Các xã, thị trấn của huyện Tứ Kỳ đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường gắn với xây dựng nông thôn mới.
Dãy nhà 2 tầng 8 phòng học ở Trường THCS Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) sắp hoàn thiện
Khó khăn về cơ sở vật chất là tình trạng diễn ra ở hầu hết các cấp học trên địa bàn huyện Tứ Kỳ. Các địa phương trong huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trường Mầm non xã Văn Tố có 7 điểm trường nằm rải rác ở các thôn. Hầu hết phòng học được xây dựng cách đây nhiều năm hoặc tận dụng từ nhà kho cũ nên đã xuống cấp. Ban Giám hiệu nhà trường phải mượn 2 phòng của UBND xã để làm việc. Trường không có phòng chức năng nên các hoạt động ăn, học đều dùng chung một phòng. Đầu năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhà trường được đầu tư khoảng 27 tỷ đồng xây dựng trường mới rộng hơn 7.000 m2. Trường Mầm non Văn Tố mới có 2 dãy nhà gồm 16 phòng học, nhà hiệu bộ, bếp ăn riêng. Cuối năm nay, công trình sẽ được đưa vào sử dụng. Cô giáo Cao Thị Thúy Chi, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 tuổi cho biết: "Cô trò chúng tôi rất vui mừng vì tới đây không còn phải đi học nhờ nữa".
Vừa qua, địa phương cũng đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây nhà hiệu bộ, phòng bộ môn, mở rộng khuôn viên Trường THCS Văn Tố. Chủ tịch UBND xã Văn Tố Vũ Minh Thành cho biết: "Dù nguồn lực hạn chế song địa phương vẫn khai thác, tận dụng tối đa mọi lợi thế để hoàn thiện tiêu chí khó là trường học".
Nhiều địa phương khác của huyện Tứ Kỳ cũng quan tâm xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp. Trường THCS Phượng Kỳ (xã Phượng Kỳ) tới đây sẽ được sử dụng dãy nhà 2 tầng 8 phòng học, nhà hiệu bộ mới với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Công trình này thay thế dãy nhà 2 tầng 10 phòng đã xuống cấp. Đợt này, xã Phượng Kỳ cũng đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất trường học ở cả 3 cấp với kinh phí hơn 30 tỷ đồng.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ, từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, toàn huyện đã xây dựng, đưa vào sử dụng 84phòng học, 84 phòng chức năng và 16 phòng bộ môn. Hiện tất cả các trường học trong huyện từ mầm non đến THCS đều được xây dựng kiên cố, cao tầng.
Do kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường học khá lớn nên các địa phương phải bố trí, sắp xếp từ nhiều nguồn. Một số xã căn cứ trên nguồn thu từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây các công trình phúc lợi, trong đó có trường học. Các địa phương cũng tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư. Trường Mầm non Hà Thanh vừa đưa vào sử dụng dãy nhà 6 phòng học với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Số tiền này do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tài trợ. Nhiều đơn vị, cá nhân còn ủng hộ máy điều hòa, sách, đồ chơi cho trường. Công trình đưa vào sử dụng góp phần xóa 3 điểm trường lẻ.
Tuy vậy, một số trường trong huyện vẫn còn sử dụng phòng chức năng, phòng làm việc để dạy học. "Thời gian tới, ngành giáo dục huyện tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng, các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số trường có phòng học xuống cấp, thiếu phòng do tăng học sinh để các trường có điều kiện giáo dục tốt hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia", Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ Nguyễn Thành Tuy nói.
THẢO NGUYỄN