Tự hào nhà khoa học trẻ xứ Đông

18/01/2013 07:28

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn đã vinh danh 141 nhà khoa học trẻ năm 2012, trong đó có 3 người quê ở Hải Dương.


Từ niềm đam mê


Anh Vũ Văn Tân
Từ khi còn nhỏ, anh Vũ Văn Tân (sinh năm 1977, ở xã An Thanh, Tứ Kỳ) đã chăm chỉ học tập. Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, tuy kinh tế  không gặp nhiều khó khăn nhưng anh Tân đã sớm có tính tự lập. Năm 18 tuổi, tốt nghiệp THPT anh đi nghĩa vụ quân sự 2 năm. Môi trường quân ngũ đã giúp anh có thêm bản lĩnh, vượt qua khó khăn trong cuộc sống sau này. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê hương với suy nghĩ phải làm một điều gì đó có ích cho xã hội, giúp được bà con nông dân bớt nhọc nhằn, từ đó anh quyết tâm thi đại học. Anh chọn thi 2 trường Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Nông nghiệp I. Kỳ thi năm đó, anh nhận giấy báo trúng tuyển cả 2 trường, nhưng với suy nghĩ mình là con nông dân, nên chọn nghề nghiệp gần gũi, phù hợp với thực tế để khi ra trường dễ xin việc. Vì thế, anh chọn theo học Trường Đại học Nông nghiệp I. Trong những năm học ở trường, anh Tân đã say mê nghiên cứu, luôn học hỏi thầy cô, bạn bè, trau dồi kiến thức. Anh luôn trăn trở với các đề tài gần gũi thực tiễn phải, nên những đề tài của anh đều được các thầy cô đánh giá cao. Anh thường xuyên “Rinh” được học bổng, giảm bớt nguồn kinh phí hỗ trợ từ gia đình. Năm 2002, anh Tân tốt nghiệp đại học. Với tấm bằng kỹ sư nông học, anh đi tìm việc làm theo đúng nguyện vọng của mình là được nghiên cứu, sáng tạo những giải pháp giúp nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Năm 2003, anh về công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Hải Dương. Được sự tin tưởng của lãnh đạo cơ quan, từ tháng 2-2011, anh Tân được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, Sở KH-CN. Được sự hỗ trợ của đồng nghiệp, sự ủng hộ của lãnh đạo, từ năm 2010 đến nay, anh đã chủ trì 3 công trình KH-CN, tham gia 5 công trình KH-CN khác. Một số công trình đã được áp dụng và mở rộng trong thực tiễn sản xuất của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất như đề tài trồng thanh long ruột đỏ trên đất Chí Linh; dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản". “Tôi luôn mong muốn đưa công nghệ mới vào nông nghiệp, giúp nông dân sản xuất tốt hơn. Trong năm 2013, tôi sẽ làm tốt công tác tham mưu để đẩy nhanh tiến độ mua máy móc phục vụ dự án sản xuất chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ để nông dân không phải mua chế phẩm ở bên ngoài”, anh Tân cho biết.

Học để trở thành người có ích


Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy
“Học để trở thành người có ích” luôn là phương châm sống của anh Nguyễn Văn Duy (sinh năm 1981, quê xã Dân Chủ, Tứ Kỳ). Đó cũng là động lực giúp anh theo đuổi sự nghiệp khoa học. Năm 2003, anh Duy tốt nghiệp chuyên ngành sinh học Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với tấm bằng giỏi, anh được trường giữ lại làm giảng viên. Luôn say mê và tận tâm với nghề, năm 2005, anh được trường tạo điều kiện đi nghiên cứu sinh chuyên ngành vi sinh vật học tại Trường Đại học Greifswald (GRây-xvan, Đức). Năm 2009, anh trở về Việt Nam với học vị tiến sĩ và công tác tại Viện Nghiên cứu sinh học và môi trường (Trường Đại học Nha Trang). Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí quốc tế. Nhiều công trình đã được ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả như: “Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn lactic sinh bacteriocin trong bảo quản thực phẩm”, “Ứng dụng kỹ thuật Real-time PCR để phát hiện Salmonella enterica trong mẫu nước và thực phẩm”, "Nghiên cứu một số chủng vi khuẩn mới dùng để sản xuất probiotics phòng trừ dịch bệnh trong sản xuất tôm hùm ở Việt Nam"...


Sau lễ vinh danh những nhà khoa học trẻ vừa qua, anh Duy cho biết: “Tôi rất tự hào là người con của quê hương Hải Dương. Thời gian tới, tôi tiếp tục ứng dụng nghiên cứu khoa học của mình vào nuôi trồng thủy sản; dùng công nghệ sinh học để chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường".

Ước mơ kết nối


Tiến sĩ Phạm Thanh Giang
Là con út trong gia đình có 3 anh em trai, anh Phạm Thanh Giang (sinh năm 1980) ở TP Hải Dương luôn được tạo mọi điều kiện học hành. Do bố mẹ làm giáo viên nên anh Giang đã có nền tảng giáo dục vững chắc. Sau khi tốt nghiệp Trường THPT năng khiếu Hải Hưng (nay là Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi), anh Giang được tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành công nghệ thông tin. Ngày còn học THPT, môn tin học anh Giang toàn học chay chứ không có nhiều máy tính như bây giờ. Ở trường mỗi tuần cũng chỉ học được một tiết với máy. Năm đầu tiên học đại học, thi môn tin học đại cương anh được điểm 10 duy nhất của trường. Đó cũng  là một niềm tin và cũng là cái duyên giúp anh Giang quyết tâm gắn bó với công nghệ thông tin.

Luôn miệt mài học tập, đến năm 2005, anh Phạm Thanh Giang giành được học bổng thạc sĩ, sau đó là tiến sĩ của Trường Đại học Công nghệ Nagaoka (Na-ga-ô-ka, Nhật Bản), chuyên ngành quản lý thông tin. Anh nhận bằng tiến sĩ năm 2010. Hiện tại, anh đang công tác tại Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện KH-CN Việt Nam. Vừa qua, anh được Bộ KH-CN vinh danh với công trình “Ứng dụng lưới và đám mây điện toán để tính sẵn các kịch bản lan truyền sóng thần có thể xảy ra tại khu vực Biển Đông nhằm phục vụ công tác cảnh báo”. Ngoài ra, nhiều công trình công nghệ thông tin của anh đã được công nhận và đưa vào ứng dụng hiệu quả như:  nghiên cứu, triển khai và đào tạo cho các đơn vị, trường đại học các lĩnh vực liên quan đến công nghệ mạng, quản trị mạng, an ninh an toàn mạng. Anh tham gia thiết kế, triển khai và duy trì hạ tầng mạng nội bộ của Viện Công nghệ thông tin...

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Giang cho biết: “Tôi rất mong có sự giúp sức, cộng tác của nhiều nhà khoa học trẻ ở mọi miền đất nước, muốn kết nối những nhà khoa học của quê hương Hải Dương, cùng nhau góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự hào nhà khoa học trẻ xứ Đông