Giáo dục

Từ huy chương Olympic đến phó giáo sư đại học top 60 thế giới

Theo VnExpress 14/12/2023 16:00

Nguyễn Tuấn Anh, chủ nhân tấm huy chương đồng Olympic Sinh học năm 2002, trở thành phó giáo sư ở HKUST, sau không ít thất bại và hoài nghi về con đường của mình.

Tuấn Anh, 40 tuổi, người Hoa Lư, Ninh Bình, làm việc tại trường Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) từ năm 2017, được bổ nhiệm phó giáo sư (Associate professor) hồi tháng 7. Đây là ngôi trường top 60 thế giới, 15 châu Á, theo xếp hạng của QS năm 2024.

Anh giảng dạy các môn về công nghệ sinh học, hướng dẫn học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hướng nghiên cứu của anh chủ yếu dùng phương pháp hóa sinh, tin sinh để giải mã cơ chế sinh học phân tử của các protein và enzyme tương tác RNA. Kết quả nghiên cứu góp phần vào việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh liên quan đến RNA và phát triển phương pháp mới điều hòa sự biểu hiện của gene bằng RNA.

"Tôi may mắn và tự hào rằng dù sinh ra tại một làng quê nhỏ ở Việt Nam, mình vẫn có thể là đồng nghiệp với những người tới từ các môi trường hàng đầu thế giới", anh Tuấn Anh chia sẻ.

PGS Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuấn Anh say mê với Sinh học từ thời phổ thông. Khi đọc sách giáo khoa, anh ấn tượng vì thấy các hệ thống sinh học đều có sự hợp lý rất cao.

"Những loài sinh vật dù là vi khuẩn hay các con vật lớn đều có cơ chế giúp chúng tồn tại trong các môi trường khác nhau sau hàng triệu năm tiến hóa", anh nói, cho biết từng mơ có ngày viết được một cơ chế sinh học.

Nhờ nỗ lực, cậu học trò hệ đại trà trường THPT chuyên Lương Văn Tụy giành giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia, rồi huy chương đồng Olympic Sinh học quốc tế năm 2002. Tuấn Anh sau đó được tuyển thẳng vào lớp Cử nhân tài năng, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, theo đuổi nghiên cứu về cơ chế sinh học của các enzyme (men).

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, người hướng dẫn Tuấn Anh thời sinh viên, nhớ học trò đã bộc lộ niềm say mê và tố chất nghiên cứu khoa học từ rất sớm.

"Tuấn Anh rất thông minh, chủ động, sáng tạo trong công việc, khiêm tốn, và có tinh thần hợp tác cao", ông nhận xét.

Cũng thời gian này, anh nói chuyện với một giáo sư người Hàn Quốc cũng nghiên cứu về enzyme khi ông sang Việt Nam để tuyển sinh. Nhận thấy Hàn Quốc là môi trường học tiên tiến không kém các trường tại Mỹ, năm 2006, Tuấn Anh tới Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), để theo đuổi bằng tiến sĩ Hóa sinh.

Tại đây, Tuấn Anh cố gắng trao đổi và học hỏi những người nghiên cứu đi trước về cách làm việc với máy móc và hóa chất trong phòng thí nghiệm. Mất khoảng một năm để bắt kịp với môi trường quốc tế, nhưng anh lại gặp trở ngại về học thuật.

Dù chăm chỉ, công trình khoa học đầu tiên của anh và đồng nghiệp bị từ chối đăng tải nhiều lần.

"Tôi hết sức thất vọng, vì đó là lần đầu tiên, lại rất hứng khởi và nhiều hy vọng", Tuấn Anh nói, cho biết nhiều lần nghĩ mình không đủ năng lực và không hợp, có lẽ nên chuyển sang lĩnh vực khác.

Được giáo sư động viên, anh lấy lại tinh thần để tiếp tục. Công trình sau đó cũng được xuất bản ở một tạp chí khoa học nhỏ. Tuấn Anh được thầy tin tưởng, giới thiệu học sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul.

Phòng thí nghiệm nơi Tuấn Anh đến được dẫn dắt bởi chuyên gia đã tìm ra quá trình sinh tổng hợp microRNA (vi sợi RNA), một loại RNA rất nhỏ mới được phát hiện. Những vi sợi RNA này điều khiển rất nhiều quá trình sinh học quan trọng trong tế bào, và sự bất thường trong hoạt động của nó là nguyên nhân gây ra các bệnh như ung thư, thần kinh. Phòng thí nghiệm muốn giải mã cơ chế sinh học phân tử của enzyme tham gia vào quá trình sinh tổng hợp ra chúng.

Một trong những phân tử enzyme mà anh tìm hiểu vốn đã được các nhà khoa học đi trước nghiên cứu kỹ. Mô hình để giải thích cơ chế phân tử của nó đăng trên tạp chí CELL - tạp chí số 1 thế giới về khoa học sinh học, từ năm 2006, được nhiều chuyên gia trên thế giới công nhận. Tuy nhiên, mô hình này lại chưa thuyết phục được Tuấn Anh. Anh đề xuất với giáo sư cho mình chứng minh lại và sử dụng mô hình mới, nhưng không được đồng ý. Để thuyết phục, Tuấn Anh xin nghiên cứu song song với đề tài khác mà giáo sư giao cho.

"Giai đoạn đầu, tôi vẫn có một loạt nghi ngờ, vì trong nghiên cứu khoa học, nguy hiểm nhất là ngộ nhận", Tuấn Anh nhớ lại. Anh mất hơn ba năm làm tất cả thí nghiệm có thể để thuyết phục giáo sư là hướng đi của mình khả thi. Sau đó, anh gửi kết quả tới tạp chí CELL. Bài báo của Tuấn Anh được đăng tải sau 6 tháng thấp thỏm chờ đợi và chỉnh sửa.

"Cảm giác đó giống như tôi đã ghi một bàn thắng ở trận chung kết cúp C1", Tuấn Anh nói.

Phát hiện của Tuấn Anh được Hiệp hội Khoa học công nghệ Hàn Quốc chọn là một trong 10 phát minh của năm 2015. Từ đó tới nay, tất cả nghiên cứu liên quan tới bộ vi xử lý trong sinh học từ nhiều nhóm khác nhau đều sử dụng mô hình này. Bài báo giúp Tuấn Anh lấy lại động lực để tiếp tục theo đuổi nghiên cứu.

Chỉ một năm sau, nghiên cứu về cấu trúc phân tử của Tuấn Anh và cộng sự lại được CELL chấp nhận. Theo Tuấn Anh, để có hai công trình đăng trên tạp chí CELL là kết quả rất khó đạt với một nghiên cứu sinh người nước ngoài tại Hàn Quốc.

Năm 2017, Tuấn Anh chọn HKUST để theo đuổi tiếp sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy. Anh cho rằng Hong Kong vừa có sự tương đồng với quê nhà về con người và khí hậu, vừa cởi mở và quốc tế hóa cao. Ngoài giảng dạy, Tuấn Anh thường đi đá bóng với đồng nghiệp và sinh viên vào cuối tuần.

Anh Tuấn Anh và các sinh viên sau buổi trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm tại khoa Khoa học sự sống, HKUST, tháng 7/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Tuấn Anh (áo kẻ) và các sinh viên sau buổi trình bày kết quả nghiên cứu của nhóm tại khoa Khoa học sự sống, HKUST, tháng 7/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuấn Anh nhìn nhận HKUST đủ tốt để sinh viên có thể học tất cả ngành công nghệ. Chính quyền Hong Kong đầu tư về nghiên cứu cơ bản, cấp visa thuận lợi, thị trường nhiều cơ hội việc làm. Hơn nữa, du học sinh được đào tạo ở môi trường tiên tiến sẽ là nguồn nhân lực góp phần phát triển nền khoa học sinh học ở trong nước.

Anh Tuấn Anh ví dụ, về y sinh, Việt Nam có thể chủ động hơn trong việc sản xuất các sản phẩm sinh học, chẩn đoán bệnh mà không phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu giá cao từ nước ngoài. Về nông nghiệp, nghiên cứu sinh học sẽ cho phép phát triển giống cây mới hoặc vắc-xin chống dịch bệnh.

Do đó, anh thường đưa các giáo sư về Việt Nam tham gia hội thảo khoa học, cũng như giới thiệu học bổng. Từ ba, bốn sinh viên Việt Nam học tại HKUST vào năm 2017, con số này đã lên hơn 50 người. Hầu hết sinh viên được học bổng toàn phần.

"Thế hệ kế tiếp phải đông và giỏi hơn để cùng các thế hệ trước thay đổi nền sinh học đất nước", anh Tuấn Anh nói.

Mỗi lần về Việt Nam, Tuấn Anh cũng đến giảng bài và trò chuyện với sinh viên. Với những người trẻ muốn theo đuổi khoa học, anh cho rằng cần xác định đây là con đường dài, nên tiếp cận những môi trường mới và kiên nhẫn để bắt kịp với thế giới.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ huy chương Olympic đến phó giáo sư đại học top 60 thế giới