Tự làm thuốc trừ sâu bằng thảo mộc đã được nhiều nông dân tìm tòi và áp dụng thành công.
Trồng rau an toàn đang được nhiều nơi áp dụng và cho hiệu quả kinh tế cao. Trừ sâu cho rau bằng thuốc hóa học đã và đang có nhiều hạn chế như giá thành đắt, sâu nhờn thuốc, dư lượng thuốc trong nông sản lớn… Vì vậy tự làm thuốc trừ sâu bằng thảo mộc đã được nhiều nông dân tìm tòi và áp dụng thành công. Thực tế cho thấy có rất nhiều thảo mộc có khả năng diệt trừ sâu hại. Sau đây là một số cách làm thuốc trừ sâu bằng thảo mộc:
- Làm bằng cây nghể: Chế phẩm trừ sâu từ cây nghể có thể trừ được nhiều loại sâu miệng nhai và chích hút như rệp muội, nhện đỏ, sâu ăn lá; có độ độc trung bình với người; nhanh phân giải trong cơ thể và môi trường sống; không để lại tồn dư trong nông sản thực phẩm. Thuốc trừ sâu thảo mộc chế biến từ cây nghể được các cơ quan chức năng khuyến khích sử dụng để sản xuất nông sản an toàn.
Cách chế biến: 1 kg thân, lá cây nghể tươi thái nhỏ hoặc 0,3 kg thân lá cây nghể khô + 0,2 kg vôi cục, ngâm với 10 lít nước ấm 30 - 35 độ C trong 24 giờ, lọc lấy nước pha loãng với nước lã sạch 10 - 15 lít + 200 ml chất bám dính (hoặc 0,2% xà phòng bột) để phun.
* Chú ý: Hiệu lực của thuốc trừ sâu chế biến từ cây nghể cao khi nhiệt độ môi trường trên 30 độ C và giảm khi nhiệt độ xuống.
- Làm từ cây thuốc lá, thuốc lào: Chế phẩm Nicotin có trong 2 cây này trừ được nhiều loại sâu miệng nhai và chích hút như rệp, muội, nhện đỏ, sâu ăn lá hại rau màu và cây công nghiệp. Đặc biệt thuốc có hiệu lực cao đối với sâu vẽ bùa hại cam, chanh, bưởi. Nicotin cũng có độ độc cao với người và động vật máu nóng, song chóng phân giải trong cơ thể và môi trường sống, không để lại tồn dư trong nông sản thực phẩm. Thuốc trừ sâu chế biến từ cây thuốc lào, thuốc lá được các cơ quan bảo vệ thực vật khuyến khích sử dụng để sản xuất nông sản an toàn.
Cách chế biến: 1 kg cây thuốc lá, thuốc lào khô (lá hoặc cọng, cành, thân) thái nhỏ + 0,2 kg vôi cục ngâm với 10 lít nước ấm 30 - 35 độ C trong 24 giờ, lọc lấy nước pha loãng với nước lã sạch 5-20 lần + 200 ml chất bám dính (hoặc 0,2% xà phòng bột) để phun.
- Làm từ cây xoan: Lá, hoa, nhựa, vỏ cây xoan có thể khử trừ khoảng 200 loại côn trùng có hại trong sản xuất nông nghiệp như sâu cuốn lá, rệp, sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ... và ít độc với côn trùng có ích.
Cách làm: Lá xoan khô ngâm một ngày trong nước với tỷ lệ 1 kg lá khô/10 lít nước. Sau khi ngâm để một thời gian thì vò nát rồi lọc lấy dung dịch. Sau đó thêm 10 lít nước + thêm 0,1% xà phòng rồi mới đem phun. Ba ngày sau phun thuốc mới phát huy tối đa hiệu quả diệt sâu.
Với quả xoan: Dùng quả xoan sắp chín phơi khô và nghiền nhỏ thành dạng bột. Khi sử dụng thì thêm 1% xà phòng. Liều lượng dùng khoảng 28-30 kg bột quả xoan/ha.
- Thuốc từ cây củ đậu: Bộ phận gây độc chính là ở lá và hạt, đều có thành phần chất rotenon và tephrosin. Phạm vi sử dụng thuốc trừ sâu chế biến từ hạt củ đậu tương đối rộng gồm sâu tơ, sâu xanh, bướm trắng, rệp, bọ nhảy. Trên rau muống thuốc diệt sâu ba ba. Thuốc còn có tác dụng diệt bọ xít đùi to, bọ nẹt…
Cách làm: phơi khô hạt củ đậu rồi nghiền nhỏ thành dạng bột thật mịn. Sau đó thêm 5% chất bám dính, chất chống lắng... trộn đều tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh. Lấy 200-250 g thuốc dạng bột rồi pha với nước, ngâm khoảng 12 giờ, dùng vải lọc bã lấy nước, thêm nước cho được 10 lít dung dịch rồi đem phun. Thuốc dính vào sâu hại làm sâu hại chết, dính vào lá cây sẽ khiến sâu không ăn lá, gây ra hiện tượng “ngán ăn”. Khi ruộng đã phun thuốc thì côn trùng, sâu bọ có hại không dám đến. Hiệu quả nhất theo hướng này là xua đuổi được sâu tơ, sâu non, bướm sâu tơ ra khỏi ruộng, lượng trứng sâu cũng giảm đi khoảng 20-30% so với ruộng không phun thuốc.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)