Ngày 5.7, UBND huyện Tứ Kỳ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền xã Đông Kỳ xử lý nghiêm việc ông Tiêu Văn Đạt tự ý cho đốt lại lò gạch liên tục kiểu đứng ở bãi đê hữu sông Thái Bình.
Lò gạch của ông Đạt chưa tháo dỡ
Đến 17 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động ông Đạt tự dừng hoạt động của lò gạch; đồng thời chuẩn bị thực hiện các phương án cưỡng chế, dừng hoạt động nếu chủ lò cố tình vi phạm.
Sáng cùng ngày, ông Đạt đã cho công nhân đưa gạch mộc vào và đốt 1 lò trở lại. Ông này cho rằng việc Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy 2 văn bản của UBND huyện Tứ Kỳ về việc xử lý lò gạch của ông đồng nghĩa với việc các lò gạch này tiếp tục được hoạt động. Trước đó, ngày 18.4.2018, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy một phần Quyết định 4434/QĐ-UBND ngày 20.12.2016 của UBND huyện Tứ Kỳ về việc áp dụng biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động đối với 3 lò gạch của ông Đạt; hủy phần Thông báo số 23/TB-UBND ngày 22.3.2017 của UBND huyện Tứ Kỳ "về việc tháo dỡ lò gạch thủ công có xử lý bằng nước vôi, lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện Tứ Kỳ" và giao UBND các xã Đại Đồng, Đông Kỳ, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) thông báo công khai và tổ chức cưỡng chế đối với các lò gạch của ông Đạt.
Lãnh đạo UBND huyện Tứ Kỳ cho rằng việc TAND cấp cao có phán quyết trên không đồng nghĩa với việc ông Đạt được phép tiếp tục đưa các lò gạch hoạt động trở lại. Ông Vũ Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết hiện đang là mùa mưa bão, mọi hoạt động ngoài bãi sông đều bị nghiêm cấm. Hơn thế nữa, đối với trường hợp của ông Đạt, việc UBND xã Đông Kỳ ký hợp đồng cho ông Đạt thầu đất bãi trong thời hạn 10 năm và sản xuất gạch là trái pháp luật vì không đúng thẩm quyền. Tháng 3.2016, UBND xã Đông Kỳ cũng đã thanh lý hợp đồng cho thầu đất với ông Đạt nên ông này không được tiếp tục hoạt động sản xuất gạch tại đây.
Cũng theo ông Hợp, các lò gạch của ông Đạt sau khi thanh tra, kiểm tra còn có nhiều vi phạm khác như không được cấp thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản để sản xuất gạch thủ công; không lập dự án đầu tư theo quy định, không được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho hoạt động sản xuất gạch thủ công trên địa bàn xã Đông Kỳ... Vì nhiều nguyên nhân trên mà ông Đạt không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động sản xuất gạch và phải chấm dứt hoạt động theo đúng chủ trương và quy định của tỉnh.
Vừa qua, UBND huyện Tứ Kỳ đã có văn bản kháng cáo bản án của TAND cấp cao tại Hà Nội. Lãnh đạo UBND huyện Tứ Kỳ cũng đề nghị ngành điện lực chấm dứt cung cấp điện đối với ông Đạt để tránh tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
PV