Từ lái xe bò đuôi thành... nhà sáng chế

10/10/2016 07:09

Bỏ học giữa chừng, lao động mưu sinh, có lúc trong tay có bạc tỷ, rồi bỗng chốc hóa thành con nợ.



Rô bốt gieo hạt do anh Hát sáng chế được nông dân trong tỉnh áp dụng rộng rãi. Ảnh: Bình Minh


Chán đời, đi lao động xứ người mới thấy “tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa”, tương lai mù mịt. Trở về quê hương,  với vốn kiến thức tích lũy được từ "đại học bôn ba", anh Phạm Văn Hát mày mò sáng chế làm nên những điều diệu kỳ trên mảnh đất quê hương.

Rau sạch…và quả đắng

Nhà có 8 anh em, Phạm Văn Hát là con út. 15 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 2 anh đã phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Sớm tối nắng mưa, Hát lẽo đẽo với chiếc xe bò đuôi, chở vật liệu xây dựng từ Cống Câu đi khắp các làng trong huyện. Lớn lên, anh tập tọe rồi lái xe công nông, chở hàng. Tính ra 17 năm, anh gắn chặt với con bò và chiếc xe cũ rách, phơi mặt trong nắng gió cát bụi, trên đường đời mưu sinh. 19 tuổi, anh Hát lấy vợ, mở thêm nghề nấu rượu, làm đậu phụ, chăn nuôi gia súc ở thôn Ngọc Lý, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ), với quyết tâm xóa cảnh khó nghèo. Lăn lộn với nghề vận tải, anh Hát đã mày mò biết sửa chữa, rồi mở xưởng, đóng mới xe công nông đầu ngang. Tích cóp mãi, anh có tiền mua ô tô,  rồi xoay xở mở cửa hàng đại lý bia hơi Hà Nội. Vào thời điểm năm 1998-1999, người dân quanh vùng đã kháo nhau: Anh Hát ở Ngọc Kỳ có vốn đến bạc tỷ.

Năm 2007 rộ lên phong trào trồng rau sạch, anh Hát hăm hở chuyển nghề. Anh thuê ruộng, tìm hiểu kỹ thuật, đầu tư giống vốn quyết chí làm rau an toàn trên đồng đất quê nhà. Ngày ấy, anh Hát đã biết tích tụ ruộng đất, thuê 3 ha của 45 hộ nông dân. Anh làm nhà lưới để sản xuất, đi tìm khách hàng, ký hợp đồng mua bán rau. Có thể nói bấy giờ đó là một nét nhấn trên vùng quê thuần nông Tứ Kỳ. Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghe tin đã cùng lãnh đạo tỉnh về thăm khu trồng rau của anh Hát. Ông nhận xét: "Đây là mô hình mới, chưa nơi nào có trên miền Bắc”.

Thật chẳng ngờ, những công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ với anh ban đầu tạm ứng tiền đặt cọc để cho anh làm tin mà sản xuất nhưng khi thấy rau trên thị trường giá rẻ hơn, họ đã vứt bỏ chữ tín, bỏ tiền đặt cọc, “bỏ của chạy lấy người”, phá vỡ hợp đồng, chạy theo những sản phẩm kém chất lượng.

Như con gái đến thì, hàng tấn rau sạch của anh Hát đều đều đến lứa. Mỗi ngày 3 tấn rau chất chồng, tàn tạ. Có lúc cả cánh đồng rau vàng rực lên như màu hoa cải. Nhìn cảnh ấy, vợ chồng anh Hát nẫu ruột, như có muối xát trong lòng. Vụ ấy, anh Hát lỗ trên 3 tỷ bạc, trở thành con nợ ở đất Ngọc Kỳ.

Anh đã qua nhiều chặng đường, kể cả tới đất nước xa lạ để kiếm vàng. Nhưng bây giờ “kho vàng” lại ở ngay chính mảnh đất quê anh.


Gieo trồng rau sạch, nhưng anh Hát lại chịu ăn "quả đắng". Đó là năm 2010.

Rạng danh nơi xứ người

Đang chán chường chưa biết đi đâu cho thoát khỏi tiếng “vỡ nợ”, thì có người môi giới cho anh Hát đi lao động ở nước ngoài. Chạy vạy ngược xuôi được 200 triệu đồng, anh Hát sang tận đất nước Israel xa xôi, khét mùi súng đạn. Anh làm thuê ở trại trồng rau của một người Do Thái, lương tháng 1.000 USD, nhưng công việc tẻ nhạt, hết cắt rau, dọn rau, rồi bón phân cho rau, phải tiếp xúc những loại phân gà mùi hắc, bẩn. Khí hậu vùng Trung Đông khắc nghiệt. Nóng. Trời trong vắt như thủy tinh. Đêm đêm, anh giật thót mình vì tiếng đạn pháo ở khu vực xung đột trên dải Gaza gần đó.

Hằng ngày đi làm, anh Hát để ý máy bón phân còn có nhiều khiếm khuyết. Một lần anh mạnh dạn ra hiệu với ông chủ, rằng mình có thể cải tạo tốt hơn. Ngôn ngữ bất đồng, anh Hát dùng que vẽ trên mặt đất nêu ra những ý tưởng... Những đường nét trên cát, những ánh mắt, động tác bàn tay ra hiệu của anh khiến ông chủ hiểu ra. Thế là chủ thợ “đàm thoại" không phải bằng ngôn ngữ mà bằng ký hiệu. Bỗng ngón tay cái của ông chủ giơ lên: "OK!". 

Kinh nghiệm và kỹ năng về cơ khí anh tích lũy từ lúc mở xưởng đóng công nông, nay sẵn có máy móc thiết bị nên chỉ mất 2 ngày anh Hát đã hoàn thành bộ phận rải phân mới, thử dùng rất tốt... Máy tự xúc phân, rải phân, điều chỉnh được lượng phân theo ý mình, thay thế cho 25 người làm việc/giờ. Người Do Thái vốn thông minh phải kinh ngạc, ngả mũ cúi chào. Anh Hát được thưởng tương đương 200 triệu đồng, cùng chiếc điện thoại và máy vi tính. Ông chủ phấn khích lên tận thủ đô mời Đại sứ quán Việt Nam tới nhà mình để cám ơn và hết lời khen ngợi anh Hát.

Rồi anh Hát được ở nhà nghiên cứu sửa chữa máy và được tăng lương lên gấp đôi, là 2000 USD/tháng…

Năm 2012, kiếm cớ ở nhà vợ đi bệnh viện, anh xin nghỉ một tháng, về quê. Đất quê Ngọc Kỳ đã giữ anh lại. Ông chủ tìm về làng, muốn đón anh sang nhưng anh từ chối. Không có gì bằng sống trên đất nước yên bình. Anh biết mình phải lánh xa cái mảnh đất bom đạn, bất ổn kia.

"Hát sáng chế"



Máy thái cá - một trong những sản phẩm do anh Hát sáng chế được nhiều khách hàng ở miền Nam đặt mua. Ảnh: Tiến Mạnh


Anh Hát trở về làng, xóa đi tiếng “vỡ nợ ” năm xưa, nhưng vẫn hai bàn tay trắng.

Anh quyết tâm trở lại nghề cơ khí, đi sâu vào hàng nông cụ, phụ kiện phục vụ nông nghiệp. Anh tìm hiểu và phát hiện: Nông dân gặt lúa bằng máy đã để lại thân rạ rất dài và lượng rạ rất nhiều. Đến vụ, các loại lưỡi cày cũ bị rạ mắc kẹt, quấn chặt lại, không còn phù hợp nữa. Anh tìm tòi nghiên cứu, sáng chế ra bộ dàn 2 lưỡi cày và 4 lưỡi cày chuyên dùng cho máy cày Kubota và máy cày tay nhằm khắc phục những khó khăn trên. Anh đưa sản phẩm cho nông dân dùng thử, hẹn rằng khi nào bà con thấy đạt yêu cầu mới phải trả tiền. Đó là mặt hàng được nông dân trong cả nước đặt mua nhiều nhất. Bình quân mỗi vụ anh bán ra khoảng 200 chiếc.

Một người nông dân gặp anh, bày tỏ muốn có một máy gieo hạt trên đồng đất Cẩm Giàng. Anh nhận lời. Thế là robot gieo hạt cà rốt, cà chua, rau củ quả ra đời… Robot có nhiều ưu điểm: bảo đảm khoảng cách, mật độ hạt gieo, có năng suất cao, thay thế được 40 người lao động trong một giờ. Hơn 100 sản phẩm được bán ra thị trường trong nước… Kể cả thị trường Mỹ, Singapore, Lào, Thái Lan, Nga... cũng đã dùng sáng chế của anh. Có một chủ trang trại người Đức tới đây đặt tiền trước, khi nào có hàng, anh chỉ mang ra sân bay Nội Bài, có người nhận chuyển đi…

Anh Hát còn sáng chế nhiều sản phẩm khác như máy đóng thóc giống, bộ ép luống, soi rạch chuyên dùng cho trồng su hào, cải bắp;  máy thu hoạch khoai tây; máy rửa thịt tự động; máy thái cá dùng cho chăn nuôi thủy sản,  lò sấy nông sản kiểu mới... 

Học vấn chỉ hết cấp 2, nhưng anh Hát lại có bằng "đại học bôn ba". Đó là quãng thời gian hơn hai chục năm làm đủ mọi nghề với một niềm ao ước, tìm đường thoát cảnh khó nghèo.

Người xưa có câu "Tứ thập nhi bất hoặc”- ý nói đến tuổi 40, con người không còn nghi hoặc, mới ổn định cuộc đời. Có lẽ thế thật. Bốn chục tuổi (năm 2012) từ Israel về quê, sau 4 năm anh đã có 20 công trình cải tiến và sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp. Người nông dân trầm trồ gọi anh bằng cái tên thân mật “Hát sáng chế”.

Tôi đã đến thăm cơ sở sản xuất của anh "Hát sáng chế". Một không gian bộn bề các thiết bị cắt gọt và chi tiết máy chế tạo dở dang. Bên ngoài một tấm biển trương lên rất dễ đọc: “Hát sáng chế cơ khí nông nghiệp”- Địa chỉ: Kim Đôi, Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ - Hải Dương…

Chuyên sáng chế: robot đặt hạt rau, củ, quả. Máy ươm bầu tự động, máy trồng và thu hoạch các cây nông nghiệp, phụ kiện cày từ 1-5 lưỡi. Nhận sáng chế các loại máy bạn có ý tưởng".

Xem thế, anh rất tự tin.

Cuộc đời “Hát sáng chế” đủ cả thăng trầm, thành bại, đầy nước mắt và nụ cười. Anh đã qua nhiều chặng đường, kể cả tới đất nước xa lạ để kiếm vàng. Nhưng bây giờ “kho vàng” lại ở ngay chính mảnh đất quê anh. Từ những sáng chế phục vụ nông nghiệp, anh Hát được nhiều giải thưởng của các ngành, các cấp. Anh được vinh danh tặng Bảng vàng trí thức vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Cao quý hơn, anh đã được Nhà nước đặc cách tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 2015.

Sản xuất có lãi, mỗi năm lãi ngót một tỷ đồng, anh mua đất, dựng xưởng, đầu tư thiết bị, thuê thêm thợ để mở rộng quy mô. Cùng với người vợ tảo tần tham gia quản lý, anh say mê sáng chế, là bạn của nhà nông. Anh bảo: "Đầu tư cho nông nghiệp thì không bao giờ lạc hậu". 

Vui là thế, nhưng anh Hát vẫn đang trăn trở: Một số máy của anh vẫn chưa được cấp bằng sáng chế độc quyền. Nhiều sản phẩm vừa ra thị trường đã bị người ta làm nhái.

Còn tôi nghĩ về anh Hát - một người nông dân xã Ngọc Kỳ thực diệu kỳ!

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Từ lái xe bò đuôi thành... nhà sáng chế