Tự phê bình và phê bình theo lời Bác dạy

17/04/2011 07:22

Tự phê và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình là tự giải quyết mâu thuẫn bên trong của mỗi đảng viên, góp phần làm cho tổ chức cơ sở Đảng ngày càng vững mạnh hơn.


Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (4-1959)


 Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng trước hết phải nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (khóa IX) về nhiệm vụ tiếp tục Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã nêu rõ: "Đưa tự phê bình và phê bình vào nền nếp thường xuyên trong sinh hoạt Đảng". Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính... Đối với Đảng ta, phê bình, tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh, ngày càng thêm mạnh, nhờ đó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng”. Từ khi có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 7-6-2001 của Bộ Chính trị, các tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng góp phần củng cố và nâng cao một bước đáng kể nhận thức tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng được coi trọng hơn. Những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên tiếp tục được cảnh tỉnh, răn đe, tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc hơn, dân chủ trong phê bình được rõ nét hơn.

Tự phê bình và phê bình của cán bộ đảng viên của các tổ chức cơ sở Đảng thật sự là một cuộc đấu tranh tư tưởng, nhằm xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong chi bộ, đảng bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Để tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, theo chúng tôi cần làm tốt mấy vấn đề sau:

Thứ nhất: Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng cho đảng viên.
Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng không dao động: "Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục". Cần giáo dục cho cán bộ, đảng viên thấy rõ vai trò, tác dụng của tự phê bình. Tự phê bình không hề làm giảm uy tín cán bộ, đảng viên mà nó tiếp sức để cán bộ, đảng viên tiến bộ và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công khai nhận sai lầm khuyết điểm vừa thể hiện dũng khí, vừa thể hiện tính Đảng của người Đảng viên Cộng sản. Tổ chức cơ sở Đảng cần phải động viên, khuyến khích mọi đảng viên nêu cao tinh thần tự giác, thành khẩn tự phê bình trước tổ chức và có kế hoạch sửa chữa.

Thứ hai: Gắn mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị với kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, cấp ủy quán triệt nội dung, xây dựng chương trình và kế hoạch hành động xuống từng chi bộ, để cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết, tiến hành tự phê bình và phê bình cụ thể gắn với nhiệm vụ đã được phân công cho từng chi bộ, cán bộ, đảng viên với phương châm "không đao to búa lớn" nhưng không nể nang, tránh né. Tự phê bình và phê bình phải được thực hiện thường xuyên nghiêm túc trong các buổi sinh hoạt chi bộ. Những biểu hiện sai phạm phải được phát hiện kịp thời không để phát triển thành sai lầm lớn. Định kỳ sáu tháng một lần cấp ủy tiến hành sơ kết những việc làm được, chưa được, phân tích nguyên nhân yếu kém và tìm ra biện pháp giải quyết. Cuối năm tổng kết đánh giá kết quả thực hiện tự phê bình và phê bình, khen thưởng kịp thời những đảng viên gương mẫu. Xử lý những cá nhân mắc khuyết điểm, tạo ra không khí thi đua trong từng chi bộ và giữa các chi bộ với nhau.

Thứ ba: Thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái đồng chí trong tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh nói: "Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cùng nhau tiến bộ".

Bởi vậy, Bác yêu cầu các đồng chí đảng viên, cán bộ phải thực sự yêu thương nhau trên tinh thần đồng chí anh em, nói đúng sự thật, nhỏ nhẹ nhắc nhau, chỉ bảo cho nhau lúc khuyết điểm mới phát sinh, không giấu diếm, bưng bít chờ bé xé ra to để hại nhau như vậy không phải anh em, là đồng chí. Tạo môi trường nhân văn trong từng tổ chức Đảng, tạo bầu không khí lành mạnh đoàn kết thân ái giữa các đảng viên, mỗi tổ chức Đảng "Là đạo đức là văn minh", tạo điều kiện cho từng đảng viên phấn đấu rèn luyện tốt hơn. Phê bình là giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm túc, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa... tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, trả thù, không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên "Trước mặt không nói, xoi móc sau lưng".

Thứ tư: Mở rộng dân chủ trong tự phê bình và phê bình với việc phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên đặc biệt là các cán bộ cấp ủy. Mở rộng dân chủ là tiền đề, động lực thúc đẩy tự phê bình và phê bình, nếu không có dân chủ thì không có tự phê bình và phê bình đúng đắn. Vì thế các cấp ủy, các tổ chức cơ sở Đảng phải thực sự coi trọng dân chủ trong tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình được thực hiện từ trên xuống dưới và từ dưới lên với tinh thần xây dựng, không nể nang, né tránh, không sợ bị cấp trên trù dập; nói thật, nói hết những sai lầm khuyết điểm; không lợi dụng dân chủ để vu khống, nói xấu, đả kích đồng chí mình và làm rối thêm tình hình. Mặt khác đảng viên giữ các chức vụ trong cấp ủy, chính quyền cũng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Để cấp dưới và đồng sự noi gương theo, mọi đảng viên đều phải gương mẫu thể hiện tính tiên phong của Đảng. Hành động gương mẫu của cán bộ cấp ủy; lãnh đạo chính quyền là bài học sinh động cho đảng viên nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ. Nó có tác dụng giáo dục, thuyết phục trực tiếp mạnh mẽ với cấp dưới và đồng sự. Hồ Chủ Tịch dạy: "Toàn thể đảng viên, trước hết là cán bộ phụ trách phải gương mẫu tự phê bình, phê bình".

Thứ năm: Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, kèn cựa, bản vị. Giáo dục đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng thẳng thắn phê bình đồng chí, nói hết những điều cần nói, nói có lý có tình, không sợ bị trù dập, bị mất chức, mất quyền, luôn luôn giữ vững dũng khí của người đảng viên chân chính như Hồ Chủ tịch đã dạy: "Thấy việc phải thì làm, thấy việc trái thì nói, không sợ người ta phê bình mình và phê bình người khác cũng phải luôn đúng đắn".

Kiên quyết xử lý những hiện tượng độc đoán chuyên quyền, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, xử lý nghiêm minh những hiện tượng trên, bảo vệ những đảng viên trung thực, dũng cảm đấu tranh thẳng thắn với những hiện tượng sai trái, khen thưởng kịp thời những đảng viên, những tổ chức làm tốt việc tự phê bình và phê bình.

Làm tốt mấy vấn đề trên chính là tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và thực hiện Chỉ thị của Bộ chính trị về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

NGUYỄN VĂN THANH

(0) Bình luận
Tự phê bình và phê bình theo lời Bác dạy