Vẫn áo vải, dép và giày đủ loại, bên mình là những khẩu súng kíp và con dao rừng nhưng họ được trang bị hành trang tư tưởng chính trị, một lòng vì Đảng, vì nước, vì nhân dân.
Trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam có một tấm ảnh đen trắng ghi lại khoảnh khắc hiếm có của lịch sử, đó là sự ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng gồm 34 cán bộ, chiến sĩ tại khu rừng Trần Hưng Đạo ngày 22.12.1944. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, toàn đội đã đọc 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật của quân đội cách mạng, thể hiện bản lĩnh chính trị kiên cường của người chiến sĩ cách mạng và những điều ấy còn nguyên giá trị đến hôm nay. Đó chính là hành trang đầu tiên của người lính mặc dù vũ khí trang bị còn thô sơ. Vẫn áo vải, dép và giày đủ loại, bên mình là những khẩu súng kíp và con dao rừng nhưng họ được trang bị hành trang tư tưởng chính trị, một lòng vì Đảng, vì nước, vì nhân dân. Từ chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến lời tuyên thệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn vọng mãi đến hôm nay. Hình ảnh Bác Hồ trên đồi cao quan sát trong trận đánh Đông Khê, trong bộ quân phục màu xanh áo lính “Chống gậy lên non xem trận địa”. Tư tưởng của người luôn là hành trang soi sáng cho đường lối chiến lược của quân đội ta.
Có lẽ trên thế giới này ít có quân đội nào khi mới thành lập chỉ từng ấy con người mà nay đã có những binh đoàn hùng mạnh đánh thắng hai kẻ thù thực dân và đế quốc lớn là Pháp và Mỹ. Có một Điện Biên Phủ dưới đất, lại có một Điện Biên Phủ trên không. Ít có quân đội nào mà trong trang bị hành quân lại có chiếc gậy tre từ làng quê nông thôn xuất phát ở Thái Bình để thành chiếc gậy Trường Sơn. Chiếc gậy thần kỳ ấy đã đặt dấu mốc lên các đỉnh đèo mây phủ, những vực thẳm hiểm nguy. Chiếc gậy dẻo dai từng là bụi tre ngà của huyền thoại Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân. Chính chiếc gậy tre đã dựng nên những nếp nhà, làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân Việt. Ít có quân đội nào lại đội trên đầu vành mũ tai bèo mang hình lá sen xanh, mà hoa sen được biểu trưng cho quốc hoa của dân tộc. Vành mũ tai bèo mềm mại đó có thể lẫn vào những tán rừng xanh cây nhiệt đới. Ít có quân đội nào mà cánh võng hành quân thân thương như cánh võng quê nhà. Ít có quân đội nào mà chiếc ba lô người lính mang hình con cóc ngộ nghĩnh - một hình ảnh quen thuộc trong ký ức tuổi thơ của người lính gắn bó với thời tiết nắng mưa của Việt Nam. Và đặc biệt là đôi dép cao su “đôi dép Bác Hồ” thật bình dị mà dẻo dai linh hoạt biết bao, phù hợp với địa hình chiến trường Việt Nam. Đôi dép lốp mà Bác Hồ thường đi nay cùng anh chiến sĩ ra mặt trận tạo nên sức mạnh tinh thần lớn lao. Và chiếc áo trấn thủ với 36 đường may gian khổ chằng chịt ngang dọc như đường xẻ chiến hào lại mang hình khối quả bọc phá mà trái tim người chiến sĩ là nụ xòe. Có thể nói, tất cả trang bị hành trang bên ngoài của người lính đều chứa đựng bao nội hàm thân thương, bình dị mà linh hoạt cơ động. Một người lính thuần Việt gốc gác từ nông dân:“Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
75 năm đi qua với bao chiến công hiển hách, quân đội ta đã trưởng thành trang bị bao vũ khí hiện đại từ xe tăng, đại bác đến máy bay, tàu ngầm. Dù người lính được bảo vệ với những bộ áo giáp sắt, những nút ấn điều khiển từ xa khí tài hiện đại thì bản chất anh bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn sáng mãi. Trái tim của người lính vẫn mang trong mình dòng máu tổ tiên con Lạc, cháu Hồng. Hành trang đó như một cội nguồn bất tử trong sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Tản văn củaNGUYỄN NGỌC