Tứ Kỳ: Trẻ em khổ vì thiếu phòng học

28/06/2018 12:07

Việc xây dựng trường mầm non tập trung tại huyện Tứ Kỳ đang gặp không ít khó khăn.


Tại điểm trường thôn Mỹ Ân (xã Văn Tố), giáo viên phải chia ca để dạy 35 em ở nhóm lớp 5 tuổi

55 em chen chúc trong căn phòng 17 m2

Xã Văn Tố hiện có 7 điểm trường mầm non nằm rải rác ở các thôn. Đây là những điểm trường được địa phương xây dựng cách đây nhiều năm hoặc tận dụng từ nhà kho cũ. Xã có 568 trẻ được bố trí ở 22 phòng học, trong đó có tới 10 phòng học bán kiên cố và 1 phòng học tạm. 

Theo cô Trần Thị Duy, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Văn Tố, một số điểm trường đã được tu sửa nhưng qua nhiều năm nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, xập xệ. Ban Giám hiệu trường phải mượn 2 phòng ở UBND xã để làm việc. 

Tại điểm trường thôn Mỹ Ân, vì thiếu phòng học, một số nhóm tuổi phải học ghép với nhau. “Với diện tích phòng học chừng 20 m2, chúng tôi phải chia ca để dạy cho 35 em ở lớp 5 tuổi. Nhóm này học trong lớp thì nhóm kia phải hoạt động ngoài trời. Mùa hè thì chật chội, nóng bức. Không gian ngoài trời cũng không đủ bảo đảm cho các tiết học ngoại khóa và vui chơi. Trường không có phòng chức năng nên các hoạt động ăn, học đều chung một phòng. Cả giáo viên và học sinh trên dưới 100 người nhưng chỉ có duy nhất một khu vệ sinh”, cô Cao Thị Khánh Chi, giáo viên chủ nhiệm nhóm lớp 5 tuổi cho biết. 

Các điểm trường mầm non ở xã Hà Thanh cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều năm nay, nhà trường đều không đáp ứng đủ số phòng học. Năm học 2017-2018, toàn xã có 373 trẻ đến lớp, chiếm 67% số trẻ từ 1-6 tuổi nhưng nhiều điểm trường đã quá tải. 

Điểm trường thôn Tri Lễ có 2 phòng học nhưng đều vượt số trẻ so với quy định. Phòng học cho nhóm lớp 5 tuổi chỉ rộng khoảng 24 m2 với 44 trẻ. Đặc biệt, nhóm lớp 2- 3 tuổi và 4 tuổi có 55 trẻ phải ghép cùng phòng với diện tích 17 m2. 

Ở điểm trường thôn Kiều Long, cả 3 nhóm tuổi đều phải học trong 1 phòng. Còn điểm trường thôn Bình Cách, giáo viên phải mượn nhà văn hóa của thôn để dạy học vào sáng thứ hai, thứ tư và thứ sáu. 


Khu rửa tay, nhà vệ sinh tại điểm trường thôn Kiều Long (xã Hà Thanh) xuống cấp

Cô Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hà Thanh cho biết: “Số lượng trẻ đến lớp ngày càng tăng, chúng tôi chỉ lo không đủ phòng học để đáp ứng trong năm học mới. Nhà trường, phụ huynh, học sinh đều mong muốn sớm xây dựng trường mầm non tập trung để các em có môi trường học tập, vui chơi”.

Không chỉ lớp học quá tải mà các công trình phụ trợ tại các điểm trường cũng rất thiếu thốn. Hiện nay, xã có 6 điểm trường nhưng chỉ có 2 bếp ăn bán trú nên việc di chuyển rất vất vả. Đến giờ ăn, các giáo viên và nhân viên phải chia cơm, thức ăn mang tới các điểm trường chưa có bếp ăn. 

Việc học nhờ, học tạm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của trẻ mầm non. Ngồi học không đúng độ tuổi làm cho chất lượng giáo dục hạn chế. 

Thiếu vốn

Theo ông Phạm Xuân Ngải, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh, năm 2017, xã đã quy hoạch xây dựng trường mầm non tập trung với diện tích 6.500 m2. Quỹ đất để xây dựng hoàn toàn nằm trên đất 03 nên phải có phương án đền bù cho người dân với tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, xã chưa có nguồn kinh phí để triển khai. “Đây là 1 trong 8 tiêu chí mà xã chưa thực hiện được trong xây dựng nông thôn mới. Xã cũng chỉ trông chờ vào việc đấu giá quyền sử dụng đất để có ngân sách đầu tư”, ông Ngải cho hay. 

Dù đã hoàn thành việc san lấp mặt bằng, lập hồ sơ thiết kế xong nhưng xã Văn Tố vẫn chưa triển khai xây dựng được do hạn hẹp về kinh phí. 

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ, hiện nay vẫn còn một số  xã vẫn chưa có trường mầm non tập trung như Văn Tố, Nguyên Giáp, Hà Thanh, Hà Kỳ… Các xã Hà Kỳ, Nguyên Giáp đang xây dựng. Riêng Trường Mầm non xã Hà Thanh và Văn Tố gặp rất nhiều khó khăn dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa có giải pháp cụ thể để khắc phục.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Tứ Kỳ: Trẻ em khổ vì thiếu phòng học