Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp về công tác xây dựng Đảng thì tự phê bình và phê bình phải làm thật sự nghiêm túc từ chi bộ.
Nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", tôi thấy Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn đánh giá chính xác thực trạng yếu kém trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém, Trung ương đã vạch rõ là: “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát”.
Là một đảng viên đã tham gia sinh hoạt ở nhiều loại hình chi bộ khác nhau, tôi thấy thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong thời gian qua ở chi bộ còn nhiều bất cập. Tự phê bình và phê bình chủ yếu đi vào những nội dung chung chung, chỉ chú ý đến chuyên môn đơn thuần của từng đảng viên, chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ. Đối với chi bộ cơ quan, do có cán bộ lãnh đạo sinh hoạt nên đa số đảng viên ngại phát biểu chính kiến của mình, có tâm lý sợ lãnh đạo đánh giá về tư tưởng. Mặt khác, cấp ủy cũng như lãnh đạo đơn vị trong điều hành sinh hoạt cũng chưa mạnh dạn làm rõ những hạn chế, thiếu sót của từng đồng chí, nếu có nêu cũng chỉ chung chung, không chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm của từng đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, từ đó công tác tự phê bình và phê bình kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong sinh hoạt, thời gian dành cho đọc tài liệu mất khá nhiều, thời gian dành cho đảng viên phát biểu ít. Trong khi đó nhiều cấp ủy chưa quan tâm sinh hoạt chuyên đề hoặc hướng nội dung sinh hoạt vào những vấn đề nổi bật. Việc phân công đảng viên và công tác kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ của chi bộ cũng còn chung chung, không cụ thể dẫn đến khi kiểm điểm chưa quy rõ được trách nhiệm.
Vì chưa làm tốt chế độ tự phê bình và phê bình mà thời gian qua nhiều vụ tiêu cực không được ngăn chặn và phát hiện kịp thời ngay từ cơ sở hoặc có biết nhưng đảng viên là cấp dưới không dám đấu tranh, sợ va chạm…
Nghị quyết Trung ương 4 đã xác định 4 nhóm giải pháp về xây dựng Đảng, trong đó nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôi thấy đây là lần đầu tiên trong nghị quyết về xây dựng Đảng được Đảng ta chỉ rõ các bước tiến hành tự phê bình và phê bình từ trên xuống dưới, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân vừa thể hiện trách nhiệm, vừa khẳng định quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương về chống suy thoái trong Đảng. Nghị quyết đã xác định rõ, việc thực hiện các giải pháp phải được tiến hành từ Trung ương với phương châm chỉ đạo là “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thực sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”.
Như chúng ta đã biết, chi bộ là “tế bào” của Đảng, nơi trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng Đảng, là nơi giáo dục, rèn luyện đảng viên, phân công nhiệm vụ và quản lý đảng viên. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp về công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 thì tự phê bình và phê bình phải làm thật sự nghiêm túc từ chi bộ.
NGUYỄN VĂN CHUNG(Hà Đông, Hà Nội)