Giáo dục

Từ đỗ thành trượt đại học Mỹ sau email xin thêm tiền

Theo VnExpress 10/12/2023 12:09

Một nữ sinh ở Đồng Nai bất ngờ bị đại học ở bang Ohio, Mỹ, từ chối nhập học dù đã thông báo trúng tuyển, sau khi em xin hỗ trợ tài chính thêm 6.000 USD.

Nguyễn Thanh Hương (đã đổi tên), lớp 12, cho biết nhận được thư mời nhập học vào giữa tháng 11 với mức hỗ trợ tài chính 53.400 USD/năm. Tuy nhiên, vì khoản phải nộp còn lại nhiều hơn dự tính, nữ sinh viết email xin thêm 6.000 USD/năm và bị trường rút lại quyết định mời nhập học. Trường hợp của Hương được chuyên gia tư vấn du học đánh giá ít gặp.

Sau đây là chia sẻ của nữ sinh:

Du học Mỹ là mơ ước của em, vì thế em đã thi SAT đạt 1440/1600 điểm, IELTS 8.0 và điểm trung bình học tập (GPA) 9,1 để nộp hồ sơ ứng tuyển. Em dự kiến nộp 16 trường, trong đó kỳ sớm là 5 trường.

Em nhận định một đại học ở thành phố Granville, bang Ohio, là trường phù hợp nhất với hồ sơ của em. Ngôi trường này nằm trong top 40 đại học khai phóng của Mỹ, cũng là trường có thể mạnh về ngành Truyền thông em yêu thích. Vì thế, em đã để trường ở nguyện vọng sớm (Early Decision) cùng 4 trường còn lại, trong đó có Lake Forest College, ở nguyện vọng Early Action (EA). 5 hồ sơ cùng nộp từ 29/10.

Ngày 18/11, em nhận thông báo trúng tuyển của trường, với mức hỗ trợ tài chính 53.400 USD (gần 1,3 tỷ đồng/năm), gia đình còn phải đóng 30.000 (hơn 720 triệu đồng) một năm. Em rất vui mừng khi đỗ vào trường mong muốn nhưng nhận ra rằng 30.000 USD đó chỉ bao gồm phí trực tiếp - direct cost (học phí và ăn, ở).

Trước đó, khi điền bản chứng minh tài chính (COF), em ghi gia đình có thể đóng được 30.000 USD và nghĩ số tiền này gồm cả phí trực tiếp và gián tiếp - indirect cost (tiền bảo hiểm, vé máy bay, phí mua sách, sinh hoạt phí).

Hai ngày sau, em gửi thư cho trường để thương thảo, muốn được hỗ trợ thêm 6.000 USD/năm.

Hôm 22/11, trường phản hồi: "Bởi vì bạn nộp COF chỉ mới ba tuần trước, chắc là tình hình tài chính của gia đình thay đổi nhanh như vậy trong thời gian đó. Khi nộp đơn vào đại học khác, hãy thật thà trong bộ hồ sơ để họ cân nhắc hỗ trợ tài chính phù hợp".

Em rất sốc vì không những từ chối cho thêm tiền, trường rút luôn quyết định nhập học. Trong thư phản hồi sau đó, trường nói việc nộp hồ sơ của em bị hủy bỏ do một sự vi phạm điều kiện tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, thư không nói rõ em vi phạm hay trường vi phạm. Trong các điều kiện tuyển sinh của trường, em không thấy mình nằm trong trường hợp nào.

Em liên lạc với bộ phận tuyển sinh, trình bày do năm sau, học phí trường quốc tế của em tăng, anh trai lại đang thất nghiệp, lá thư chỉ với mục đích giúp giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Em không hỏi lý do tại sao trường rút lại thư mời nhập học, chỉ xin lỗi và khẳng định gia đình vẫn có thể đóng được nếu trường không hỗ trợ thêm. Em cũng bày tỏ yêu thích với trường, mong có cơ hội sửa sai và được nhận vào học.

Tuy nhiên, đó là quyết định cuối cùng. Em rất thất vọng và lo lắng vì đã rút hồ sơ của tất cả trường còn lại sau khi nhận kết quả đỗ. Em cũng sợ bị đưa vào danh sách đen hoặc thông tin bị trường rút thư mời hiện trên hệ thống nộp đơn chung Comm App. Lúc đó, em không còn cơ hội nộp các trường ở kỳ thường (RD) nữa.

May mắn, Lake Forest College đã gửi thư mời trúng tuyển, nên em vẫn còn cơ hội dù đây không phải trường em mong muốn.

Qua sự việc, em rút kinh nghiệm, không nên xin thêm tiền ngay năm đầu vì có thể khiến trường mất thiện cảm, nghĩ ứng viên không trung thực. Em nghĩ nếu vẫn muốn có hỗ trợ tài chính, hãy viết thư, hỏi trường có công việc nào trong trường hay có chương trình gì cho sinh viên làm không thay vì viết thư xin tiền thẳng.

Sau khi hỏi ý kiến các anh chị đi trước và chuyên gia tư vấn du học, em yên tâm rải hồ sơ cho các vòng tiếp theo.

Anh Nguyễn Ngọc Khương, chuyên gia hơn 10 năm tư vấn du học tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, chia sẻ chưa từng gặp tình huống nào như vậy. Học sinh chỉ gửi email xin tiền đúng một lần và bị trường quyết định từ chối nhập học ngay.

Chuyên gia tư vấn cho rằng trong trường hợp này, trường hành xử chưa hợp lý. Học sinh mới 17 tuổi, vẫn chưa nắm rõ các uẩn khúc tài chính trong thế giới người lớn là chuyện bình thường. Trường cũng ám chỉ học sinh lừa đảo trong bộ hồ sơ.

Anh Khương lưu ý học sinh khi tương tác với các trường. Các em vẫn xin thêm hỗ trợ tài chính của trường nếu cần nhưng chưa vội đính kèm thông tin tài chính của gia đình. Thay vào đó, ứng viên trình bày những thông tin mình đã lưu ý trong các bản kê khai tài chính CSS Profile, ISFAA, hoặc COF.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ đỗ thành trượt đại học Mỹ sau email xin thêm tiền