NGỌC THANH