Đất và người xứ Đông

Từ đường họ Vũ Trí thờ 5 vị Quận công nào?

NHẬT HỮU 06/10/2023 07:57

Từ đường dòng họ Vũ Trí ở thôn Ngọc Tân, xã Hưng Đạo (Chí Linh) là nơi thờ 5 vị Quận công giữ nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình phong kiến nhà hậu Lê, có công giúp nước, giúp dân, là gương sáng để đời, dân gian truyền tụng.

W_khuon-vien-tu-duong-dong-ho-vu-tri-ngay-nay.jpg
Khuôn viên từ đường dòng họ Vũ Trí ngày nay

Với những giá trị về lịch sử, văn hoá được lưu giữ, ngôi từ đường đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 4542/QĐ-UBND ngày 19/12/2007.

5 vị Quận công nhiều công lao

Theo gia phả, bia đá, sắc phong hiện còn, từ đường dòng họ Vũ Trí thờ 5 vị Quận công thời hậu Lê. Tác giả Vũ Văn Ninh trong sách Từ điển chức quan Việt Nam ghi: Theo quan chế thời Hồng Đức, về văn ban, vũ ban, thì Quận công ngang Chánh nhất phẩm.

Vị thứ nhất là Định Quận công Chu Văn Sầm, tự là Phúc Trọng. Ông có công dẫn quân dẹp loạn và được vinh phong: Hữu thử tước trung phong, Phụ quốc công thần. Văn bia chùa Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) ghi Quận Sầm công đức trùng tu phật đài, tô kim tượng (1533-1606). Ông mất do nhà Mạc sát hại ngày 27/2, mộ táng tại Đồng Rạc, xã Thanh Tảo (nay thuộc xã Lê Lợi, Chí Linh).

Vị thứ hai là Khuông Quận công Vũ Đức Trọng, là con trai của Định Quận công Chu Văn Sầm, tự là Phúc Bảo phủ quân. Sinh thời, ông cùng Lục Quận công gặp loạn đổi về họ Vũ. Sau khi cha bị nhà Mạc sát hại, ông cùng với Lục Quận công trở về thôn Mại, xã Trí Yên tập hợp quân sĩ chống lại nhà Mạc, phù tá nhà Lê. Sau đó, quân lính nhà Mạc bao vây, hai anh em cùng thủ hạ 60 người dựa vào địa thế hiểm yếu ở Dược Sơn chống lại, rồi về Trường An bảo hộ Thánh giá thân chinh kết hợp cùng các tướng đánh nhà Mạc đến tận Quảng Hóa. Sau đó, ông được thăng tước Công, thọ 75 tuổi.

Vị thứ ba là Vận Quận công Vũ Trí Lâm, húy là Hữu Lâm, tự là Đôn Khánh, tên thụy là Thuần Phác phủ quân. Ông là con trai của Khuông Quận công Vũ Đức Trọng. Vân Quận công được nhà Lê phong: Suy trung dực vận và tuyên dương là bậc bề tôi có công lao to lớn, đặc biệt tiến phong: Phụ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ sự, thái truyền Vân Quận công. Ông sinh được 12 người con trai thì hầu hết đều làm quan cho nhà Lê, tiêu biểu là Bàn Quận công và Bật Quật công. Ông thọ 63 tuổi.

Vị thứ tư là Bàn Quận công Vũ Trí Trung. Ông là người chất phác, cương trực, cần kiệm, thi trúng khoa danh tứ trường, làm quan cho nhà Lê, giữ chức Thi nội văn. Sau, ông được thăng chức Hình bộ lang trung, tước Hầu quản binh dịch dân 7 xã, phụng sai dẫn tù Bắc quốc theo đường biển, đến châu Vạn Ninh nộp Bắc triều. Thắng lợi trở về, ông vinh dự được phong chức Thự vệ, tước Bàn Quận công. Mộ táng tại đỉnh núi Đồng Lạc, xã Thanh Tảo.

Vị thứ năm là Bích Quận công Vũ Trí Thản. Ông sinh năm 1613. Khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, ông tuyên danh Vũ tộc khởi binh, có được 3 vạn quân, binh lương vũ khí, chống lại quân phiến loạn, được triều đình nhà Lê - Trịnh ban 2 đạo chỉ dụ phong làm Đô chỉ huy, Thản Trung Hầu, sau thăng Bích Quận công do dẹp được nhiều nghịch quân ở Phượng Nhỡn, Hương Canh, Tam Kỳ, Lạng Sơn, Sơn Tây, Đông Triều. Ghi nhận công lao của ông, triều đình phong tặng: Tiền Tổng quản binh oanh liệt tướng quân, đô chỉ huy sứ, đằng tông binh quan.

Do có công với nước, với dân, 5 vị Quận công được triều đình phong kiến nhà Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong.

Giữ gìn, tôn tạo

Xưa kia từ đường họ Vũ Trí có quy mô lớn, gồm toà tiền tế 5 gian, hậu cung 3 gian. Phía trước có sân rộng và nhiều cây xanh, nằm ở ngoài đê sông Thương, sau năm 1946 mới di chuyển về vị trí hiện nay. Trải qua thời gian, một số công trình đã bị mai một, nay chỉ còn 3 gian hậu cung cổ kính, dài 7,8 m, rộng 5,3 m, xây tường hồi bít đốc bổ trụ, chất liệu gỗ tứ thiết, mái lợp ngói vảy cá. Các mảng chạm tinh xảo, nghệ thuật tập trung tại đầu bảy hiên theo đề tài lá hóa long, lá lật...

W_cham-khac-tai-bay-hien-toa-hau-cung.jpg
Chạm khắc tại bảy hiên tòa hậu cung từ đường

Hằng năm, từ đường có ngày hợp tế vào 27/2 âm lịch, giỗ Sầm Quận công và ngày 18/8, giỗ Vân Quận công. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, hợp tế tổ chức từ 2 - 3 ngày, phần lễ có tế, dâng hương, phần hội có hát chèo.

Hiện nay, các nghi thức tế lễ vẫn được dòng họ duy trì tại từ đường. Đặc biệt, trong những năm gần đây, dòng họ tổ chức hợp tế, con cháu ở các nơi trên khắp mọi miền Tổ quốc về dự rất đông, thắp hương tri ân tiên tổ, công đức tiền của tu bổ từ đường.

Năm 2014, tòa tiền tế được khôi phục lại trên nền đất cũ. Sau đó, các hạng mục phụ trợ cho từ đường cũng tiếp tục kiến tạo cho khuôn viên di tích ngày một khang trang.

Hiện nay, ngôi từ đường này cũng trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục về truyền thống hiếu học, khoa bảng, “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ địa phương.

NHẬT HỮU
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ đường họ Vũ Trí thờ 5 vị Quận công nào?