Trong kháng chiến chống Mỹ, DQTV Thanh Hà là lực lượng nòng cốt trong lao động sản xuất, huấn luyện lực lượng để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Lực lượng dân quân tự vệ Thanh Hà thường xuyên luyện tập
Tháng 10-1939, đội Tự vệ Đỏ đầu tiên ở huyện Thanh Hà được thành lập tại thôn Lang Can, xã Thanh Lang với 5 đồng chí. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhiều nơi trong huyện như Nhân Lư, Phương La, Kỳ Tây, Xuân An… đã thành lập các đội tự vệ hoặc du kích, có cả xưởng đúc, rèn vũ khí. Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, ngày 17-7-1945, sau khi đi phá kho thóc của Nhật tại bến đò Hương, cán bộ, hội viên Việt Minh và một số tự vệ các xã lên hai chiếc thuyền ra sông Văn Úc thảo luận, nhất trí thành lập đội tự vệ thoát ly hay còn gọi là đội vũ trang tuyên truyền của huyện với 12 người do đồng chí Nguyễn Văn Mịch làm đội trưởng. Đội có nhiệm vụ “bảo vệ cách mạng, trừ gian, võ trang tuyên truyền, giữ gìn trật tự trị an cho dân, chuẩn bị tổng khởi nghĩa”. Ngay sau khi thành lập đội vũ trang tuyên truyền đã tham gia nhiều cuộc mít tinh, tuần hành, tham gia tước vũ khí của quân thân Nhật ở Bình Hà, góp phần cùng toàn dân giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Lực lượng của đội không ngừng lớn mạnh. Đến cuối năm 1945, lực lượng tự vệ toàn huyện đã có trên 500 đội viên. Ở huyện thành lập trung đội tự vệ do đồng chí Nguyễn Quang Uyên làm trung đội trưởng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, dân quân tự vệ (DQTV) Thanh Hà tích cực củng cố, xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho kháng chiến chống Pháp. Lúc này, lực lượng chiến đấu tại chỗ của huyện có 2.631 dân quân du kích, cùng với các đơn vị bộ đội xây dựng hàng chục làng xã chiến đấu như: Thanh Lang, Cẩm Chế, Tân Việt, Quyết Thắng, Tân An... Các phong trào “đòn gánh đánh tây”, “giặc đến nhà trẻ, già đều đánh”… phát triển mạnh mẽ làm kinh hồn, bạt vía quân thù. Trong kháng chiến chống Pháp, DQTV cùng với quân và dân huyện Thanh Hà đánh 949 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, thu 959 súng các loại và hàng triệu viên đạn. Ngày 25-3-1948, du kích huyện đã bắn chìm 1 ca nô của giặc Pháp tại ngã ba sông Gùa, được Bác Hồ gửi thư khen. Tháng 7-1951, lực lượng du kích phối hợp với bộ đội Bắc Hà tổ chức trận phục kích cầu Rặng (Thanh Khê), tiêu diệt và bắt sống 20 tên địch, thu 20 súng các loại. Ngày 25-10-1952, đánh trận Lại Xá (Thanh Thuỷ) tiêu diệt và bắt sống 60 tên địch, thu được nhiều vũ khí quân dụng. Ngày 21-2-1953, đánh bốt An Lại (An Lương) tiêu diệt và làm bị thương, bắt sống gần 100 tên địch. Đêm 22-2-1953, đánh bốt Thuần Mỹ (Vĩnh Lập), tiêu diệt gần 60 tên địch. Tháng 3-1953, đánh bốt Giáp Bát (Quyết Thắng), tiêu diệt và bắt sống 80 tên địch, thu 50 vũ khí các loại… Trong các chiến thắng ấy, dân quân du kích đã góp phần không nhỏ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, DQTV Thanh Hà là lực lượng nòng cốt trong lao động sản xuất, huấn luyện lực lượng để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Từ tháng 11-1965 đến tháng 12-1972, địch ném bom bắn phá trên 100 trận vào khu vực cầu Lai Vu, Phú Lương và 17 xã trong huyện Thanh Hà. Cùng với bộ đội, nhân dân huyện bạn, quân và dân Thanh Hà đã góp phần tích cực bảo vệ đường giao thông vận tải hàng hoá từ Hải Phòng lên phía trước, góp phần bắn rơi máy bay Mỹ và bắt giặc lái. Dân quân du kích các xã Hồng Lạc, Việt Hồng là lực lượng chủ yếu tham gia cứu thương, rà phá bom mìn, phối hợp với bộ đội trực chiến bảo vệ cầu Lai Vu và đoạn đường sắt đi qua huyện. Trong những năm tháng hào hùng đó, gần 11.000 nam, nữ thanh niên của huyện Thanh Hà đã tòng quân vào Nam chiến đấu. Nhiều đơn vị du kích và bộ đội địa phương đã bổ sung gọn cho chiến trường. Trong 2 lần giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, DQTV đã sát cánh cùng nhân dân, phối hợp với bộ đội đánh hàng nghìn trận. Đất nước thống nhất, cùng với việc củng cố và xây dựng lực lượng, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, đã có 865 cán bộ chiến sỹ DQTV tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc. Với những chiến công và thành tích đạt được, quân và dân huyện cùng 7 xã và 3 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Giờ đây trên mảnh đất Thanh Hà đầy những đồn bốt giặc năm xưa, là màu xanh của cỏ cây, hoa trái, của sự no ấm, trù phú. 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường được đi học. Người dân đã đựơc chăm sóc tốt hơn về sức khoẻ. Nhiều xã đã bê tông hoá được 100% đường làng, ngõ xóm. Nhiều công trình mới được xây dựng làm đổi thay bộ mặt nông thôn. Thanh Hà không còn hộ nghèo ở nhà tranh tre vách đất, đời sống người dân mỗi ngày được cải thiện. Thành quả đó có được là nhờ sự đấu tranh anh dũng của quân và dân Thanh Hà trong kháng chiến. Phát huy truyền thống của mình, từ năm 1997 đến nay, DQTV huyện Thanh Hà đã không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Huyện tập trung xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao với 3 thành phần. Từ năm 1997 cho đến nay, đã tổ chức tập huấn cho 1.085 lượt cán bộ, giáo viên bộ binh, binh chủng, chính trị viên xã đội và tổ chức huấn luyện 1.836 lượt cho lực lượng cơ động, hơn 34 nghìn lượt cho lực lượng tại chỗ và DQTV, 11,6 nghìn lượt cho lực lượng binh chủng... Hiện nay, huyện đã xây dựng được 25 Ban Chỉ huy quân sự xã, thị trấn, 4 Ban Chỉ huy quân sự cơ quan và 10 đơn vị tự vệ. Lực lượng DQTV chiếm 1,39% số dân. Trong lực lượng DQTV toàn huyện có 374 đảng viên, trong đó 177 đồng chí sinh hoạt trong các chi bộ dân quân cơ động, chiếm 28,4% tổng số dân quân cơ động. Cả 25 xã đội trưởng là bí thư chi bộ dân quân cơ động. Chất lượng hoạt động của chi bộ dân quân cơ động và chính trị viên xã, thị trấn ngày càng được củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo. Các chế độ chính sách đối với lực lượng DQTV đều được chi trả đúng quy định. Lực lượng DQTV Thanh Hà có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có độ tin cậy vững chắc về chính trị; thường xuyên huấn luyện, luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh chính trị , trật tự an toàn xã hội và góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế ở địa phương. Hằng năm, lực lượng vũ trang huyện luôn được Quân khu và UBND tỉnh tặng bằng khen, đặc biệt năm 2010 được Bộ Tư lệnh Quân khu Ba tặng danh hiệu Đơn vị Quyết Thắng.
NGUYỄN VĂN TUẤN (Ban CHQS Thanh Hà)