Tứ Kỳ diệt chuột thành công

09/09/2017 09:12

Nhờ chính quyền từ huyện tới cơ sở quan tâm chỉ đạo nên việc diệt chuột bảo vệ sản xuất ở Tứ Kỳ phát huy hiệu quả rõ rệt.



HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh huy động người dân đồng loạt diệt chuột bảo vệ sản xuất


Hiệu quả cao, chi phí thấp

Vụ chiêm xuân năm nay, gần 100% diện tích cấy lúa ở xã Hà Thanh phải quây nilon để ngăn chuột phá hoại. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 20% số diện tích bị chuột cắn phá, trong đó gần 10mẫu lúa ở các thôn Hàm Cách, Kiều Long và Tri Lễ bị thất thu. Nhiều diện tích ngô, ớt của nông dân nơi đây cũng chịu thiệt hại vì chuột. Các tổ dịch vụ diệt chuột chuyên trách do các thôn trong xã tự thành lập hoặc thuê công ty làm dịch vụ không phát huy hiệu quả.

Trước tình hình đó, UBND xã Hà Thanh đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất. HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh tổ chức họp với nhân dân các thôn để thống nhất phương án diệt chuột trên toàn địa bàn. HTX đã giao cho tổ nông giang gồm 23 người làm nhiệm vụ diệt chuột trong cả xã bằng cách đặt mồi bả và bẫy bán nguyệt. Người dân đóng góp 40.000 đồng/vụ để trả công cho các thành viên tổ dịch vụ diệt chuột và kinh phí mua mồi bả. HTX cam kết sẽ bồi thường 2.000 đồng/m2 nếu ruộng lúa bị chuột cắn phá từ 5 m2 trở lên. Nếu ruộng lúa bị thiệt hại từ 50% số diện tích trở lên HTX sẽ bồi thường 2 tạ thóc tươi/sào (tương đương từ 1,2 - 1,4 triệu đồng).

Từ đầu vụ mùa đến nay, hằng ngày tổ dịch vụ diệt chuột chuyên trách của xã Hà Thanh đều đi đặt bẫy đánh chuột kết hợp với biện pháp soi đập vào buổi tối. Cứ 3 ngày một lần, tổ lại đi đặt mồi bả đánh chuột ở khắp các xứ đồng, tập trung vào những nơi gò, đống cao, ven làng. Từ ngày 20.7 - 20.8, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh phát động 2đợt diệt chuột thủ công, huy động khoảng 800 người tham gia diệt được hơn 6.000con chuột. “Người dân rất phấn khởi vì nạn chuột cắn phá lúa và hoa màu đã  giảm rất nhiều. Vụ mùa này đồng ruộng quê tôi gần như không còn tình trạng quây che nilon”, ông Nguyễn Trọng Tải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh nói.

Tại các cánh đồng cấy lúa của xã Tứ Xuyên, Tiên Động, An Thanh, Văn Tố, Quang Trung… tình trạng quây che nilon cũng giảm hẳn, thậm chí không còn. So với vụ chiêm xuân vừa qua, tỷ lệ diện tích phải quây nilon trong vụ mùa này đã giảm đáng kể, từ 70% xuống còn khoảng40%. Trước đây ước tính mỗi vụ nông dân trong huyện phải bỏ ra từ 6- 7 tỷ đồng tiền mua nilon quây ruộng chống chuột thì nay chi phí này đã giảm xuống, người dân tiết kiệm được hàng tỷ đồng.

5 nội dung chỉ đạo

Giai đoạn 2003 - 2010, hầu hết các xã, thị trấn ở huyện Tứ Kỳ đã thành lập được các tổ dịch vụ diệt chuột chuyên trách nhưng những năm gần đây, các tổ này hoạt động cầm chừng, nhiều tổ ngừng hoạt động, chuột gia tăng cắn phá. Đây là một trong những nguyên nhân làm hiệu quả sản xuất nông nghiệp đạt thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, song chủ yếu do thiếu sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bột, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết sau khi khảo sát, đánh giá, huyện nhận thấy chỉ có HTX Dịch vụ nông nghiệp với những người có kinh nghiệm, nhiệt tình, chịu khó mới đảm nhận việc này tốt nhất. Đồng thời phải triển khai đồng bộ các biện pháp diệt chuột, bảo đảm hài hòa lợi ích trên cơ sở hợp đồng giữa nông dân và người tham gia dịch vụ thì việc diệt chuột mới đạt hiệu quả cao.

Ngày 4.5.2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Tứ Kỳ đã ra Chỉ thị số10 về việc diệt chuột bảo vệ đồng ruộng, giao UBND huyện xây dựng kế hoạch để ngăn chặn hiệu quả tình trạng chuột phá hoại và không để việc quây che nilon tái diễn trên đồng ruộng. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo diệt chuột, giao nhiệm vụ cho các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách khu, Huyện ủy viên phụ trách xã, thị trấn. Các thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên sâu sát cơ sở để chỉ đạo diệt chuột...

Huyện Tứ Kỳ quán triệt các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện 5 nội dung: phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; UBND cấp xã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; xây dựng được lực lượng diệt chuột chuyên trách (có trả công); phải xác định được phí dịch vụ diệt chuột trên đầu sào; tạo được sự đồng thuận, dân chủ, khách quan trong việc thống nhất với nhân dân về phí cũng như các phần việc liên quan.

Hiện nay, hầu hết các địa phương trong huyện đã và đang triển khai thực hiện các nội dung trên. Thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Tứ Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ thuốc diệt chuột và một phần kinh phí cho ban chỉ đạo diệt chuột các xã, thị trấn…

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tứ Kỳ diệt chuột thành công