Đã đến lúc cần mạnh dạn loại bỏ các cuộc họp mà qua dịch Covid-19 thấy rằng tổ chức cũng được, không tổ chức cũng không sao.
Hơn 1 tháng qua, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng khắp thế giới với tốc độ chóng mặt. Đây cũng là lúc người ta thấy các cuộc họp trực tuyến lên ngôi vì lý do phòng chống bệnh dịch, thực hiện giãn cách xã hội.
Tôi rất ấn tượng với cuộc họp trực tuyến giữa nguyên thủ quốc gia nhiều nước trên thế giới để bàn biện pháp đối phó với dịch bệnh. Ở đó, Thủ tướng Canada nói rằng ông rất phấn khởi khi được ngồi tại phòng riêng ở nhà mình để trao đổi công việc, phát biểu ý kiến trước lãnh đạo nhiều nước. Tôi trộm nghĩ, nếu việc họp trực tuyến quốc tế này được tổ chức thường xuyên hơn sau dịch, có lẽ ngân sách của mỗi quốc gia sẽ giảm đáng kể chi phí cho các chuyến công tác nước ngoài vì họp hành.
Họp trực tuyến để tiết kiệm chi phí là giải pháp đã được nhiều nước trong đó có Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay. Ở nước ta, các hội nghị trực tuyến trước đây chủ yếu diễn ra với 1-2 điểm cầu ở Trung ương và các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố. Ở cấp tỉnh, chủ yếu là các hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng với điểm cầu ở cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã. Do dịch Covid-19, số các cuộc họp trực tuyến tăng lên, phạm vi cũng mở rộng hơn. Hội nghị trực tuyến không chỉ diễn ra giữa cấp tỉnh với cấp huyện mà còn giữa cấp huyện với cấp xã, trong các cuộc họp nội bộ của nhiều cơ quan, đơn vị. Cũng do Covid-19, rất nhiều hội nghị, cuộc họp không cấp thiết khác đã bị hủy bỏ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong một hội nghị trực tuyến đã nói, một phần kinh phí phòng chống dịch Covid-19 là nguồn ngân sách tiết kiệm từ việc họp trực tuyến. Có lẽ đây là gợi ý tốt để chúng ta đánh giá lại hiệu quả thực sự của các cuộc họp. Rất dễ để mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi ngành, mỗi địa phương thống kê số lượng các cuộc họp do mình tổ chức trong 1 tháng hoặc 1 quý khi chưa có dịch Covid-19 và khi đã có dịch, kinh phí để tổ chức mỗi cuộc cũng như hiệu quả do các cuộc họp mang lại để có sự so sánh. Rõ ràng nhiều cuộc họp không được tổ chức nhưng công việc không vì thế mà đình trệ. Nhiều cuộc họp trực tuyến buộc người dự phải tập trung cao mới nắm bắt được tinh thần chỉ đạo. Tình trạng nhắn tin, lướt web, đi họp cho có mặt diễn ra trong nhiều cuộc họp trực tiếp trước đây cũng giảm hẳn nhờ họp trực tuyến. Đã đến lúc cần mạnh dạn loại bỏ các cuộc họp mà qua dịch Covid-19 thấy rằng tổ chức cũng được, không tổ chức cũng không sao. Giảm các cuộc họp không cần thiết không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tiết kiệm thời gian cho người dự họp.
Tất nhiên, để họp trực tuyến hiệu quả cần có hạ tầng viễn thông tốt, nền tảng công nghệ phù hợp. Thực tế, nhiều cơ quan hiện gặp khó khăn khi áp dụng biện pháp họp trực tuyến vì tốc độ đường truyền internet của các nhà mạng không bảo đảm. Việc lựa chọn ứng dụng để họp trực tuyến phù hợp với quy mô cuộc họp cũng cần linh hoạt. Quan trọng hơn, cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao kiến thức, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.
Họp trực tuyến là giải pháp tốt, cần nhân rộng song không thể thay thế hoàn toàn các cuộc họp theo kiểu truyền thống. Vì vậy, cần rà soát, phân loại các cuộc họp để sắp xếp, bố trí nội dung nào có thể họp trực tuyến, nội dung nào họp trực tiếp cho phù hợp, ngay cả khi đã hết dịch Covid-19.
HOÀI ANH