Cho hộ mới thoát nghèo vay vốn là chương trình tăng trưởng dư nợ lớn nhất trong 11 chương trình tín dụng ưu đãi mà Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tứ Kỳ triển khai.
Nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tứ Kỳ đã giúp nhiều hộ vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả
Nguồn vốn đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Tiếp sức
Sinh ra và lớn lên tại Nam Định, năm 2004 anh Lê Văn Hướng lập gia đình và chuyển về sinh sống tại quê vợ ở khu An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hành dang dở, không có việc làm ổn định, anh Hướng đi làm thuê tại các xưởng cơ khí ở Hà Nội, Quảng Ninh. Năm 2009, anh quyết định quay về cùng vợ tìm cách thoát nghèo.
Từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện dành cho hộ cận nghèo khi đó, anh Hướng đã mở xưởng cơ khí nhỏ, mua máy hàn, máy cắt. Sau quãng thời gian vừa làm chủ vừa làm thợ, công việc tại xưởng cơ khí dần ổn định, gia đình anh Hướng từ đó vươn lên thoát nghèo.
"Số tiền được vay đủ giúp cho xưởng cơ khí đầu tư thêm máy móc, thuê thêm thợ. Kinh tế gia đình chuyển biến rõ rệt", anh Hướng nói. Hiện xưởng cơ khí Lê Hướng của gia đình anh đã tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại nuôi vịt đẻ trứng của gia đình anh Vương Quốc Huy tại khu La Tỉnh Bắc (thị trấn Tứ Kỳ) rộng hơn 1.000 m2. Trang trại đang nuôi 2.000 con vịt đẻ trứng, mỗi năm bán ra trên 20 vạn quả trứng, thu lãi gần 100 triệu đồng.
Anh Huy cho biết: "Nếu không có sự tiếp sức kịp thời từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện có lẽ gia đình tôi khó có được điều kiện kinh tế thuận lợi như hôm nay. Thậm chí, với guồng quay của cuộc sống, có thể gia đình tôi lại rơi vào cảnh nghèo túng".
Giảm nghèo bền vững
Chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay vốn được thực hiện từ năm 2015. Đối tượng được vay là các hộ đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định. Chương trình là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững vì hầu hết những hộ mới thoát nghèo có điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ bị tái nghèo nếu gặp rủi ro, biến cố.
Tứ Kỳ là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện giải ngân vốn cho hộ mới thoát nghèo vay từ năm 2015. Từ đó đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã cho hơn 3.000 gia đình vay trên 210 tỷ đồng.
Ông Vũ Tiến Mạnh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tứ Kỳ cho biết: "Đơn vị đã tham mưu với các cấp chính quyền rà soát, lập danh sách hộ mới thoát nghèo để làm cơ sở chọn lựa, phân bổ nguồn vốn phù hợp, đúng thời điểm".
Ngay sau khi nhận vốn, đơn vị đã giao cho cán bộ tín dụng phụ trách các xã tuyên truyền về mức vay mới, lãi suất, cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn làm hồ sơ vay. Các hồ sơ vay vốn được xem xét, thẩm định nhanh, bảo đảm đúng đối tượng, mục đích vay và giải ngân kịp thời. Ngoài giải ngân vốn, đơn vị luôn chú trọng công tác phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng đúng mục đích; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình sử dụng vốn, thu nợ, thu lãi đến kỳ hạn.
"Nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo vay đang được người dân đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, hình thành những mô hình kinh tế hộ hiệu quả. Cùng với các chương trình khác, dòng vốn này đã tạo đà cho các hộ giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển", ông Mạnh nói thêm.
HÀ KIÊN