Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng âm vang của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn còn mãi đến ngày nay.
TP Hồ Chí Minh hôm nay là đô thị hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: Thành Chung
Mảnh đất hình chữ S đang vững bước đi trên đường đổi mới, hội nhập với bao nhiêu kỳ vọng.
Còn nhớ cách đây nửa thế kỷ, cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã vào giai đoạn ác liệt nhất. Đêm 30 và ngày 31.1.1968 (tức đêm giao thừa và mùng 1 Tết Mậu Thân), quân giải phóng đồng loạt tiến công trung tâm Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã, 4 Bộ Tư lệnh quân đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần… làm cho quân xâm lược Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa bất ngờ.
Ở trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn, ta tiến công tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất... Tại Huế, cờ giải phóng tung bay trên Phu Văn Lâu… Thắng lợi đã làm rung chuyển nước Mỹ, khiến Tổng thống Johnson phải tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam và buộc phải đàm phán về vãn hồi hòa bình, tạo ra một bước ngoặt quyết định của chiến tranh và sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
*
Người lính một lần đi công tác được ghé thăm nhà, khi trở về đơn vị anh đã kịp cùng đồng đội đánh chiếm TP Huế. Rồi anh ngã xuống trong những ngày giữ chốt bên cột cờ Phu Văn Lâu. Anh không biết rằng ở quê nhà vợ anh đang trở dạ sinh con đầu lòng. Bây giờ người con không biết mặt cha, cũng đã bước sang tuổi 50 - tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”.
Vậy là từ Tết Mậu Thân 1968 đến nay đã tròn nửa thế kỷ!
Nửa thế kỷ, qua 9 kỳ Đại hội Đảng, đất nước Việt Nam đã đi qua chặng đường dài với biết bao cảm xúc: Thống nhất Bắc Nam, giang sơn thu về một mối, sức sáng tạo được tôn vinh, đời sống kinh tế, văn hóa toàn xã hội phát triển không ngừng. Mảnh đất hình chữ S bên Biển Đông, năm tháng vẫn nghe rõ sóng biển gầm gào, miền Trung hứng chịu bão tố, lũ lụt tàn phá kinh hoàng, Tây Bắc thiên tai rình rập, lấy đi bao nhiêu mồ hôi công sức và cả tính mạng con người. Nhưng sức sống của một dân tộc vốn gan góc, dạn dày vẫn vững vàng trong dông bão.
Trên mảnh đất này, mỗi vách núi đảo khơi, dòng sông, cánh rừng đã thấm máu xương ngàn đời tiên tổ, và của bao liệt sĩ anh hùng để gìn giữ biên cương. Nên giọt nước biển mặn mòi muôn thuở, nhành hoa thơm ngát đời đời.
Đinh Dậu đã khép lại với sự kiện Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vẫn còn âm hưởng. Cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng phát động đang vào giai đoạn quyết liệt, từng bước lấy lại niềm tin trong Đảng, trong dân. Đất nước đi lên trong thế và lực mới. Ta bỗng liên tưởng đến con tàu vượt trùng dương mênh mông đầy sóng gió, có tay lái vững vàng và một la bàn chuẩn xác, để cập bến an toàn.
Người Việt Nam có một phẩm chất quý báu. Trước thử thách gian nan, lại càng bộc lộ óc thông minh sáng tạo để vượt qua, tìm lối đi thích hợp. Và học là cách tốt nhất để bồi dưỡng trí tuệ, để hội nhập, để làm người. Một cụ ông quê ở Cà Mau đã gần 70 tuổi, nhờ tự học có 8 tấm bằng đại học thật đáng trân trọng. Nhưng cũng đáng khinh bỉ kẻ biếng lười, gian lận tri thức. Ai trong số đó đã quên mất rằng: Con người phải đi bằng đôi chân của mình, thở bằng lá phổi của mình mới là bền vững.
*
Từng được mệnh danh là “phên dậu phía đông" kinh thành Thăng Long, Hải Dương được thiên nhiên ưu đãi, ruộng đồng màu mỡ, hoa trái bốn mùa, tiềm tàng khoáng sản. Không chỉ là vùng quê hiếu học, khoa bảng, đây còn là đất dụng võ trong các cuộc chiến tranh giữ nước, là "địa linh nhân kiệt", khí thiêng hội tụ, nơi phát tích đế vương.
Khi tiếng súng Tổng tiến công Tết Mậu Thân vang lên ở miền Nam, cũng là lúc hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sáp nhập mang tên mới: Hải Hưng. Ngót ba chục năm sống chung một mái nhà, đất và người Hải Hưng đã gan góc dạn dày, vững vàng nơi hậu phương, chia lửa với chiến trường, cho đến ngày toàn thắng.
Còn bây giờ mảnh đất Hải Dương gần 1,8 triệu dân đang vững bước đi trên đường đổi mới, hội nhập với bao nhiêu kỳ vọng. 10 khu công nghiệp đang hoạt động đã làm thay đổi diện mạo vùng quê vốn là thuần nông nghèo khó... Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn đã xuất hiện, đem lại hiệu quả rất cao… Những khu trang trại nuôi trồng cây con đặc sản, gắn liền với tên tuổi các nhà nông tỷ phú. Anh nông dân người Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ), chỉ từ niềm say mê đồng ruộng, trở thành nhà sáng chế máy nông nghiệp, đã xuất khẩu sản phẩm sang 10 quốc gia trên thế giới và tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tấm bánh gai Ninh Giang đã thành hàng hóa; hành tỏi Kinh Môn, cà rốt Cẩm Giàng, vải thiều Thanh Hà... đã xuất khẩu làm giàu cho gia đình, làng xóm quê hương. Nổi bật lên, Kinh Môn là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Người năng động, đất chuyển mình, lên hương phơi phới trước xuân về.
Khác với Xuân Mậu Thân 50 năm trước, cả dân tộc hừng hực khí thế tổng tấn công sào huyệt kẻ thù ngoại xâm để giành độc lập, thống nhất, Mậu Tuất này, sức mạnh chính nghĩa đang thổi bùng ngọn lửa, đốt cháy giặc nội xâm, nhằm tiêu diệt những thế lực cản đường đi lên của dân tộc.
Và trong âm hưởng của mùa xuân Mậu Tuất, nghe như có tiếng súng nổ ran từ mùa xuân Mậu Thân vọng về.
KHÚC HÀ LINH