Vừa bước vào gian phòng trưng bày những kỷ vật kháng chiến, tim ông Bắc đã đập rộn lên. Ông bồi hồi xúc động khi gặp lại biết bao nhiêu những kỷ vật quen thuộc, thân thương. Bỗng ông đứng sững và chăm chăm nhìn mãi một chiếc bi - đông sắt. Suýt nữa thì ông chộp lấy cầm lên xem, nhưng trông thấy tấm biển nhỏ đề “Miễn sờ vào hiện vật” ông đành thở dài đánh sượt và đứng ngây. Rồi ông lại nghển cổ ngó sang bên kia chiếc bi - đông. Ông lại như muốn reo lên khi thấy đúng là chiếc bi - đông có một vết thủng bằng đầu ngón tay út và phía dưới còn có nét chữ “N. Bắc”(đó là tên ông: Nguyễn Bắc). Đúng là nó đây rồi ! Ôi... thế mà đã hơn ba mươi năm rồi…
Ông Bắc vội lách qua mọi người quay xuống chỗ làm việc của các cán bộ bảo tàng. Một gian nhà khang trang có ba cán bộ trẻ đang ngồi hí hoáy viết lách gì đó. Ông lên tiếng chào và bước đến bàn một anh lớn tuổi hơn. Ông thong thả lên tiếng :
- Báo cáo các anh… trên kia có một chiếc bi - đông của tôi được trưng bày… Đó là chiếc bi-đông tôi đã tặng cho một người… Chúng tôi đã bặt tin nhau hơn ba mươi năm rồi… Xin các anh cho tôi được biết ai đã nộp chiếc bi - đông về đây… để may ra chúng tôi có thể tìm thấy nhau được không?
Mấy anh cán bộ bảo tàng tuổi chỉ chừng trên dưới ba mươi. Tuổi ấy họ không qua thời chiến tranh bom đạn, nhưng là cán bộ bảo tàng nên họ rất hiểu ý nghĩa sâu sắc của những kỷ niệm đời lính. Ở đây họ đã từng chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ đồng đội nhờ những kỷ vật của bảo tàng nên nghe ông Bắc nói thế thì các anh cũng mừng cho ông:
- Dạ, được! Xin bác chờ cho chút ạ!...
Không khó khăn gì để anh cán bộ tìm ra người nộp kỷ vật ấy. Sau khi lật lật, giở giở vài cuốn sổ một lúc anh ngẩng lên nói :
- Thưa bác… Chiếc bi - đông ấy là của chiến sĩ Nguyễn Thị Phương Lan, đơn vị… quê quán ở thôn... xã... huyện... tỉnh... ạ...
Ông Bắc thầm reo lên: "Lan ơi, vậy là anh đã tìm được em rồi". Ông lại thấy con tim đập rộn. Sau phút trấn tĩnh, ông nhỏ nhẹ nói với anh cán bộ cho xin một mảnh giấy ghi lại địa chỉ của Lan rồi bỏ vào túi áo ngực. Lần này thì nhất định ông không để mất nữa.
*
Chiều ấy, cơm nước xong, ông pha ấm trà rồi gọi Biểu, người con trai cả của mình cùng ngồi uống nước, nói chuyện. Ông thong thả kể lại tất cả chuyện của ông với bà Lan ngày ấy cho con nghe.
Ngày ấy, dịp trung tuần tháng 10 - 1970 đơn vị Bắc lên đường đi B. Đoàn đã hành quân được non tháng trời. Vào một ngày nghỉ để lấy gạo, muối và anh em tắm giặt nghỉ ngơi sau một tuần hành quân thì một tốp máy bay địch kéo đến đánh phá dữ dội cung đường, rất gần trạm giao liên. Đơn vị anh được huy động khẩn cấp đi san lấp hố bom, mở đường cho một đoàn xe đang bị ách lại. Máy bay địch rút được chừng một tiếng thì bỗng chúng lại tiếp tục kéo đến đánh phá trong khi anh em đang hăng say làm đường. Rồi một quả bom nổ gần hất tung anh ra đến dăm mét. Đất đá, mảnh bom bay rào rào tứ bề. Khói lửa mù trời. Bắc bị mấy mảnh bom phạt vào vai, vào đùi, máu chảy đầm đìa. Anh bị ngất đi, bất tỉnh.
Hôm sau tỉnh lại Bắc đã thấy mình nằm trên một chiếc võng dưới một mái lán bên bờ suối. Đơn vị đã tiếp tục lên đường. Thế là anh phải nằm lại điều trị tại trạm quân y đường dây ấy. Anh lại thấy chiếc bi - đông của mình treo lủng lẳng bên đầu võng. Miệng khát, anh với chiếc bi - đông mới hay chiếc bi - đông đã bị mảnh bom xiên thủng một lỗ bằng đầu ngón tay út. Anh sực nhớ ra, lúc anh vật ngã thì chiếc bi - đông chắn ngay trước ngực. Và nó đã đỡ cho anh mảnh bom ấy, nếu không thì có lẽ mảnh bom ấy đã xiên trúng tim anh rồi. Bắc không ngờ chính chiếc bi - đông đã cứu mình. Anh trìu mến nâng chiếc bi - đông lên ngắm nghía… Ôi, chiến tranh… đến một chiếc bi - đông cũng bị thương! Trong bi - đông có lưng bình nước, chắc là người phục vụ đã lấy để sẵn đó cho anh. Bắc khẽ tu từng ngụm nước mát ngọt. Anh thấy người tỉnh hẳn ra.
Bắc phải dừng ở trạm quân y đó hơn tháng trời. Ở đó anh được trạm giao cho một cô y tá trẻ chăm sóc. Tên cô ấy là Nguyễn Thị Phương Lan. Cô mắc một chiếc võng song song bên võng anh để lo chăm sóc anh cả ngày, cả đêm. Lan khá xinh tươi, dáng người thon thả, rất có duyên lại cần mẫn với nhiệm vụ. Cô cũng hay nói chuyện. Giọng cô thanh, nói mà cứ như hát. Đêm ngủ, Bắc vẫn biết Lan thức dậy đến ba, bốn lần soi đèn pin bắt muỗi, ém lại màn, sửa lại tấm đắp cho anh. Lần nào cô cũng đặt tay lên trán anh xem có bị sốt không. Bắc cảm động nhất là những đêm mưa lạnh Lan thường nhường tấm đắp của mình cho anh. Dễ có đến mấy lần đêm thấy anh lên cơn sốt rét run, hai tấm đắp lồng mà anh vẫn còn rét, cô đã nhẹ nhàng lên võng nằm chung sưởi ấm cho anh. Nhiều lúc tỉnh dậy anh mới hay. Ngày ngày thì cô hết sức tận tình thuốc thang, thay băng, lau rửa vết thương và cơm cháo cho anh. Những lúc thư thái cô lại vừa ngồi hát như ru cho anh ngủ, vừa cặm cụi vá cho anh từng tấm áo, manh quần bị những mảnh bom phạt rách. Những ngày ấm nắng cô còn dìu Bắc xuống suối tắm giặt… Anh hết sức cảm động trước sự chăm sóc và tình cảm ấy của Lan.
Qua trò chuyện, Bắc biết đang học lớp 9 thì Lan tình nguyện lên đường đi thanh niên xung phong, được đi học một lớp y tá ngắn hạn rồi vào thẳng Trường Sơn này. Quê cô cũng gần bên tỉnh anh thôi. Nhà cô làm nông nghiệp. Cô có hai người anh. Một anh cũng đã vào chiến trường. Còn một anh đang dạy học ở quê. Cô có một người bạn nam cùng xóm khá thân, nhưng chưa hò hẹn gì. Anh ấy cũng đã vào chiến trường trước cô một năm.
Được hơn một tháng thì hai người mới ngỏ lời yêu thương nhau, nhưng hẹn nhau đợi ngày chiến thắng trở về...
Biết chuyện ấy, ông trạm trưởng quân y nhiều lần vỗ vai anh bảo:
- Mọi người đã biết các cậu yêu thương nhau rồi. Mừng... Thôi, ở lại đây công tác đi... đơn vị sẽ tổ chức cho các cậu nên vợ, nên chồng. Chứ chờ đợi chi, biết đến bao giờ mới hoà bình. Tuổi xuân có thì... Cậu đã vậy... còn cô ấy. Con gái lỡ thì tội lắm. Tất nhiên vợ con bây giờ cũng có nhiều khó khăn đấy. Bom đạn. Bệnh tật. Thiếu thốn... Nhưng mà... kệ... ở Trường Sơn này cũng đã có ối người nên vợ, nên chồng, sinh con, đẻ cái đó thôi... Chiến tranh chẳng ngăn nổi hạnh phúc của chúng ta đâu! Hả?
Vậy mà anh vẫn lắc đầu:
- Không! Chúng em đã hứa với nhau là sẽ chờ đợi... Còn bây giờ, khi vết thương lành là em cứ xin tiếp tục ra trận đấy…
Mấy hôm sau có một tiểu đoàn của tỉnh hành quân qua Bắc liền xin nhập đoàn tiếp tục lên đường ngay. Cũng may ông tiểu đoàn trưởng ấy nể tình đồng hương nên nhận.
Lại gấp gáp ra đi. Đến lúc ấy Bắc mới vội hỏi đến tên làng xã của Lan. Lan viết tên làng xã mình vào một mảnh giấy nhỏ rồi ấn vào túi áo ngực cho anh. Trước lúc ra đi anh mới sực nhớ ra chả có gì làm vật kỷ niệm cho Lan. Bắc đành lấy chiếc bi - đông tặng Lan. Anh cặm cụi khắc tên mình dưới vết thủng của chiếc bi - đông ấy. Lan rất vui vì chiếc bi - đông ấy vô tình đã chắn mảnh bom trước ngực cứu sống người yêu thương của mình. Kỷ niệm của người lính chỉ có vậy mà thật xúc động.
Cũng thật không may cho anh. Khi tiếp tục hành quân được bốn ngày thì Bắc lại lên cơn sốt. Lúc nằm nghỉ, anh treo chiếc áo đó đầu võng. Một người bạn cùng tiểu đội, thấy tấm áo lấm láp vì mấy lần hành quân đêm anh bị ngã, đem đi giặt. Hôm sau sực nhớ đến mảnh giấy có địa chỉ của Lan, lục túi tìm thì mảnh giấy đã bị vò nát, nét chữ đã nhòe hết...
Đơn vị Bắc vào thẳng chiến trường miền Đông Nam Bộ. Anh từng trải nhiều trận chiến đấu ác liệt, bị nhiều vết thương nặng. Nhưng anh cũng đã đến bốn lần đạt danh hiệu dũng sĩ diệt ngụy, diệt xe cơ giới địch. Ngày giải phóng anh được đi điều trị, an dưỡng khá lâu mới về phục viên. Bắc vẫn nhớ Lan, nhưng chỉ nhớ tên tỉnh, còn tên làng xã, huyện nào thì đành chịu, không biết đâu mà đi tìm. Hỏi thăm cũng đã nhiều. Ai cũng chỉ bảo “Tên Lan thì nhiều lắm... Nếu không gặp được người cùng đơn vị mà hỏi thì chịu…”.
Bắc vẫn ngóng đợi tin Lan. Hồi ấy trước lúc chia tay, anh cũng đã ghi rõ ràng địa chỉ quê quán mình cho Lan mà sao cũng không thấy cô ấy đi tìm… Hay là cô ấy đã hy sinh ở Trường Sơn rồi!...
Anh chờ đợi Lan đến hơn 5 năm. Mãi đến một lần anh bị ốm nặng, có cô y tá người làng cũng từng là lính Trường Sơn trở về thường xuyên đến chăm sóc anh hết sức tận tình, lòng anh mới lại rung động và hai người nên vợ nên chồng. Từ đấy mặc dù đã có vợ, có con Bắc vẫn không thể nào quên được Lan, quên được mối tình đầu của mình ở nơi bom đạn.
Kể cho con nghe xong, ông nhìn con nói như cầu khẩn:
- Bây giờ bố mới có được địa chỉ của bà ấy... thì sức lại yếu quá rồi. Bố nhờ con theo địa chỉ này thử sang tỉnh bên tìm bà ấy cho bố, xem bà ấy bây giờ ra sao…
Nghe xong chuyện riêng của bố, Biểu hết sức cảm động và thương bố. Anh nghẹn ngào nói:
- Mẹ con đã mất được hơn bốn năm rồi… Chúng con cũng đã nhiều lần nói chuyện với nhau là cần động viên bố lấy vợ nữa…Các cụ xưa bảo “Con chăm cha, không bằng bà chăm ông…”. Năm nay bố mới ngoài sáu mươi, so với nhiều người còn trẻ chán. Chúng con thì bận công tác, rồi con cái suốt ngày, chẳng có nhiều điều kiện chăm sóc bố được. Mình bố ở nhà chúng con cũng chẳng yên tâm.
Cảm động trước sự quan tâm của con cái, nhưng nghe Biểu nói thế thì ông vẫn xua xua tay gạt liền :
- Không… Bố thương binh, bệnh tật ốm đau luôn, vợ con chi cho thêm khổ. Bố nhờ anh đi tìm bà ấy chỉ là muốn biết bà ấy còn hay không. Mà còn thì cuộc sống của bà ấy giờ ra sao. Khả dĩ xem bố con mình có thể giúp đỡ bà ấy được gì không hay thôi.
Biểu vui vẻ gật đầu. Anh hiểu tình cảm của những người đồng đội là sâu nặng lắm, huống chi hai người lại đã từng hò hẹn với nhau:
- Vâng ạ. Chủ nhật tuần này con sẽ nhờ thằng Tuấn nhà chú Biền nữa, anh em chúng con sẽ đi. Đây với tỉnh bên ấy cũng không xa lắm, chỉ nửa ngày đường là đến thôi.
Chủ nhật ấy anh em Biểu và Tuấn lên đường ra đi từ lúc trời còn tối đất.
Suốt ngày hôm ấy ông Bắc chẳng làm được gì. Ông cứ ra ra vào vào, lúc nào cũng sốt ruột đùng đùng mong con về. Song lòng ông cũng rộn rạo niềm vui, và hy vọng. Hơn ba mươi năm rồi không biết cô ấy có còn không, còn thì cuộc sống ra sao. Rồi mãi đến tận lúc trời tối nhọ mặt người mới thấy anh em Biểu phóng xe về. Lòng ông vui khôn tả. Biểu vừa dựng xe ngoài sân vừa nói nhanh:
- Con xin nói ngay cho bố yên tâm là mọi tình hình đều tốt đẹp cả.
Biểu kể. Bà ấy vẫn khoẻ mạnh bình thường, nhưng vẫn ở vậy một mình chăm sóc bố mẹ già. Biết được tin ông, bà ấy vui lắm, cứ một mực giữ anh em Biểu ở lại chơi đến mai. Biểu nói phải về ngay cho bố biết tin kẻo sợ ông mất ngủ suốt đêm lại sinh ốm thì nguy, bà ấy mới chịu cho anh em về.
- Thế sao sau ngày giải phóng về bà ấy không đi tìm bố ?- Ông lập cập hỏi vội.
Tuấn vui vẻ nhìn bác rồi tươi cười nói:
- Bà ấy thuỷ chung lắm bác ạ. Bà ấy bảo sau ngày giải phóng cũng ốm đau nhiều nên phải nằm lại trại điều dưỡng thương bệnh binh các tỉnh trong Nam đến mấy năm mới được về quê. Khi trở về định đi tìm bác nhưng lục đến địa chỉ của bác ghi trong sổ tay thì mấy trang ấy lại đã bị xé mất lúc nào không hay. Bà ấy nhớ mang máng có mấy lần bác bị sốt rét mê man đã xé mấy trang sổ tay gói thuốc, không ngờ... Rồi cũng do ốm đau, bệnh tật trí nhớ giảm nhiều, chẳng còn nhớ nổi tên làng tên xã, tên huyện của bác nữa…Thế mà bà ấy vẫn một lòng chờ đợi và cũng hy vọng bác đi tìm. Dạo ấy về làng cũng đã có mấy đám đặt vấn đề nhưng bà vẫn không nhận lời ai. Bà ấy bảo bà ấy vẫn chờ bác, tin bác... Thế rồi năm năm, sáu năm… vẫn chẳng thấy tin tức gì của bác. Vậy là bà ấy đã lỡ là vì bác đấy.
Nghe cháu nói vậy thì ông Bắc như muốn khóc. Ông bỗng thấy hớp rượu nghẹn đắng trong cổ. Thấy vậy Biểu liền vỗ nhẹ vào vai chú em rồi lên tiếng nói át đi cốt cho bố vui lên :
- Khi chúng con nói tình hình nhà ta và nỗi lòng của bố thì bà ấy cảm động lắm. Bà ấy bảo vậy là chả ai có lỗi cả, chỉ tại chiến tranh.
Nghe con nói thế ông Bắc mới lại vui lên được. Ông lại nâng chén rượu hớp một hớp rồi gật gù bảo:
- Thật cũng may nhờ có những kỷ vật đưa về bảo tàng chứ không thì...
Tuấn lại nâng chén cạch vào chén bác cười tươi:
- Bà ấy bảo nhất định bà ấy sẽ tìm gặp bác đấy! Trông bà ấy cũng còn khá khỏe bác ạ. Năm nay bà ấy chắc chưa đến sáu mươi đâu bác nhỉ?
- Ừ, bà ấy kém bác vài ba tuổi thôi.
Từ hôm ấy, lòng ông Bắc lúc nào cũng vô cùng vui vẻ. Rồi cứ hễ thấy có ai đi qua cổng là ông lại mời vào uống nước nói chuyện bằng được. Ai cũng bảo trông ông như trẻ ra. Đêm thì ông lại trằn trọc khó ngủ. Khi chợp mắt ngủ được thì ông lại mơ. Toàn là những giấc mơ êm đẹp với đầy ắp những kỷ niệm của một thời Trường Sơn.
Truyện ngắn của THANH THẢN