Từ Thành Đông anh hùng đến đô thị loại I

26/10/2019 11:31

Khởi lập cách nay 215 năm, Thành Đông xưa - TP Hải Dương nay đã vươn mình mạnh mẽ, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ và thủ phủ của tỉnh.


Hình ảnh TP Hải Dương với các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp dần được hình thành, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 96,5% Ảnh: Thành Chung

Bề dày lịch sử

Tháng 3.1804, sau khi nghe trấn thủ Hải Dương là Trần Công Hiến tấu trình, vua Gia Long đồng ý cho di chuyển trấn sở Hải Dương từ Mao Điền về ngã ba sông Hàm Giang (Thái Bình) và sông Kẻ Sặt thuộc địa phận các làng Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao trang, lúc đó đều thuộc địa phận huyện Cẩm Giàng.

Ngay trong năm 1804, trấn thành Hải Dương hay còn gọi là Thành Đông bắt đầu được xây dựng. Trấn Hải Dương - Thành Đông từ lâu được coi là phên dậu phía đông của kinh thành Thăng Long. Vì vậy, triều đình nhà Nguyễn không ngừng củng cố Thành Đông thành một pháo đài quân sự vững mạnh.

Sau này nhiều người buôn bán, thợ thủ công ở các nơi đã tụ tập về các khu vực gần Thành Đông để buôn bán, làm ăn. Từ đó, Thành Đông từng bước chuyển mình từ một trung tâm hành chính, quân sự thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại sầm uất của tỉnh Hải Dương.

Ngày 19.8.1883, quân Pháp đánh chiếm Thành Đông. Đến năm 1923, Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập TP Hải Dương, đánh dấu bước phát triển mới của thành phố. Với vị trí thuận lợi về giao thông, sự phát triển về kinh tế, văn hóa, TP Hải Dương trở thành 1 trong 4 thành phố quan trọng nhất của Bắc Kỳ cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.

Theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 22.11.1945 và Sắc lệnh số 77/SL ngày 21.12.1945 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì từ đầu năm 1946, TP Hải Dương được chuyển thành thị xã Hải Dương và là tỉnh lỵ của tỉnh Hải Dương. Ngày 25.12.1946, thực dân Pháp quay lại chiếm đóng thị xã Hải Dương.

Tháng 4.1947, chính quyền bù nhìn thân Pháp được thành lập ở tỉnh Hải Dương. Ngày 21.7.1954 lệnh ngừng bắn được thực hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam sau khi hội nghị Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Địa bàn thị xã Hải Dương là nơi tập kết 100 ngày của quân đội Pháp, chúng ra sức tàn phá, vơ vét, tuyên truyền; đồng thời ra lệnh để bắt buộc đội ngũ cán bộ, công chức, trí thức và giáo dân di cư vào Nam.

Ngày 30.10.1954, quân và dân Hải Dương tiến vào tiếp quản thị xã, chấm dứt hoàn toàn sự cai trị của người Pháp ở Hải Dương. Ngày này đã trở thành một trong nhiều mốc son lịch sử, khẳng định truyền thống hào hùng, oanh liệt, vẻ vang và đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương.

Xây dựng thành phố phát triển bền vững

Năm 1997, thị xã Hải Dương được công nhận là đô thị loại III và thành lập thành phố trực thuộc tỉnh Hải Dương. Ngày 15.5.2009, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại II.

Ngày 12.11.2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết số 09-NQ/TU về việc xây dựng TP Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Từ đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội.

Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, TP Hải Dương đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm tốt công tác quy hoạch, tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Trong 3 năm gần đây, mức tăng trưởng kinh tế của TP Hải Dương đạt trung bình 13,6%/năm, thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước.

Thành phố hiện có 3 khu công nghiệp là Đại An, Nam Sách, Kỹ thuật cao An Phát và 6 cụm công nghiệp gồm Cẩm Thượng, Tây Ngô Quyền, Việt Hòa, Ba Hàng, Ngọc Sơn, Thạch Khôi - Gia Xuyên với tỷ lệ lấp đầy khá cao.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 76 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các loại hình dịch vụ, thương mại, ngân hàng, viễn thông… phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân.

Kinh tế phát triển, thành phố có điều kiện tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường công tác quản lý đô thị, quy hoạch kiến trúc, gắn với chỉnh trang và xây dựng đô thị văn minh.

Cùng với điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hải Dương đã hoàn thành việc xây dựng Chương trình phát triển đô thị, ban hành quy chế quản lý đô thị... Tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng TP Hải Dương trở thành một đô thị hiện đại, bền vững.

Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua không gian đô thị TP Hải Dương ngày càng mở rộng. Sau khi sáp nhập thêm 5 xã Ngọc Sơn, Tiền Tiến, Quyết Thắng, Gia Xuyên và Liên Hồng, nhập 2 xã Thượng Đạt và An Châu thành xã An Thượng, thành lập mới 2 phường Nam Đồng và Tân Hưng, TP Hải Dương có 25 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 19 phường và 6 xã với tổng diện tích đất tự nhiên 111,64 km2 , dân số 508.190 người. Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, giúp kết nối thuận lợi Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế vùng trong cả nước.

TP Hải Dương quan tâm đầu tư phát triển giao thông, cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải... Đến nay, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 96,5%, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng 97%; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh 99,8%; tỷ lệ nước thải xử lý 44,8%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt 99,2%. Hình ảnh một thành phố với các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp, trật tự an toàn và phát triển bền vững đã dần được hình thành.

Thành phố cũng phát triển thêm các khu đô thị mới hiện đại, gắn liền với các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, cơ sở giáo dục đào tạo, y tế. Công tác chỉnh trang, quản lý trật tự đô thị, hoàn thiện không gian công cộng, công viên, vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi giải trí; khôi phục, nâng cấp các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, bổ sung các điểm lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao công cộng, tăng cường diện tích cây xanh mặt nước được quan tâm thực hiện.

Hiện tại, diện tích đất cây xanh toàn đô thị đạt 8,32 m2 /người, đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 5,58 m2 / người. Đã có 52% tuyến phố đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị...

Lĩnh vực cải cách hành chính được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố. Địa phương tập trung đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm điều hành thông minh theo hướng xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới nhanh và giản tiện hóa các thủ tục hành chính để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp được thụ hưởng môi trường sinh sống, làm việc, đầu tư và kinh doanh tốt nhất.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội của thành phố có nhiều tiến bộ. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố luôn dẫn đầu toàn tỉnh về quy mô và chất lượng toàn diện cũng như mũi nhọn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Thành phố là trung tâm khám chữa bệnh cấp tỉnh với 7 bệnh viện cỡ lớn, đầy đủ tính chất đa khoa và chuyên khoa.

Cơ sở y tế cấp đô thị đạt 3,53 giường/1.000 dân. Mạng lưới y tế tuyến xã cũng được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm thành phố giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,3%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1%.

Với khát vọng xây dựng thành phố phát triển theo hướng đô thị xanh, hiện đại - đô thị khỏe, an toàn, trật tự và bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương cùng đoàn kết một lòng, chung tay đóng góp dựng xây Thành Đông trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư của các doanh nghiệp trên toàn quốc; là thành phố phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, đáp ứng vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương.

LÊ ĐÌNH LONG, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Hải Dương

- Năm 1804, Thành Đông được khởi lập dưới thời vua Gia Long khi lỵ sở Hải Dương được rời từ Mao Điền về vùng ngã ba sông Hàm Giang (sông Thái Bình ngày nay) và sông Sặt thuộc địa phận các xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao trang.

- Năm 1923, Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập TP Hải Dương, được chia thành 2 khu vực: khu hành chính nằm ven sông Sặt và khu kinh tế từ nhà máy rượu đến nhà ga xe lửa. Với vị trí thuận lợi về giao thông, TP Hải Dương trở thành 1 trong 4 thành phố quan trọng nhất Bắc Kỳ cùng với các TP Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định.

- Năm 1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đổi tên TP Hải Dương thành thị xã Hải Dương.

- Ngày 30.10.1954, quân và dân Hải Dương tiếp quản thị xã Hải Dương từ tay thực dân Pháp.

- Năm 1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sáp nhập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Thị xã Hải Dương là tỉnh lỵ của tỉnh Hải Hưng.

- Ngày 28.10.1996, Quốc hội ra Nghị quyết chia tỉnh Hải Hưng để tái lập tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Thị xã Hải Dương trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Hải Dương.

- Ngày 6.8.1997, Chính phủ ban hành Nghị định 88/NĐ-CP quyết định thành lập TP Hải Dương, nâng cấp thành đô thị loại III. Đây cũng là năm kinh tế của thành phố đạt nhiều thành tựu quan trọng. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 95,7 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 1996); giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 63,6 tỷ đồng; tổng thu ngân sách 13,896 tỷ đồng (tăng 10,9%).

- Ngày 15.5.2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 616/QĐ-TTg công nhận TP Hải Dương là đô thị loại II. Sau khi trở thành đô thị loại II, kinh tế thành phố có bước tăng trưởng vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.232,8 tỷ đồng; sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đạt 378,5 tỷ đồng.

- Ngày 17.5.2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 580/QĐ-TTg công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I với diện tích tự nhiên 111,64 km2, dân số 520.190 người, gồm 19 phường và 6 xã. Mức tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 13,6%/năm. Năm 2018, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng đạt 62.811 tỷ đồng; ngành thương mại dịch vụ 21.962 tỷ đồng và nông nghiệp đạt 474 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ Thành Đông anh hùng đến đô thị loại I