Ngày 12-12-1923, Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh ban hành nghị định thành lập TP Hải Dương.
Bản đồ TP Hải Dương năm 1923
Sau 90 năm thành lập (1923-2013), TP Hải Dương không ngừng phát triển và đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại I trước năm 2020.
Năm 1804, Thành Đông được khởi lập chỉ là một thành trì quân sự. Những năm sau, với sự xuất hiện của Đông Kiều phố, thị dân ngày càng đông hơn, buôn bán, kinh doanh sầm uất với các giáp (đơn vị dân cư cũ) trải dài bám dọc theo sông Sặt. Từ khi thực dân Pháp chiếm đóng (năm 1883) đến những năm cuối thế kỷ XIX, Thành Đông bị phá bỏ và không được phát triển về cơ sở hạ tầng đô thị. Những năm từ 1900 - 1923, một số cơ sở công nghiệp như Nhà máy Rượu, Nhà máy Chai, Nhà máy Điện... được xây dựng. Cùng với đường 5 và đường sắt được mở qua thành phố, các đường phố mới cũng được xây dựng rộng rãi, bố cục hợp lý hơn. Đến năm 1923, thành phố đã có 600 nhà xây gạch lợp ngói làm cho điều kiện sinh hoạt của cư dân được cải thiện và bộ mặt đô thị thay đổi rõ rệt.
Ngày 12-12-1923, Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh ban hành nghị định thành lập TP Hải Dương. Thành phố lúc đầu thành lập có giới hạn không gian rất nhỏ hẹp chỉ xoay quanh các làng Hàn Giang, Hàn Thượng, Bình Lao. Cũng trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng, đã có 3 lần điều chỉnh mở rộng không gian đô thị vào các năm 1925, 1929 và 1943, tổ chức quy hoạch đô thị với các tuyến đường giao thông, các phân khu chức năng nhưng đa phần không thực hiện được.
Sau ngày giải phóng thành phố (30-10-1954), nhất là sau khi được nâng cấp là đô thị loại III vào năm 1997 và loại II năm 2009, TP Hải Dương phát triển thực sự "bùng nổ". Trải qua hai lần mở rộng mà gần đây nhất là tháng 3-2008 đã nâng diện tích thành phố lên 71,4 km2. Nhiều hạng mục hạ tầng đô thị của thành phố đang được cải tạo và xây dựng mới bằng nhiều dự án lớn. Đến nay chỉ tính khu vực nội thành đã có gần 250 đường phố rộng từ 5,5 - 62 m với tổng chiều dài trên 200 km. Hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện không ngừng được cải thiện bằng các công trình như nhà máy cấp nước Việt Hoà, dự án cải tạo hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, rác thải... Trong những năm trở lại đây, tổng quỹ đất dành cho phát triển các khu đô thị mới lên tới trên 700 ha đã góp phần cải thiện đáng kể diện tích và chất lượng nhà ở của nhân dân. Tỉnh, thành phố đang quy hoạch và triển khai xây dựng các cụm tượng đài, tranh hoành tráng gắn với các công trình kiến trúc, vườn hoa, cây xanh tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị; xây dựng khu liên hợp văn hóa - giáo dục - thể thao - y tế - khu đô thị mới, các khu du lịch - dịch vụ sinh thái hai bên bờ sông Thái Bình; cải tạo, nâng cấp Nhà hát Nhân dân...
Quyết tâm xây dựng TP Hải Dương thành một đô thị văn minh, hiện đại đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cụ thể hoá bằng nghị quyết và kế hoạch nâng cấp thành phố thành đô thị loại I trước năm 2020. Thành phố cũng đã ký với Công ty Nikken Sekkei Engineering Ltd của Nhật Bản để tư vấn, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố với tầm nhìn tới năm 2050. Tính đến tháng 10-2013, thành phố đã đạt 27 trong tổng số 49 tiêu chí của đô thị loại I, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng như: tăng trưởng kinh tế, cân đối thu chi ngân sách, tỷ lệ đô thị hoá, nhà ở (nhà ở đạt bình quân trên 12,3 m2/người, tiêu chí đô thị loại I là 12 m2), y tế (giường bệnh bình quân đầu người đạt 1,81 giường/1.000 dân, tiêu chí đô thị loại I là 1,5 giường) và một số tiêu chí về hạ tầng giao thông đô thị, cấp thoát nước, không gian cảnh quan đô thị...
Sự phát triển của TP Hải Dương sẽ góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Sau 90 năm thành lập, vị thế, hình ảnh của TP Hải Dương - đô thị loại I đang từng bước trở thành hiện thực.
NGUYỄN TRƯỜNG THẮNG