Đảng bộ và nhân dân huyện Tứ Kỳ vừa bước qua một nhiệm kỳ ghi dấu những bước phát triển tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra.
Kinh tế ở Tứ Kỳ đang từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, nhất trí, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Tứ Kỳ vừa bước qua một nhiệm kỳ ghi dấu những bước phát triển tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra.
Là huyện nông nghiệp nên trong phát triển kinh tế, Tứ Kỳ xác định tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Sau đại hội, Huyện ủy đã xây dựng 16 đề án để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23, trong đó có đề án "Quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2011-2015". Sau 5 năm thực hiện đề án, toàn huyện đã xây dựng và thực hiện được 58 vùng chuyên canh sản xuất rau màu (mỗi vùng từ 3 ha trở lên) với tổng diện tích hơn 644,4 ha, cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm. Nhiều xã thực hiện tốt việc quy vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao như Tân Kỳ, Minh Đức, Quang Khải, Hưng Đạo... Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của vùng chăn nuôi, thủy sản truyền thống đến nay, toàn huyện có 114 vùng chăn nuôi thủy sản tập trung có diện tích từ 2 ha trở lên. Đặc biệt, tận dụng thế mạnh từ nguồn đặc sản rươi, cáy, trong giai đoạn 2011-2015 huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các xã An Thanh, Tứ Xuyên khai thác tốt nguồn lợi từ thiên nhiên. Hiện nay, các xã này đã quy hoạch 6 vùng tập trung bảo tồn, phát triển, khai thác đặc sản có quy mô từ 3-50 ha. Huyện hỗ trợ nông dân đầu tư quây bờ vùng, xây dựng các cửa cống điều tiết nước thủy triều, thực hiện quy trình canh tác đặc biệt làm tăng độ tơi xốp, chất mùn trong đất, bảo tồn môi trường tự nhiên cho thủy sản phát triển. Nhiều hộ nông dân có thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm từ nuôi và khai thác rươi, cáy. Cùng với khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất, huyện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá đặc sản của địa phương. Đặc sản rươi Tứ Kỳ đã được công nhận là 1 trong 50 món ăn nổi tiếng Việt Nam năm 2015. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng cao đã góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp của Tứ Kỳ đạt 131,6 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra (115 triệu đồng/ha/năm).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với việc dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng được Huyện ủy quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Do làm tốt công tác dân vận, nhân dân các địa phương đã hiến hơn 30.000 m2 đất, đóng góp trên 60.000 ngày công để chỉnh trang, nâng cấp đường giao thông nông thôn, tu sửa các công trình công cộng... Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, toàn huyện bê tông hóa được 100,2 km đường ra đồng, kiên cố hóa 6,4 km kênh mương; cơ giới hóa trên 98% khâu làm đất, 100% khâu tuốt lúa. Đến nay, bình quân mỗi xã đạt 10,3 tiêu chí NTM, tăng 5,04 tiêu chí/xã so với đầu nhiệm kỳ. Huyện có xã Tứ Xuyên đã được công nhận NTM.
Trong thu hút đầu tư, huyện kiên trì mục tiêu thu hút các dự án có quy mô phù hợp, giải quyết nhiều lao động, ít gây ô nhiễm môi trường. Toàn huyện hiện có 4 cụm công nghiệp, thu hút trên 50 doanh nghiệp hoạt động. Các làng nghề truyền thống tiếp tục thu hút đông đảo lao động nông thôn như làng nghề thêu ren Xuân Nẻo ở xã Hưng Đạo, mây tre đan ở thị trấn Tứ Kỳ... Huyện cũng đã hình thành 3 điểm thương mại tập trung ở thị trấn Tứ Kỳ, thị tứ Hưng Đạo và Quý Cao - Nguyên Giáp. Kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ theo hướng “ly nông bất ly hương”, tạo sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu lao động. Hằng năm, huyện đã tạo thêm việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,3%, vượt 11,3% so với chỉ tiêu đại hội.
Giao thông, xây dựng tiếp tục phát triển. Trong 5 năm, toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp 361,6 km đường giao thông; xây dựng 16 trụ sở UBND xã, 18 nhà văn hoá, nâng cấp cải tạo 55 công trình, hạng mục trường học; cơ bản hoàn thành công trình trọng điểm đường 191D (chợ Yên - đò Bầu) và triển khai thi công đường 191N...
Một số làng nghề truyền thống đang phát huy tốt. Trong ảnh: Nghề thêu ren ở Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo. Ảnh: Thành Chung
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được huyện quan tâm tập trung nâng cao chất lượng. Chất lượng phổ cập giáo dục toàn diện được coi trọng, giáo dục mũi nhọn ở tốp đầu của tỉnh. Tứ Kỳ hiện có 35 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tăng 7 trường so với nhiệm kỳ trước; 90% số phòng học được xây dựng kiên cố, cao tầng; số học sinh thi đỗ vào các trường đại học chính quy tăng hằng năm, trên 90% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, bổ túc và học nghề. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển, có thêm 22 làng, khu dân cư văn hóa; 80% số cơ quan, đơn vị văn hóa, trên 85% số gia đình văn hóa. Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội được quan tâm. Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã có thêm 4 nhà máy nước sạch, cung cấp nước cho 100% số xã, thị trấn và 93% số hộ trên địa bàn huyện sử dụng. 18 trong tổng số 27 xã, thị trấn có mô hình thu gom rác thải. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự ổn định, không để xảy ra vụ việc đột xuất, bất ngờ. Chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được nâng lên, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người.
Có được kết quả toàn diện trên là do Đảng bộ huyện Tứ Kỳ luôn coi trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục được đổi mới về nội dung và phương thức. Tập trung nâng cao chất lượng các kỳ họp, coi trọng việc thẩm tra các nội dung trước khi trình HĐND; phản ánh kịp thời các kiến nghị của cử tri và dành nhiều thời gian cho thảo luận, trả lời chất vấn tại kỳ họp. Năng lực quản lý, điều hành của UBND các xã, thị trấn từng bước được nâng lên. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới về nội dung và phương thức theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở.
Trong công tác xây dựng Đảng, Tứ Kỳ quan tâm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tập trung chỉ đạo tổ chức tốt việc học tập các chuyên đề tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hằng tháng trong sinh hoạt chi bộ. Việc đăng ký làm theo, xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức ở các tổ chức cơ sở đảng đều gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đó tạo chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện tinh thần thái độ và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu. Công tác phát triển đảng viên đạt nhiều kết quả tích cực, bình quân mỗi năm Đảng bộ huyện kết nạp mới 168 đảng viên (mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 là 130 đảng viên/năm). Hằng năm, có gần 70% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; không có cơ sở đảng yếu kém; trên 80% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, nguyên tắc, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Tứ Kỳ tiếp tục phấn đấu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tập trung phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quan tâm phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, từng bước xây dựng huyện Tứ Kỳ trở thành huyện công nghiệp theo hướng hiện đại.
NGUYỄN NGỌC SẪM
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ