Cũng trong lúc ấy, lời kêu gọi: “ăn vải là yêu nước” được cộng đồng lan truyền, như trước đó đã từng kêu gọi nhau ăn dưa hấu, hay “Hướng về biển Đông”...
Vải thiều Thanh Hà
"Trong khi báo đăng ở siêu thị Nhật, vài quả vải có giá mấy trăm ngàn đồng thì ở quê tôi, chăm sóc cho cây vải để từng năm cho quả chín, ngon rất vất vả, nhưng mỗi lần được mùa lại phải lo bán đổ bán tháo. Bộ trưởng có cách nào giúp chúng tôi bảo quản quả vải, nâng cao chất lượng và mang bán ở các thị trường có giá cao hay không?”.
Đáp lại, Bộ trưởng cho biết Bộ đã phối hợp với địa phương nghiên cứu thử nghiệm áp dụng công nghệ CAS trong bảo quản, đưa một lượng vải xuất sang Nhật thử nghiệm, và “nếu được chấp nhận, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này để giúp nông dân”. Tóm gọn, câu trả lời là: Chờ.
Trong lúc ấy, những chùm vải thiều chín đỏ, mọng ngọt vẫn ùn ùn ra khỏi vườn, bị nâng lên đặt xuống với cái giá chỉ gần chục nghìn đồng.
Cũng trong lúc ấy, lời kêu gọi: “ăn vải là yêu nước” được cộng đồng lan truyền, như trước đó đã từng kêu gọi nhau ăn dưa hấu, hay “Hướng về biển Đông”. Có gia đình ra “nghị quyết”: mỗi người phải ăn một ký/tuần; Có người mỗi ngày đi về đều ghé lại bên đường mua một chùm quả, ăn không hết lại cặm cụi tự làm nước vải. Có doanh nghiệp xuất quỹ hoạt động xã hội mua hàng tấn quả vải tặng các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa…
Kết quả thấy rõ lập tức khi mùa vải mới đi qua nửa vụ: các chợ, các siêu thị sốt sắng nhập, trưng bày, giới thiệu; Khối lượng trái vải tiêu thụ mỗi ngày trong nước tăng gấp đôi năm ngoái. Mỗi quả vải cầm trên tay người bán, người mua, người ăn không chỉ đơn thuần chỉ là quả vải đặc sản Thanh Hà (Hải Dương) nữa mà còn ngọt thơm cái tình với người nông dân, quặn thắt nỗi yêu thương đất nước.
Trong khi đợi các cơ quan chức năng tìm thị trường mới, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, bảo quản sản phẩm, những việc đáng lẽ phải làm từ rất lâu nhưng đến hôm nay vẫn đang “Chờ”, thì người dân đã tự giác cứu nhau như vậy. Nhanh. Hiệu quả. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, như khi người dân đã ra tay trăm lần, ngàn lần giúp những người cách mạng xây dựng chính quyền, giúp quân đội thống nhất, giữ nước, giúp chính quyền xây dựng đất nước, giúp nhau vượt qua thiên tai, hoạn nạn…
Trải qua bao gian khó, nhọc nhằn, thấm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, hành động của người dân, dù chỉ nhỏ như mua một chùm vải, lúc nào cũng là một cách giải quyết đúng. Đúng, nhưng để đủ thì còn cần nhiều sáng kiến, nhiều hợp lực, chung tay, cũng của người dân, hơn nữa.
“Phải nghe dân, dựa vào dân”, bao nhiêu bậc minh quân trong lịch sử Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại, bao nhiêu sự kiện oai hùng trong lịch sử đã chứng minh. Sức mạnh của dân, khi được cộng hưởng, là không thể đong đếm. Ấy vậy mà, thân phận của người dân, qua bao thăng trầm lịch sử, vẫn cứ khó nghèo, long đong, vẫn có thể sạt nghiệp chỉ vì vườn vải nhà mình bội thu. Nghịch lý ấy phải được giải quyết, sức mạnh của dân phải được phát huy đúng cách, biến thành những giải pháp vững bền, hiệu quả cho tương lai đất nước.
Yêu cầu đang được đặt ra ấy cũng gấp gáp như khi hái một quả vải chín trên cây.
PHẠM VŨ (Tuổi trẻ)