Tự làm khó mình

25/09/2017 15:27

Biết chị Giang vừa đi họp phụ huynh cho cô con gái năm nay vào lớp 1 về, chị Hoa sang chơi. Vừa đến cửa chị đã hỏi:


- Tình hình thế nào hả chị? Vào đầu năm học chắc phải đóng nhiều loại tiền lắm nhỉ? Mà các cháu mới vào lớp1, tôi thấy cái khoản xã hội hóa cũng kha khá đấy.

Cắm xong nồi cơm điện, chị Giang chậm rãi nói:

- Thật ra tôi thấy đầu năm học phải đóng góp nhiều cũng đúng chị ạ! Đây, tôi đã ghi lại hết các khoản phải đóng của con. Cái nào cũng đúng quy định và hợp lý. Tiền xã hội hóa ở lớp con tôi tính ra hơn 1 triệu đồng/cháu. Đấy là chưa kể tiền lắp điều hòa vì phụ huynh vẫn chưa thống nhất được.

Thấy chị Giang nói có vẻ hợp lý, chị Hoa cũng không hỏi gì thêm. Năm nay, con chị Hoa cũng vào lớp 1 nhưng không học cùng trường với con chị Giang. Chị bức xúc vì từ đầu năm học đến nay, cộng tất cả các khoản phải đóng không dưới 4 triệu đồng, trong đó khoản tiền xã hội hóa chiếm đến già nửa.

Biết chị Hoa vẫn băn khoăn, chị Giang chép miệng nói tiếp:

- Về cái khoản xã hội hóa ấy mà, tôi thấy tự mình đang làm khó mình. Hôm nay trong cuộc họp, cô giáo chỉ đề xuất, hỏi các phụ huynh có lắp rèm cửa hay không? Khoản này nhà trường không hỗ trợ mà các cháu ngủ buổi trưa sợ nắng chiếu vào. Sau đó, một loạt phụ huynh đứng lên ý kiến, nào là quạt trần lung lay cần phải bảo dưỡng, bóng điện tối cần phải thay, bàn học của cô giáo cũng nên thay mới... Cứ thế, khoản xã hội hóa dày thêm.

Chị Giang còn kể có một phụ huynh ngồi cạnh chị nói giọng nghẹn lại, đại ý là năm nay nhà có 2 đứa con đều vào đầu cấp, bao nhiêu khoản phải lo, cứ thêm khoản gì là lại phải đi vay. Đấy cũng chỉ là trao đổi riêng tư, chứ khi chị Giang được cử là Chi hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh của lớp đứng lên xin ý kiến thì không ai dám phản đối.

- Ai cũng sợ mình lên tiếng thì con mình lại chịu thiệt - chị Giang nói giọng buồn buồn.

Chị Hoa gật gù:

- Chị nói vậy cũng phải. Hôm lớp con tôi họp phụ huynh cũng thế. Cứ đề xuất thế nào là ai cũng răm rắp nghe theo. Giá mà có ai đó mạnh dạn chỉ ra những cái cần thiết, còn những cái không hợp lý nên cắt bỏ thì có lẽ số tiền xã hội hóa đã không nhiều đến thế.

- Theo tôi các nhà trường cũng cần có quy định cụ thể. Không phải cứ phụ huynh đề xuất bổ sung mua sắm cái gì cũng chấp thuận. Cái gì đúng chức năng xã hội hóa, thiết thực đối với việc dạy và học thì mới cho triển khai. Những khoản trong danh mục phải đầu tư trang bị, sửa chữa của nhà trường theo quy định thì không nên xã hội hóa.

Ngừng một lát, chị Giang nói tiếp:

- Những phụ huynh có điều kiện không nên vì "lấy lòng" nhà trường và thầy cô giáo mà đề xuất quá nhiều ý kiến hỗ trợ, tránh gây bức xúc và áp lực đối với những gia đình khó khăn. Trong quản lý, chi tiêu số tiền xã hội hóa cũng phải minh bạch, công khai, không nên lạm dụng, tránh lãng phí.

Nghe chị Giang phân tích, chị Hoa thầm nghĩ, chắc chắn lần họp phụ huynh tới cho con chị sẽ mạnh dạn đề xuất những lời này, bởi đó là suy nghĩ chung của rất nhiều bậc phụ huynh về xã hội hóa trong trường học.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Tự làm khó mình